Chuyện xưng hô

DUY NGỌC 11/07/2014 03:07 GMT+7

TTCT - Xem các kênh truyền hình Việt Nam thấy một hiện tượng khá lạ. Những người dẫn chương trình có tuổi thường xưng “tôi” và gọi người đối diện nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều là “anh, chị” hay “bạn”.

Tranh: Lê thiết Cương

Ngược lại, những MC trẻ khi trò chuyện với người đối diện thua tuổi mình chút ít lại rất tự nhiên xưng “anh, chị”, gọi người đối diện là “em”. Trên vài tờ báo thể thao, các nhà báo vẫn thường thủ thỉ ngợi khen, khuyên nhủ hay lớn tiếng phê phán “các em cầu thủ”. Trên giảng đường đại học cũng vậy, các vị giáo sư có tuổi thường xưng “tôi” và gọi sinh viên là “anh, chị”, trong khi những giảng viên trẻ mới về trường lại có xu hướng xưng “thầy, cô” và gọi sinh viên là “em”.

Chuyện xưng hô trong tiếng Việt khá phức tạp và thường gây tranh cãi vì... phiền toái. Nhiều người hay dựa vào tuổi tác, “áp” các đối tượng giao tiếp vào những vai vế như trong quan hệ gia đình, dòng tộc để xưng hô, nên mới thấy trong công sở giờ những “bác”, những “cô”, những “chú”, những “anh”, những “chị”... rổn rảng thân tình, khiến cơ quan lúc nào cũng như trong bối cảnh trò chuyện thân mật.

Thế rồi đến lượt người trẻ tưởng nhầm rằng tình huống trò chuyện nào cũng vậy, cứ dựa theo tuổi mà “quy” ra rồi anh anh em em, hay chú chú cháu cháu là xong. Cũng có người thấy chuyện xưng hô kiểu này không được thuận tai thuận miệng lắm, đổ tại... tiếng Việt nó thế.

Ấy vậy mà thật ra trong các tình huống giao tiếp trang trọng có tính xã giao, mới quen biết, người Việt từ xưa, theo truyền thống chung của các nước Á Đông, luôn tự hạ mình xuống một chút, tôn người đối diện lên. Nguyễn Tất Thành, năm 1914 từ London, gửi thư cho Phan Châu Trinh lúc này đang ở Pháp, xưng “cháu” gọi “bác”, cuối thư xưng là “cuồng điệt” (người cháu hăng say).

Cách xưng hô như vậy khá dễ hiểu nếu xét tuổi tác hai người (cách nhau gần 20 tuổi) và Phan Châu Trinh có quen biết, là người đồng lứa, đồng khoa thi với cha của Nguyễn Tất Thành. Đối lại, trong các bức thư gửi cho Nguyễn Tất Thành, ta thấy Phan Châu Trinh luôn xưng “tôi” gọi “anh”.

“Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà”, đó là lời mở đầu bức thư ông gửi cho Nguyễn Ái Quốc tháng 8-1922. Cuối thư này ông ghi: “Người bạn kính thư, Phan Châu Trinh”. (Phan Châu Trinh toàn tập, quyển 3, trang 99, NXB Đà Nẵng 2005).

Mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc (cũng như các thành viên khác của nhóm Ngũ long) trong thời gian ở Paris khá thân thiết. Cũng có thể trong sinh hoạt hằng ngày họ xưng gọi nhau là “chú - cháu” thân tình. Nhưng khi thư từ, tranh luận, cách xưng hô thay đổi, luôn theo hướng tôn người đối diện lên.

Trong các cuộc tranh luận được thuật lại, ta thấy Nguyễn Ái Quốc xưng “tôi” gọi “bác” với Phan Châu Trinh hay Phan Văn Trường, ngược lại Phan Châu Trinh luôn xưng “tôi” gọi “anh” với những người trẻ tuổi trong nhóm như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền.

Thử xét thêm các xưng hô trên báo chí của hai nhân vật khác: Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi. Hai con người tài danh rất thân thiết với nhau, quý mến nhau, nếu theo tuổi mà phân vai vế thì cũng chú - cháu. Vậy mà trong những cuộc tranh luận nảy lửa triền miên của hai “chú - cháu” Quảng Nam trên nhiều tờ báo hồi những năm 1920-1930, Huỳnh Thúc Kháng vẫn nhất nhất xưng “tôi” gọi “ông” với Phan Khôi, giọng điệu hết sức tương kính, không mảy may có ý khuyên răn dạy dỗ.

Đối lại, Phan Khôi xưng “tôi” và gọi cụ Huỳnh là “tiên sanh” (Phan Khôi - tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân).

Thôi thì khỏi bàn chuyện ở phương Tây, nơi có truyền thống đề cao cá nhân và có hệ thống đại từ nhân xưng khá đơn giản và bình đẳng, tôn trọng đối phương trong xưng hô của họ, gặp một đứa trẻ, người ta cũng bắt tay chào hỏi lịch sự như gặp người lớn, thử quay sang một nước Á Đông giữ khá đậm nét truyền thống trong xưng hô, giao tiếp, với các quy tắc sử dụng kính ngữ rất phức tạp là nước Nhật.

Một người trẻ, thậm chí là trẻ con, vẫn có thể được người lớn tuổi, người có địa vị dùng kính ngữ. Khi hỏi thăm về đứa con nhỏ của đối tác kinh doanh chẳng hạn, người ta phải gọi đứa trẻ đó là “お子さん” (ôkôsan), trong đó 子(kô) là danh từ chỉ đứa trẻ, お(ô) thêm vào trước thể hiện tự tôn kính, “さん” (san) gần giống như “anh” trong tiếng Việt.

Trong nhiều trường hợp, thậm chí người ta còn thay “さん” bằng “様” (sama) để gọi đứa trẻ, gần giống như “ông”, “ngài” trong tiếng Việt. Một đứa trẻ được trân trọng từ nhỏ như vậy, lớn lên ắt thành một cái “tôi” tự tin, chững chạc. Có đâu vất vả phiền đến cả Bộ Nội vụ phải ra nghị định lớn, quy định bé chuyện xưng hô thế nào, mà rồi chẳng biết có thành được không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận