02/08/2016 07:57 GMT+7

Chống tham nhũng 
là cuộc chiến đầy cam go

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Ngày 1-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 
(TP.HCM).

Chủ tịch nước - đại biểu Quốc hội Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM sáng 1-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch nước - đại biểu Quốc hội Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM sáng 1-8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là lần tiếp xúc cử tri đầu tiên trong vai trò đại biểu Quốc hội khóa XIV nên Chủ tịch nước dành nhiều thời gian chia sẻ trên cả hai cương vị là đại biểu và người đứng đầu Nhà nước. Ở tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 này, ngoài Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn có Phó chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM Ngô Tuấn Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng.

Chia sẻ với những ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về xử lý tham nhũng là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không chịu áp lực từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

“Với tư cách người đã từng là bộ trưởng Bộ Công an, đã từng trực tiếp chỉ đạo điều tra nhiều vụ án tham nhũng mà báo chí gọi là “đại án”, tôi cũng báo cáo thực với các vị cử tri rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến đầy cam go, đòi hỏi bản lĩnh và sự quyết tâm rất cao, nó đòi hỏi bản lĩnh của người chỉ huy, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...” - Chủ tịch nước nói.

Nhiều cử tri cũng cho rằng cần xem lại công tác cán bộ khi đã để những người không đủ tư cách lọt được vào bộ máy. Cụ thể, Quốc hội được bầu lên mà đã có hai đại biểu không được công nhận tư cách đại biểu... Cử tri cũng yêu cầu phải đổi mới cách tiếp xúc cử tri, làm sao cho nhiều người được gặp, được nói hơn.

Chủ tịch nước cũng đồng tình, ngoài tiếp xúc theo định kỳ còn phải tổ chức theo chuyên đề, đại biểu đơn vị này có thể tiếp xúc cả ở nơi cư trú, ở đơn vị khác... theo nhu cầu, mục đích làm sao để ghi nhận được nhiều ý kiến góp ý của người dân hơn.

Về câu hỏi của cử tri: “Khi nào Việt Nam mới ra tuyên bố sau phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông?”, Chủ tịch nước cho biết phán quyết dài hơn 500 trang, cần phải xem xét kỹ các mặt lợi hại để có tuyên bố phù hợp. Ông khẳng định sẽ cùng các lãnh đạo cấp cao chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu này, từ đó có phản ứng phù hợp.

Về trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sai phạm ở Formosa, Chủ tịch nước khẳng định: “Cụ thể là ai phải chờ kết luận. Hiện nay đã chỉ đạo kiểm điểm ở địa phương, bộ ngành với tinh thần bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều bị xử lý”.

Từ sự cố Formosa, lo cho sông Sài Gòn

Ngày 1-8, tổ đại biểu Quốc hội (đơn vị số 4) gồm ông Lê Minh Trí - viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Huỳnh Thành Đạt - phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM và ông Phạm Phú Quốc - tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM - tiếp xúc cử tri tại Q.5, Q.10.

Cử tri Nguyễn Tấn Đinh ở P.12, Q.10 nói từ sự cố môi trường xảy ra với bà con miền Trung mà thấy lo cho TP mình. “Chúng tôi đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát vấn đề môi trường ở các nhánh sông Sài Gòn. TP gần 9 triệu dân sử dụng nguồn nước từ đó nhưng hiện tại có hơn 40 khu công nghiệp xả thải ra sông Sài Gòn, chưa kể nước thải sinh hoạt từ nhà dân. Vừa rồi xem clip công ty ở Bình Phước vứt xác heo ở khu vực thượng nguồn sông mà tôi rùng mình” - cử tri Đinh dẫn chứng.

Ông Lê Minh Trí hứa sẽ ghi nhận ý kiến này và sắp tới sẽ trao đổi với đoàn đại biểu của các tỉnh để đặt vấn đề với thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM với các lãnh đạo địa phương đề ra hướng giải quyết tốt. Nếu không được sẽ kêu gọi Bộ Tài nguyên - môi trường vào TP.HCM chủ trì.

TRẦN KIM ANH

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên