Chia sẻ ngân sách và quyền tự quyết

CHIÊU VĂN 10/11/2016 01:11 GMT+7

TTCT - Câu chuyện chia sẻ ngân sách trung ương - địa phương ở mỗi quốc gia lại có một cách thức riêng. Các dịch vụ công do địa phương chịu trách nhiệm nên tiền thuế để lại nhiều hơn trở thành nguyên tắc.

 

Tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ các dịch vụ của chính quyền mỗi ngày. Mỗi cấp bậc chính quyền, trung ương, tỉnh và địa phương (ở các nhà nước liên bang: liên bang, bang, và địa phương) lại cung cấp những mảnh ghép khác nhau các dịch vụ công ích, mạng lưới an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự cho người dân. 

Để cung cấp các dịch vụ đó thì tiền thuế phân bổ thành ngân sách hằng năm là công cụ chính yếu.

Dân đóng góp và được phục vụ

Ở phương Tây, hầu hết các đô thị lớn có quyền hạn rất rộng với ngân sách họ làm ra. Đó là một truyền thống đã rất lâu đời, từ thời Trung Cổ, các nhà nước quân chủ ở phương Tây đã kém tập quyền hơn, và các đô thị - gắn liền với tầng lớp thương nhân, và sau này là giai cấp mới tư bản - đã có truyền thống tự trị rộng lớn hơn.

Những cơ sở hạt nhân đó chính là nền tảng cho hình thức quản trị chính quyền liên bang, một hệ thống chia sẻ, phân bổ quyền lực - và tiền bạc - giữa chính quyền trung ương, bang và địa phương, trên nguyên tắc do mỗi cá nhân tự biết điều gì có lợi nhất cho mình.

Chính quyền sở tại, gần gũi nhất với người dân, sẽ hiểu nhất người dân cần gì, và do đó phải được trao quyền hạn rộng rãi với những đồng tiền thuế mà chính người dân ở đó làm ra phục vụ lại cho họ.

Ở Mỹ, trong khi mỗi 50 bang đều có hiến pháp riêng, tất cả các điều khoản hiến pháp riêng đó phải tuân thủ hiến pháp Mỹ. Tới năm 2012, nước này có hơn 30.000 chính quyền đô thị và 3.000 hạt, chưa kể gần 50.000 quận trường học và quận đặc biệt. Những quận này cũng cung cấp các dịch vụ ở tầm mức địa phương bên ngoài các hạt hay chính quyền đô thị.

Đi kèm với phân bổ ngân sách, quyền hạn của các cấp chính quyền được quy định rất rõ ràng. Chẳng hạn, một số quyền độc quyền của chính quyền liên bang là in tiền, tuyên bố chiến tranh, thành lập quân đội, ký hiệp ước với nước ngoài...

Nhưng chính quyền liên bang sẽ không được can thiệp vào các quyền độc quyền của chính quyền bang, bao gồm quyền thành lập chính quyền bang, cấp các giấy tờ hành chính, cung cấp phúc lợi y tế, quy định độ tuổi uống rượu và hút thuốc... Trong sự tổ chức đó, mỗi lớp chính quyền là độc lập với nhau, chứ không phân thành cấp và quyền hạn chỉ khác nhau, chứ không phải là theo kiểu thứ bậc - trên dưới.

Trung Quốc: tính chuyện rạch ròi trung ương - địa phương

Trung Quốc, một quốc gia tập quyền gần như tuyệt đối, cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều lời kêu gọi phân bổ ngân sách một cách công bằng hơn giữa trung ương và địa phương.

Hệ thống phân bổ thu nhập của Trung Quốc hiện giờ giữa chính quyền trung ương và địa phương, được thiết lập từ năm 1994, “ưu tiên rất nhiều cho chính quyền trung ương”, theo một bài xã luận trên China Daily, “khiến chính quyền địa phương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm những nguồn thu nhập khác không phải từ thuế như bán đất và vay mượn để đáp ứng các nhu cầu phát triển bức bách”.

Điều này để lại rất nhiều hệ lụy, bao gồm một hệ thống dịch vụ trực tiếp cho người dân kém hiệu quả hơn, tăng nguy cơ tham nhũng và các giao dịch khuất tất, cũng như làm tăng giá bất động sản khi chính quyền địa phương phải bán ra các khu đất đẹp lẽ ra có thể phục vụ cho mục đích công cộng.

“Trong bối cảnh xã hội Trung Quốc, cần những cải cách để khiến trách nhiệm và thu nhập của các cấp chính quyền phù hợp với nhau. Cải cách hệ thống phân bổ thuế hiện giờ, vì vậy, là tối quan trọng - bài xã luận viết tiếp - Những cải cách này cũng ít rủi ro hơn, ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn so với các cải cách khác”.

Cuộc tranh luận ở Trung Quốc về vấn đề phân bổ ngân sách này cũng đang đến hồi quyết liệt. Hồi tháng 8, tờ báo kinh doanh uy tín hàng đầu nước này Caixin (Tài tin) nói Quốc vụ viện, tức Chính phủ Trung Quốc, “đã có bước tiến lớn cân bằng hơn các nghĩa vụ tài chính của chính quyền trung ương và địa phương” với một bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể về các nghĩa vụ và khung đóng góp liên quan.

“Chính sách tài khóa hiện tại không cân bằng được trách nhiệm thu - chi - Caixin viết - Lấy ví dụ, dù chính quyền địa phương phải gánh vác các chi phí dịch vụ công, rất nhiều nguồn thu từ đó lại chảy vào kho bạc của chính quyền trung ương”.

Cải cách mới nhất ở Trung Quốc làm rõ quy trình chi tiêu công bằng cách chuyển mọi trách nhiệm về chính quyền trung ương liên quan tới “chủ quyền quốc gia, công bằng thị trường và dịch vụ công quy mô toàn quốc”, bao gồm an ninh quốc gia, theo Caixin. Trong khi đó, chi tiêu cho dịch vụ công cơ bản như y tế sẽ là trách nhiệm của chính quyền địa phương - kèm theo việc họ được giữ lại nhiều tiền thuế hơn.

Quan trọng hơn, chính quyền Bắc Kinh hi vọng cải cách chính sách phân bổ ngân sách này sẽ là một bước đột phá nền tảng để nhiều cải cách hơn nữa diễn ra trong tương lai, bởi lẽ muốn làm gì cũng cần tiền và quyền tự chủ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận