24/09/2013 07:33 GMT+7

Mất hồ sơ vụ án

H.ĐIỆP ghi
H.ĐIỆP ghi

TT - Hồ sơ vụ án được thẩm phán TAND một quận ở TP.HCM để trong ôtô và đã bị lấy trộm ngay trước giờ diễn ra phiên xét xử lưu động.

Dù lãnh đạo tòa án TP cho biết “đã tìm thấy hồ sơ”, tuy nhiên chuyện này cũng đặt ra vấn đề về việc bảo mật hồ sơ tòa án. Xin giới thiệu ý kiến của một kiểm sát viên cao cấp và một thẩm phán.

dls8ZkbX.jpgPhóng to

* Ông Đỗ Đức Vĩnh(kiểm sát viên cao cấp Viện phúc thẩm 3, Viện KSND tối cao tại TP.HCM):

Hồ sơ là tài liệu mật

“Không được phép mang tài liệu, hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan” là khẳng định của ông Đỗ Đức Vĩnh. Theo ông Vĩnh, điều đầu tiên những người tham gia tố tụng phải thuộc nằm lòng chính là bảo mật hồ sơ vụ án, nhất là những vụ án hình sự.

Ông Vĩnh ví dụ trong công tác điều tra những vụ án hình sự về ma túy, có những thông tin được coi là “thông tin mờ”. Đó là những yếu tố, những nhân vật quan trọng đang tiếp tục được điều tra, có khi liên quan đến cả một đường dây khác. Nếu hồ sơ và tài liệu vụ án bị đánh cắp thì rất có thể xảy ra những cuộc thanh toán, trừ khử nhân chứng hoặc những nhân vật “mờ”.

Trả lời câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng để giải quyết nhanh hồ sơ tồn đọng, thẩm phán, kiểm sát viên được mang hồ sơ vụ án về nhà để nghiên cứu?”, ông Vĩnh nói: “Bất kể cán bộ đang tham gia tố tụng nào cũng không được phép mang tài liệu ra khỏi cơ quan. Nguyên tắc là tài liệu hồ sơ vụ án được coi là tài liệu mật và chỉ có thể được để tại nơi làm việc. Và đương nhiên ngoài những người có thẩm quyền và trách nhiệm tiếp cận hồ sơ vụ án thì không ai được phép tiếp cận với những tài liệu này”.

Hồ sơ bị mất rồi thì không thể phục hồi được. Đúng nguyên tắc, hồ sơ vụ án chỉ có một bộ, một bản gốc duy nhất. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất quá trình điều tra thì chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát, viện kiểm sát truy tố và ra cáo trạng thì chuyển bộ hồ sơ duy nhất ấy sang tòa án. Sau khi tòa án xét xử xong bộ hồ sơ này sẽ được lưu kho trong thời gian ít nhất 10 năm nếu vụ án không có khiếu nại, kháng án. Và ở hai cơ quan là viện kiểm sát và cơ quan điều tra mỗi nơi sẽ lưu giữ lại một bản photo hồ sơ này. Nên cũng tùy vào từng giai đoạn mất hồ sơ, tùy tính chất từng vụ mà có thể phục hồi tài liệu liên quan. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh là rất khó. Bởi có thể căn cứ vào bản sao các bút lục nhưng các bản khai gốc vẫn phải hợp thức hóa lại. Nhất là vụ án chưa được công khai xét xử thì việc hợp thức hóa lại rất khó khăn vì chưa chắc đã nhận được sự hợp tác của các bị can, bị cáo hoặc những người liên quan đến vụ án.

Về câu hỏi: “Trong ngành kiểm sát từng có vụ mất hồ sơ vụ án bao giờ chưa?”, ông Vĩnh cho biết: “Tôi nhớ lâu lắm rồi, có xảy ra việc một người khi đưa tài liệu từ cơ quan này sang cơ quan khác đã bị mất trộm cả xe và tài liệu. Đây là vụ mất trộm rất hi hữu. Sau này phục hồi hồ sơ mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn”.

* Thẩm phán Nguyễn Hữu Ba(Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM):

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Tôi công tác trong ngành tòa án hơn 30 năm và chưa từng ghi nhận vụ mất hồ sơ vụ án nào. Ngành tòa án cấm các thẩm phán mang tài liệu hồ sơ ra khỏi cơ quan. Khi xưa, lâu rồi, khi tôi còn làm tại tòa cấp quận của Tòa án nhân dân TP.HCM, bởi hồ sơ các vụ án rất nhiều nên các thẩm phán có mang hồ sơ về nhà đọc. Nhưng sau đó xảy ra những sai sót đáng tiếc như bị mất hoặc thất lạc bút lục. Đã có những vụ sau khi chuyển hồ sơ từ cơ quan nọ sang cơ quan kia mà thất lạc vài bút lục phải trả hồ sơ về điều tra lại, nên sau này ngành tòa án thành phố đã nghiêm cấm các thẩm phán mang hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan.

Hồ sơ là tài liệu mật của Nhà nước, có loại tài liệu không thể phục hồi, như biên bản phạm tội quả tang. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của vụ việc làm mất hồ sơ mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người làm mất hồ sơ còn phải chịu trách nhiệm về dân sự nếu đánh mất những bản gốc là tài liệu chứng minh tài sản của đương sự và người liên quan.

Cũng cần nói thêm là các bộ luật tố tụng hiện nay không có điều khoản nào quy định về việc tạm đình chỉ vụ án bởi lý do mất hồ sơ. Bởi đó là việc không được phép xảy ra. Đối với một vụ án, luật cũng quy định từng thời gian điều tra, truy tố, xét xử khác nhau. Nếu cán bộ tòa án đánh mất hồ sơ vụ án hình sự mà phải phục hồi hồ sơ thì không đảm bảo quyền lợi của bị cáo khi bị cáo bị tạm giam. Như vậy, mất hồ sơ không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt tố tụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo.

H.ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên