Chỉ số hạnh phúc: Không chỉ là mức độ hài lòng cuộc sống

TTCT - Năm 2009, bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc hành tinh (Happy Planet Index - HPI) của Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF, một tổ chức phi chính phủ tiến hành các nghiên cứu độc lập về HPI của các quốc gia trên thế giới) xếp Việt Nam hạng 5.

Không ít người cảm thấy bất ngờ bởi đo lường hạnh phúc là một việc làm khá phức tạp và khó có thể diễn tả được sự thật của hạnh phúc trong bản chất sâu xa của nó.

Phóng to
Hạnh phúc còn tùy thuộc ở thái độ và niềm tin vào các giá trị theo đuổi. Trong ảnh: Một bà cụ sống không làm phiền người khác bằng “cửa hàng tạp hóa di động” ở công viên 30-4, TP.HCM - Ảnh: H.Lộc

HPI được tính theo công thức: HPI = [(1) x (2)] / (3), trong đó (1) là mức độ hài lòng của người dân, (2) là tuổi thọ trung bình và (3) là tỉ lệ thải khí carbon. Các yếu tố được xem xét trong tiến trình nghiên cứu và xếp hạng khá đa dạng theo quan điểm hệ thống xã hội, gồm: cộng đồng dân cư, chăm sóc sức khỏe, các giá trị, gia đình và bạn bè, giáo dục, quản lý nhà nước, việc làm, tiêu thụ tài nguyên...

Như vậy, HPI nên được mô tả là chỉ số hạnh phúc của người dân trong tương quan với các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên sinh thái. Cụ thể là ở các nước phát triển, tỉ lệ khai thác và sử dụng tài nguyên sinh thái khá cao nên thứ hạng HPI của họ sẽ thấp, ngược lại các nước ít đụng đến nguồn tài nguyên sinh thái thì sẽ có thứ hạng cao hơn (đương nhiên phải trừ một số trường hợp ngoại lệ).

Trong khi đó, chương trình nghiên cứu mang tên “Dữ liệu thế giới về hạnh phúc” (World Databases of Happiness - WDH) do giáo sư Ruut Veenhoven thuộc ĐH Erasmus Rotterdam (Hà Lan) chủ trì tiến hành khảo sát ở 148 quốc gia từ năm 2000-2009 bằng nhiều thang đo (từ 0 đến 10) lại đi khá sâu vào bên trong tâm lý của từng cá nhân, đồng thời không bỏ sót các yếu tố tác động bên ngoài.

Với câu hỏi căn bản “Bao nhiêu người hạnh phúc với cuộc sống của họ?”, các yếu tố được xét đến gồm: môi trường sống, xã hội vĩ mô, tình trạng xã hội của cá nhân, các mối liên kết thân tình, năng lực, tính cách, sở thích, sự nhận thức, tính xác quyết, niềm tin phổ biến...

Kết quả công bố vào tháng 10-2009 cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ có thứ hạng cao nhất là trên 7,9 điểm, thấp nhất là dưới 4,3 điểm, còn lại là trung bình trên một chiều khá rộng với số điểm +/-6,0. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam nằm trong khoảng thứ hạng 63-66 với tổng số điểm là 6,1, cùng nhóm với Hàn Quốc, Kazakhstan và Indonesia. Nhóm xếp trên Việt Nam (thứ hạng từ 59-62) có số điểm 6,2 gồm Nhật Bản, Jordan, Lào và Đài Loan; nhóm xếp dưới (từ 67-70) có số điểm 6,0 gồm Croatia, Hong Kong, Nam Phi và Uzbekistan.

Chỉ số HPI là kết quả của ba thành phần khác nhau, trong đó có mức độ hài lòng cuộc sống của người dân, trong khi tiếp cận của WDH thì nhằm đo lường mức độ hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của người dân một cách tổng thể. Đây là khác biệt lớn nhất giữa hai cách tiếp cận trên, nhưng hai kết quả này không mâu thuẫn hoặc loại trừ nhau mà về một khía cạnh nào đó, có tính bổ sung cho nhau.

Nhìn chung, người dân Việt Nam chúng ta đang có cái nhìn khá tích cực vào cuộc sống (cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội) nên được xếp ở vị trí thứ 5 theo cách tính HPI và vị trí thứ 63-66 (trung bình dương) trên bảng xếp hạng của WDH.

Về mặt tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái mà con người cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có, với các điều kiện sống của mình. Nó chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là nó tùy thuộc vào từng đặc điểm nhân cách của mỗi cá nhân, vào thái độ và niềm tin vào các giá trị mà mỗi cá nhân theo đuổi. Hơn nữa, những khảo sát có tính chất toàn cầu đều phải luôn được tính trừ hao những khác biệt về mặt văn hóa và ngôn ngữ của từng quốc gia.

Mong sao những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, giáo dục học, và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có thể ngồi lại với nhau để cùng xây dựng một chương trình khảo sát toàn diện về mức độ thỏa mãn (hạnh phúc) của người dân bằng chính ngôn ngữ và cách tiếp cận văn hóa của người Việt Nam. Như thế chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc hơn để định hướng cho việc phát triển toàn diện xã hội và thăng tiến con người Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận