09/03/2014 15:12 GMT+7

Vật thể khả nghi không liên quan đến máy bay mất tích

H.T.DŨNG - T.ĐỨC - V.SỰ - T.THẮNG - N.TRIỀU - T.PHÙNG - H.TRUNG - T.THIẾT - CHUNG THỦY
H.T.DŨNG - T.ĐỨC - V.SỰ - T.THẮNG - N.TRIỀU - T.PHÙNG - H.TRUNG - T.THIẾT - CHUNG THỦY

TTO - Ông Jacky Ly Thang , trưởng phòng hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ đã đến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo: lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác minh vật thể khả nghi do máy bay Singapore phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích.

Xem video clip lên đường cứu hộ máy bay Malaysia mất tích

17g chiều 9-3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tìm kiếm máy bay mất tích.

15g45, ông Jacky Ly Thang, trưởng phòng hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ đã đến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo: lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác minh vật thể khả nghi do máy bay Singapore phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích. Trước đó, lúc 16g30, thủy phi cơ DHC-6 do phó tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Minh Thành chỉ huy đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra vị trí phát hiện vật thể lạ.

15g30, sau khi phát hiện vật thể lạ, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia - đang có mặt trực tiếp ở Sở chỉ huy của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị cho thủy phi cơ DHC6 cơ động từ Cam Ranh ra vị trí phát hiện vật thể này.

Đồng thời điều máy bay AN 26 từ Tân Sơn Nhất ra xác minh.

Với tàu cảnh sát biển 2003 (CSB 2003) đang ở cách vị trí vật thể lạ 73 hải lý, ông Tuấn đề nghị tăng tốc lực về phía vật thể khả nghi.

Dự kiến 17g30 tàu CSB 2003 sẽ tiếp cận vị trí.

Lúc 14g40, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông tin từ phía Singapore, cho biết máy bay tìm kiếm của nước này phát hiện vật thể khả nghi trôi trên biển tại tọa độ 08 độ 21''36' E - 103 độ 13''30N, cách đảo Thổ Chu 100km về phía Nam Tây Nam.

Sở chỉ huy điều trực thăng Mi 171 và tàu đến tọa độ trên để kiểm tra.

15g20, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn liên lạc với tàu SAR 413 (tàu chỉ huy hiện trường tại Việt Nam), điều tàu cảnh sát biển 2003 đang ở gần vị trí phát hiện vật thể lạ đến xác định vật thể này.

igotfLMn.jpg
Vị trí máy bay Singapore phát hiện vật thể lạ

Lúc 12g25, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 từ Cam Ranh đã đến Sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị tiếp tục bay ra vùng biển máy bay Malaysia mất tích.

Cũng trong chiều nay, máy bay EC220 của Công ty bay dịch vụ miền Nam cũng sẽ xuất phát tham gia tìm kiếm, cứu hộ.

Lúc 12g30, hai chiếc phi cơ AN26 mang số hiệu 286 và 261 sẵn sàng cất cánh, quay trở lại hiện trường khu vực nghi chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích.

Lúc 12g20, chiếc trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02 thuộc trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn không quân 370) do Đại tá Trần Văn Quang – trung đoàn trưởng chỉ huy đã được lệnh rời Sân bay Cà Mau tham gia cứu hộ cứu nạn. 15 phút sau, chiếc máy bay thứ 2 Mi 171 số hiệu 04 cũng được lệnh rời Sân bay Cà Mau.

Theo đại tá Trần Văn Quang, sau khi các chuyến bay xuất phát từ TP.HCM bay đến khu vực vùng biển nghi vấn trở về, hai máy bay của trung đoàn lệnh tiếp tục bay đến tọa độ nghi vấn chiếc máy bay của hàng hàng không Malaysia gặp nạn để quan sát.

“Đây là loại máy bay có tầm bay thấp hơn nên có thể dễ dàng quan sát vết dầu loang cũng như các nghi vấn khác trên biển”, ông Quang nói.

Cũng theo đại tá Quang, dự kiến khoảng cách từ sân bay Cà Mau đến địa điểm nghi máy bay gặp nạn mất khoảng 1 giờ bay.

Lúc 11g30, theo chỉ thị từ Bộ quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã điều động thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 do hai phi công - đại úy Vương Đang Nam và thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển - xuất phát từ Cam Ranh tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay Malaysia bị mất tích.

TspCO0C2.jpg
Máy bay DHC-6 có lợi thế bay sát mặt biển và có thể hạ cánh trên mặt nước - Ảnh: Trọng Thiết

Đầu giờ chiều 9-3, máy bay sẽ ra đến Phú Quốc, sau đó ra tham gia tìm kiến cứu nạn tại khu vực biển nghi chiếc máy bay Malaysia mất tích.

Máy bay DHC-6 có lợi thế bay sát mặt biển và có thể hạ cánh trên mặt nước. Thời gian bay liên tục trên biển 4-5 giờ với vận tốc cao nhất là 307km/g.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thành, phó tư lệnh Hải quân trực tiếp có mặt trên máy bay chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn. Cộng tác viên Tuổi Trẻ cũng có mặt trên máy bay này để cập nhật diễn biến cứu hộ, cứu nạn gửi đến bạn đọc.

Lúc 11g, tại Quân cảng Vùng 5 Hải quân (thị trấn An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang), các tàu đều trong tư thế sẵn sàng rời bến đi làm nhiệm vụ cứu nạn khi được lệnh.

Tất cả các tàu đều được trang bị phương tiện cứu nạn và có cả túi lưu thi thể phòng trường hợp xấu nhất đối với hành khách trên chiếc máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 10 giờ 9-3 đã có 17 máy bay, 35 tàu tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Trong đó Việt Nam có 5 máy bay và 7 tàu tìm kiếm trong vùng biển 12.600 hải lý vuông.

Cụ thể, lực lượng Việt Nam triển khai như sau: tàu CSB 2001 lúc 3 giờ ngày 9-3 đã tới vị trí tìm kiếm. Tàu CSB 2003 đến vị trí tìm kiếm lúc lúc 5h ngày 9-3.

Các tàu HQ 954, 637, Kiểm ngư 774 đều đến khu vực chỉ định tìm kiếm, phát hiện dầu vết lạ, báo cáo tình hình 2 tiếng/phiên. Tàu SAR 413 làm chỉ huy hiện trường.

Riêng tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều) đang thực hiện nhiệm vụ tại Bắc đảo Phú Quý 30 hải lý đã nhận được nhiệm vụ di chuyển đến khu vực có vết dầu loang để tìm kiếm. Tàu HQ 888 quay về Cam Ranh bổ xung nhiên liệu, và đón 1 đội thợ lặn đi thực hiện nhiệm vụ.

Trong các máy bay của Việt Nam, Quân chủng Hải quân đã sử dụng thủy phi cơ DHC6 cơ động từ Cam Ranh về Tân Sơn Nhất và tham gia tìm kiếm, chuẩn bị 1 đội thợ lặn sẵn sàng tham gia khi có lệnh.

Quân chủng phòng không không quân sử dụng 1 máy bay tuần thám biển CASA 212 bay từ Sân bay Gia Lâm chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất chờ lệnh.

Ngoài ra, Việt Nam có 3 máy bay AN26 tham gia tìm kiếm từ sáng 9-3.

Phía Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu tìm kiếm. Hoa Kỳ có 1 máy bay P3 và 2 tàu tìm kiếm cứu nạn có trực thăng mang thiết bị tìm kiếm hộp đen máy bay.

Phía Trung Quốc có 2 máy bay, 14 tàu. Philippines có 1 máy bay, 3 tàu. Singapore có 2 máy bay C130, 3 tàu.

Mỹ cử tàu khu trục tham gia tìm kiếm

Thông tin mới nhất cũng cho biết Mỹ vừa triển khai một tàu khu trục tham gia vào chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo tạp chí Time, Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục trên trước đó đang tham gia các chiến dịch an ninh hàng hải ở vùng biển quốc tế thuộc biển Đông.

Tàu khu trục của Mỹ có hai máy bay trực thăng MH-60R chuyên nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu. Tuy nhiên phía Mỹ cho biết các tàu của Việt Nam sẽ đến khu vực tình nghi máy bay mất tích trước tàu khu trục Mỹ.

3bY13qyD.jpgPhóng to
Nhóm phóng viên các báo tháp tùng đoàn cứu hộ - Ảnh: Thuận Thắng

Lúc 9g sáng 9-3, hai máy bay trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02, 04 của Trung đoàn phòng không không quân 917 (Sư đoàn không quân 370) đã hoàn tất việc tiếp nhiên liệu tại Sân bay Cà Mau và có thể nhận lệnh xuất phát cứu nạn bất cứ lúc nào.

IbrOeuDp.jpg
Thượng tá Nguyễn Danh Đoan - cơ phó Mi 171 số hiệu 02 kiểm tra an toàn trước giờ bay - Ảnh: Tấn Đức

Đại tá Trần Văn Quang, trung đoàn trưởng Trung đoàn phòng không không quân 917 cho biết lực lượng của tham gia cứu nạn có mặt tại Sân bay Cà Mau có 18 người, bao gồm cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 917 và Tiểu đoàn bảo đảm Sân bay Cần Thơ, hai trực thăng cứu nạn, 2 tổ cấp cứu trên không ở hai máy bay.

“Hai máy bay và toàn bộ lực lượng cán bộ chiến sĩ trung đoàn không quân 917 đã sẵn sàng chờ lệnh của cấp trên để rời Sân bay Cà Mau tham gia cứu hộ, cứu nạn”, đại tá Quang nói.

VN mở rộng tìm kiếm

Trong khi đó, ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Hàng không VN, Trưởng ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết sáng 9-3 có 3 tàu của Việt Nam hoạt động tìm kiếm ở khu vực nghi máy bay Malaysia Airlines mất tích.

Ngoài 3 tàu của Hải quân, Cảnh sát biển và Vietnam MRCC đang tìm kiếm ở khu vực nghi có vệt dầu loang được các máy bay phát hiện từ ngày hôm qua, còn có 1 tàu SAR của Vietnam MRCC đang trên đường ra hiện trường.

Tại Sở chuy huy tìm kiếm cứu nạn hàng không (đặt tại Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam), phương án tìm kiếm được vạch ra trên bản đồ để điều hành các lực lượng tìm kiếm hiện trường có sự thay đổi so với ngày 8-3.

Theo đó, phía Việt Nam sẽ tìm kiếm lệch lên phía Bắc, gần hơn về phía đảo Thổ Chu.

Singapore dự kiến tìm kiếm trên khu vực rộng khoảng 10.000km2 lệch lên phía Bắc, xung quanh khu vực phát hiện nghi vệt dầu loang theo hướng về đảo Thổ Chu.

Còn Malaysia dự kiến mở rộng vùng tìm kiếm trên vùng biển rộng 40.000km2 lệch về phía Tây Nam so với vị trí hôm 8-3

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 7g sáng nay tại khu vực máy bay mất tích đã có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm.

Trong đó, phía Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu; Trung Quốc có 2 máy bay, 14 tàu; Philippine có 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay C130; Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu.

FWnjR8B7.jpg
Khu vực tìm kiếm máy bay ngày 9-3

Phóng viên Tuổi Trẻ tháp tùng tìm kiếm

Lúc 7g20, đại tá Doãn Bảo Quyết, chính ủy vùng cảnh sát biển 4 cho biết ngay trong đêm 8-3, hai tàu của đơn vị đã đến vùng biển phát hiện có vết dầu loang và triển khai tìm kiếm. Tuy nhiên, đến sáng 9-3, vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.

Đại tá Đậu Khải Hoàn, chủ nhiệm chính trị Vùng 5 Hải quân, cho hay sáng 9-3, hai tàu HQ954 và HQ637 cũng đã đến vùng biển trên và triển khai tìm kiếm.

Trước đó, các phóng viên của Tuổi Trẻ cũng đã tháp tùng cùng các đoàn tìm kiếm để cập nhật các diễn biến mới nhất về công tác cứu hộ chiếc máy bay mất tích.

Lúc 5g30 sáng 9-3, phóng viên Thuận Thắng và Viễn Sự báo Tuổi Trẻ cũng đã có mặt tại lữ đoàn 918 để bay cùng 2 máy bay AN26 số hiệu 286 và 261 ra vùng biển vịnh Thái Lan tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích.

Có mặt trên máy bay là đại tá Nguyễn Đức Minh, phó tham mưu trưởng phòng không không quân trực tiếp chỉ huy đội tìm kiếm.

Theo đại tá Minh, ngày hôm nay các máy bay AN26 sẽ mở rộng phương thức tìm kiếm. Cụ thể khi cần thiết máy bay sẽ mở khoang sau để thả áo phao và một số vật dụng cứu nạn.

Đồng thời, do phạm vi tìm kiếm cũng trong vùng biển do Việt Nam quản lý không lưu nên đại tá Minh chỉ đạo máy bay sẽ linh hoạt hạ độ cao nhằm quan sát được tốt nhất.

Dự kiến thời gian bay kéo dài 3 tiếng đồng hồ sau đó tuỳ tình hình máy bay AN26 có thể quay về tiếp nhiên liệu để bay tiếp.

Lúc 6g30 phóng viên Viễn Sự đã ngồi trong máy bay số hiệu 286, tổ bay cho biết thời tiết hiện tại trên đất liền và vùng biển Việt Nam rất tốt cho công tác tìm kiếm.

6lgTjMFN.jpg
Tổ bay chuyến bay 286 kiểm tra các thông số kỹ thuật chuẩn bị cất cánh lúc 6g45 - Ảnh: Viễn Sự

Lúc 4g30 sáng 9-3 hai tổ bay từ trực thăng Mi 171 với số hiệu 02 và 04 của Trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn 370) đã tiến hành tiếp nhiên liệu và đến 5g30 việc tiếp nhiên liệu hoàn tất, chờ lệnh bay cứu nạn.

Đại tá Trần Văn Quang – trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917 – cho biết toàn bộ lực lượng của hai tổ bay đã sẵn sàng chờ lệnh cấp trên để xuất phát.

Theo kế hoạch mỗi trực thăng sẽ mất một giờ bay mới tiếp cận được địa điểm nghi máy bay gặp nạn và sẽ tham gia tìm kiếm, cứu hộ khoảng một giờ rưỡi trên biển, sau đó sẽ trở về sân bay Cà Mau tiếp tục tiếp nhiên liệu để thực hiện các chuyến bay cứu hộ tiếp theo.

Mỗi trực thăng cứu hộ bao gồm tổ bay bốn người, tổ tìm kiếm trên không hai người (một trợ lý và một bác sỹ), trực thăng cũng có cần cẩu 350kg, một lần có thể cẩu được hai người.

Hai phóng viên Hoàng Trí Dũng và Tấn Đức của Tuổi Trẻ có mặt trong chuyến bay cứu nạn sáng nay.

LdrDclU3.jpg
Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tình hình tại sân bay Cà Mau sáng 9-3 - Ảnh: Tấn Đức
H.T.DŨNG - T.ĐỨC - V.SỰ - T.THẮNG - N.TRIỀU - T.PHÙNG - H.TRUNG - T.THIẾT - CHUNG THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên