19/09/2011 07:20 GMT+7

Chim trời và mùa màng

CẨM VÂN
CẨM VÂN

TT - Cả trăm ý kiến bạn đọc đã gửi về Tuổi Trẻ để phản hồi về chùm ảnh “Tiếng chim kêu xé lòng” trên trang Môi trường ra ngày 12-9. Phần lớn ý kiến bày tỏ sự giận dữ về hành vi ác độc của con người khi nhổ lông sống, bẻ mỏ những chú chim tội nghiệp.

SZ23OTpP.jpgPhóng to
Những chú chim trời bị săn bắt! - Ảnh: Vũ Toàn

Quả thật, khó thể ngăn nổi xúc cảm trào dâng khi nhìn thấy những chú chim bị vặt trụi lông nhưng vẫn còn sống và giương những đôi mắt tròn như van lơn, cầu khẩn. Một số ý kiến khác thì không ủng hộ, nhưng bày tỏ sự thông cảm với những người nông dân nghèo phải kiếm sống bằng nghề săn bắt chim trời. Trong số các ý kiến gửi về, chúng tôi xin chọn đăng bài viết của bạn đọc Cẩm Vân, sinh viên khoa nông nghiệp. Cẩm Vân viết như sau:

“Săn bắt và làm thịt chim trời thật ra không phải là một tội ác mà pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối. Chúng ta hãy xem ở phương Tây, nơi những quốc gia làm rất tốt việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, thì trong năm cũng có một khoảng thời gian ngắn dành cho những người có thú đi săn được bắn những chú vịt trời. Tuy nhiên, người ta bắn có nơi có chỗ, có thời gian theo quy định.

Sự tồn tại của muôn loài trên Trái đất này đều có mắt xích với nhau. Một loài nào đó mất đi hay phát triển quá nhiều đều có hại cho môi trường. Hẳn mọi người lâu lâu cũng có đọc những bản tin rằng ở Úc, nơi kangaroo được xem là biểu tượng của đất nước này, vậy mà có những năm chính phủ phải kêu gọi các thợ săn chuyên nghiệp tiêu diệt bớt kangaroo vì chúng phát triển quá nhiều đó sao.

Tương tự, nếu chim trời quá nhiều cũng không phải tốt, mà bị tận diệt cũng chẳng phải chuyện hay.

Có một câu chuyện tôi nhớ mãi và đã được đăng rất nhiều trên các trang web về nông nghiệp, sinh học, thậm chí cả trong Wikipedia. Đó là vào những năm 1959-1961, Chính phủ Trung Quốc lúc ấy đã cho rằng chim sẻ là loài có hại cho lúa, vì vậy ra lệnh tận diệt chim sẻ. Trong khi thực tế chim sẻ ăn thóc chỉ 1, nhưng ăn các loài sâu bọ có hại cho lúa đến 9!

Và một khi chim sẻ bị tận diệt thì sâu bọ không còn thiên địch, sinh sôi nảy nở tràn ngập, góp phần khiến Trung Quốc bị mất mùa nặng trong những năm đầu thập niên 1960. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra sai lầm và ra quyết định cấm săn bắt chim sẻ.

Ở VN chúng ta, khiếm khuyết lớn nhất là không có sự kiểm soát về săn bắt chim trời. Chính vì vậy mới có chuyện mà phóng viên Vũ Toàn đã phản ánh: người ta giăng lưới trắng cả xã Bùi Xá để tận diệt chim trời. Giá như chúng ta có quy định săn như thế nào, săn vào thời điểm nào... và kiểm soát chặt chẽ thì việc bắt chim trời (có sự kiểm soát cả về số lượng) làm thức ăn cũng là điều bình thường.

Cuối cùng, điều khiến mọi người cũng như tôi bức xúc, đó chính là cách làm thịt chim trời của chúng ta có vẻ hơi bị “dã man”. Giá như người ta đừng vặt lông chim, bẻ mỏ khi chúng còn sống thì đỡ gây bức xúc hơn.

CẨM VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên