20/08/2012 08:17 GMT+7

Phải "lột xác" môn sử

GS PHAN HUY LÊHỮU KHÁ ghi
GS PHAN HUY LÊHỮU KHÁ ghi

TT - Trong mấy năm gần đây, thực trạng dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông đã gây ra nỗi bức xúc, lo âu của xã hội. Điều này không chỉ được phản ánh qua điểm số kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào đại học, cao đẳng mà còn minh chứng qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và dư luận xã hội.

Để môn sử không còn bị coi thườngSử là môn học bị coi thường

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: đại bộ phận học sinh hiện không thích học môn lịch sử, coi đây là môn học khô khan, nhàm chán.

Thái độ đó thật đáng buồn nhưng điều này hoàn toàn không phụ thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của một nền giáo dục. Hiện môn lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông. Minh chứng rõ nét nhất là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn sử bị coi là môn phụ, có năm thi năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Thầy cô dạy sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô các môn khác.

Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh? Vì vậy không nên phân biệt môn chính môn phụ hay đối xử không công bằng với môn học này môn học kia. Nhiều nước trên thế giới coi môn văn, toán, lịch sử là những môn cơ bản trong nền giáo dục phổ thông. Môn lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn góp phần bồi dưỡng lòng yêu quê hương xứ sở, chủ nghĩa yêu nước. Trong năng lực của học sinh, tôi cho rằng quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập, sáng tạo, là tố chất tạo nên bản lĩnh con người, trong đó kiến thức cơ bản và giá trị lịch sử là văn hóa, là nền tảng.

Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại, không có một niềm tự tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống của dân tộc thì làm sao có thể hoàn chỉnh phẩm chất của công dân VN. Từ đặc điểm đó, môn lịch sử cần phải được đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Ở vài quốc gia như Pháp, Trung Quốc... sách giáo khoa lịch sử mà họ viết không theo lối dàn trải nặng nề như ở VN. Mỗi thời kỳ, tùy theo yêu cầu và lứa tuổi của học sinh mà họ chọn một số sự kiện, thành tựu tiêu biểu nhất để khắc họa sâu vào nhận thức của học sinh, còn tính hệ thống của lịch sử thì giới thiệu nhẹ nhàng bằng sơ đồ, mô hình... Kèm theo đó là ảnh, bản đồ... rất dễ hiểu và có tính minh họa cao. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn lớp trẻ yêu thích. Yêu cầu của giáo dục lịch sử là không dừng lại ở kiến thức mà làm sao cho những kiến thức ấy thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú. Bên cạnh đó, vai trò và phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, dạy và học lịch sử không chỉ bó gọn trong bốn bức tường của lớp học mà cần được mở rộng với những hình thức như tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm, du khảo, dã ngoại...

Từ thực tế đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ chương trình, từ sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy đến công tác đào tạo giáo viên... để đưa ra định hướng “đổi mới căn bản, toàn diện” cho môn lịch sử trong nền giáo dục quốc dân, dẫu biết rằng con đường “đổi mới căn bản, toàn diện” này còn phải qua nhiều chặng đường, nhưng điều đó không phải không làm được. Những nhà sử học chúng tôi sẵn sàng cộng tác với Bộ GD-ĐT trong hành trình “lột xác” dạy và học môn lịch sử này, nhưng vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm cuối cùng luôn thuộc về Bộ GD-ĐT.

GS PHAN HUY LÊHỮU KHÁ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên