Chơi billiards: Khỏe không kém cử tạ

TẤN PHÚC 01/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Đánh billiards có vẻ là một trò nhàn hạ thiên về sự quan sát và đầu óc, nhưng khoa học đã chứng tỏ billiards cũng là một môn có lợi cho sức khỏe thể chất không thua gì cử tạ!

Tuyển thủ quốc gia Mã Minh Cẩm chú mục trước một đường cơ -Tấn Phúc
Tuyển thủ quốc gia Mã Minh Cẩm chú mục trước một đường cơ -Tấn Phúc


Do tính chất đường phố và dân dã của bộ môn này ở Việt Nam, billiards thường bị mang tiếng xấu là một trò cờ bạc, nhưng bản thân billiards, và bất cứ môn thể thao nào khác có thể cá cược được, không có lỗi.

Billiards “hư hỏng” bởi con người

Theo lời HLV tuyển billiards và snooker Việt Nam Nguyễn Việt Hòa: “Xuất phát điểm của billiards gây nhiều ngộ nhận cho người Việt Nam. Khởi điểm của môn thể thao này là các quán bar, tụ điểm ăn chơi. Rồi khi billiards có những bước phát triển về lượng người chơi thì người ta lại không nhìn nó dưới góc độ thể thao mà là công cụ để kinh doanh, mà đã kinh doanh thì sặc mùi tiền, kèm theo đó là cờ bạc cũng chẳng có gì lạ”.

Billiards cũng dễ cá độ bởi nó có tính đối kháng trực tiếp, dễ chơi (chỉ cần hai người trở lên) và có nhiều “món” để lựa chọn mà phổ biến ở Việt Nam là billiards lỗ, billiards france và billiards dù..., tất cả đều có thể chơi hai người, đồng đội với các thể thức thách đấu tự do rất đa dạng.

Tay cơ lừng danh từng vô địch Asiad 2002 Trần Đình Hòa chia sẻ: “Nhiều lúc tôi chỉ cười trừ khi đang tập luyện với học trò mà có người lại hỏi “đánh độ hả?”.

Thực tế là người ta nghĩ về billiards như vậy, nhưng cả đời cầm cơ, tôi cảm nhận billiards khác. Nó hoàn toàn là thể thao và cả nghệ thuật nữa. Billiards có tính đối kháng cao, đòi hỏi thần kinh thép, thể lực sung mãn và cả một chút lãng tử mới lên đến đỉnh cao được.

Còn chuyện billiards biến tướng thành cờ bạc thì tôi nói thế này: xấu hay tốt là do con người cả thôi! Những môn thể thao đỉnh cao như quần vợt, bóng đá... cũng bán độ rần rần đó”.

Bản thân ông Trần Đình Hòa luyện billiards từ nhỏ và thấy nó có lợi nhiều cho sức khỏe. Đến giờ, ông vẫn giữ thói quen không cần tập thể dục nhưng luôn khỏe mạnh nhờ suốt ngày gắn bó với cây cơ, bởi chỉ lòng vòng quanh bàn đấu mà tính ra đi bộ cũng nhiều lắm, tay chân hoạt động liên tục. Trung bình, mỗi ngày các thành viên tuyển billiards TP.HCM phải đi bộ 4-5km mới đảm bảo thể lực tập luyện và thi đấu.

Kinh nghiệm của cơ thủ Trần Đình Hòa được củng cố bởi ghi nhận của chuyên gia thể lực Samir Becic, người từng bốn lần đoạt danh hiệu HLV Fitness số 1 thế giới: “Người chơi billiards hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết cứ mỗi hai giờ chơi billiards lỗ chín bi thì họ đi bộ không dưới 100 vòng theo chu vi bàn đấu, tương đương hơn 1,2km. Càng chơi nhiều thì đi bộ càng nhiều và điều đó tỉ lệ thuận với lượng calori đốt được”.

Billiards và những điều lợi

Cũng theo chuyên gia Becic trên trang Health Fitness Revolution, chơi billiards có 10 điều lợi cho sức khỏe và điều này đã được xác nhận bởi một nghiên cứu của Trường Y khoa Harvard.

Theo đó, một người nặng 125 pound (khoảng 56,7kg, khá tương đồng với thể trạng người Việt Nam) chơi billiards lỗ trong 30 phút tiêu tốn 75 calori, chỉ kém một chút so với cử tạ không phải thi đấu (90 calori) với cùng điều kiện thời gian, thể chất. Một giờ chơi billiards tương đương việc đi bộ với tốc độ nhanh (7,24 km/h) trong nửa giờ.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm lão khoa Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy billiards đặc biệt thích hợp với người lớn tuổi như một hoạt động thể thao, nhờ những hành động ngẫu nhiên liên tục trong khi chơi tạo ra “công ăn việc làm” cho cơ bắp, mà không cần phải tập luyện thể lực gì cả.

Tiến sĩ Aske Juul Lassen, chủ nhiệm nghiên cứu, nói sức khỏe của tuổi già không chỉ là việc tập luyện thể thao, mà cả việc đưa những hoạt động tưởng như thuần túy giải trí như chơi billiards vào nhịp sống hằng ngày.

Billiards không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất. Môn thể thao nhẹ nhàng này còn giúp người chơi cải thiện sức khỏe tinh thần, cụ thể là khả năng tập trung, phán đoán và quan sát bởi chơi billiards giỏi đòi hỏi chú mục vào những mục tiêu cố định như quả bi, các góc, cạnh bàn...

Đó thật sự là một môn thể thao giúp cơ thể hoạt động toàn diện: đi bộ, kéo giãn cơ khi phải rướn để thực hiện những cú đánh bi xa, lòn tay sau lưng xử lý những tính huống trái tay, tay chỉnh hướng và cầm cơ tác dụng lực vào bi, mắt tập trung vào mục tiêu và não bộ tính toán quỹ đạo, lực cần thiết.

Vì những lý do đó, Becic tin rằng người chơi billiards giỏi đều là những người trầm tĩnh trong cuộc sống thường nhật, vì họ quen suy nghĩ vấn đề thật rõ ràng và logic trước khi ra quyết định.

Cựu danh thủ Trần Đình Hòa kết luận: “Tôi dạy billiards cho rất nhiều người, có người học cho biết, học để giao tiếp, nhưng cũng có người nói là học chơi billiards tu dưỡng tính tình, để “nguội” bớt. Một nét đặc biệt của billiards là người ta không thể giấu được cá tính của mình; lãng tử hay thực dụng, nóng nảy hay trầm tính, chụp giật hay kỹ càng... đều bộc lộ hết”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận