12/02/2017 11:13 GMT+7

Chi ngàn tỉ nhập trái cây ngoại

NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH
NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH

TTO - Không chỉ trái cây ôn đới mà VN không trồng được, nhiều loại trái cây quen thuộc như thanh long, mãng cầu, dưa vàng… có lúc thừa mứa, cũng được các doanh nghiệp nhập về VN với số lượng lớn.

Trái cây nhập khẩu ngày càng đa dạng với nhiều thương hiệu và quốc gia khác nhau. Trong ảnh: người tiêu dùng lựa trái cây nhập tại một cửa hàng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Trái cây nhập khẩu ngày càng đa dạng với nhiều thương hiệu và quốc gia khác nhau. Trong ảnh: người tiêu dùng lựa trái cây nhập tại một cửa hàng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

Dù được bán với giá cao ngất ngưởng nhưng nhiều loại trái cây tươi lẫn qua chế biến nhập về VN vẫn được tiêu thụ mạnh. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của VN trong tháng 1-2017 đạt hơn 110 triệu USD, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mãng cầu, thanh long nhập khẩu giá ngất ngưởng

Chỉ vào những trái mãng cầu Đài Loan đang được bày bán, chủ một cửa hàng trái cây gần chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) khẳng định “mãng cầu Đài Loan có vị ngọt đặc trưng, ăn một lần là nhớ, gai nhô hơn mãng cầu VN”.

Tuy nhiên, với giá gần 500.000 đồng/kg, mỗi trái từ 700 gam đến hơn cả ký nên tính ra giá gần cả triệu đồng/trái.

So với mãng cầu VN đang được bán ở mức 40.000-60.000 đồng/kg, mãng cầu Đài Loan có giá đắt gần 10 lần. Một loại trái cây khá gần gũi với người Việt là thanh long cũng đã được các nhà kinh doanh nhập khẩu từ Malaysia về nhiều.

Trong khi thanh long VN chỉ có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg loại ruột trắng và khoảng 55.000 đồng/kg loại ruột đỏ, thanh long nhập khẩu từ Malaysia có giá cao gấp hơn 20 lần, gần 700.000 đồng/kg.

Nhân viên tại một cửa hàng kinh doanh trái cây trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1) cho biết loại trái cây này chỉ mới thử vào dịp tết vừa qua và được tiêu thụ rất mạnh, hàng nhập về là có người hỏi mua liền.

Ngoài thanh long, cửa hàng này cũng bày bán khá nhiều loại trái cây ngoại nhập như dưa vàng Hàn Quốc, loại dưa có màu vàng và sọc tựa dưa gang của VN nhưng kích thước nhỏ hơn, giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, hồng sấy dẻo Hàn Quốc, nho Nhật Bản giá hơn triệu đồng...

Vào các siêu thị, trái cây ngoại ngày càng lấn át với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước, trong đó nhiều nhất là táo, lê và nho.

Trong những thời điểm khuyến mãi, giá các mặt hàng này còn khá rẻ. Như tại Big C, táo Gala Pháp chỉ còn 39.900 đồng/kg, cam Úc từ 79.999 đồng/kg giảm còn 59.900 đồng/kg, nho Mỹ đen không hạt 149.999 đồng/kg giảm còn 139.999 đồng/kg, lê Hàn Quốc 86.999 đồng/kg giảm còn 65.999 đồng/kg...

Ngoài ra, các chủng loại khác như táo Mỹ 89.999 đồng/kg, kiwi từ 60.000-80.000 đồng/kg... cũng được nhiều khách hàng lựa chọn nhờ mức giá thấp.

Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), táo và nho Mỹ được bày bán rất nhiều với giá 60.000 - 90.000 đồng/kg táo và từ 120.000 - 200.000 đồng/kg nho tùy loại.

Theo bà Trần Kim Thanh - chủ sạp trái cây tại chợ Bà Chiểu, dịp tết vừa rồi hầu như sạp bán trái cây nào trong chợ cũng bán trái cây nhập khẩu, các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc được bán nhiều nhất nhưng nhiều chủng loại không còn để bán.

Đại diện cửa hàng chuyên phân phối sỉ trái cây nhập khẩu cho biết lượng trái cây tiêu thụ tăng mạnh trong dịp tết qua do nhà nhập khẩu áp dụng các chính sách khuyến mãi, chẳng hạn mua sỉ với lượng tối thiểu thùng 20kg giá sẽ giảm 10-30% so với bán lẻ, chưa kể chủng loại phong phú và... lạ.

Trái cây ngoại là hàng xịn?

Ông Trần Văn Chúc, đại diện công ty chuyên nhập khẩu trái cây Rau Quả Bình Thuận (Bình Thuận), cho biết hiện mỗi đợt đơn vị nhập khoảng 10-15 chủng loại trái cây từ nhiều nước.

Riêng thời điểm này đến cuối năm là mùa của nhiều loại trái cây nên lượng nhập nhiều hơn, đặc biệt táo Pháp, nho Mỹ và lê Hàn Quốc về với lượng lớn.

Ngoài ra, các loại trái cây cao cấp giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/kg như táo Rockit, táo Ambrosia, táo NovaBlue Pháp, dâu tây Hàn Quốc... cũng được nhập về nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch HĐQT Công ty An Phú APP (TP.HCM), trái cây ngoại được nhập về nhiều, nhất là trong dịp lễ tết là do nhu cầu biếu tặng tết tăng mạnh.

“Người dùng thường chọn các loại trái cây VN không có như kiwi, lựu, táo... ăn để biết và yên tâm bởi cho rằng trái cây nhập khẩu có chất lượng tốt. Ngoài ra, tư tưởng “chơi sang” để khẳng định địa vị cũng là lý do khiến nhiều người chọn trái cây ngoại để biếu tặng” - ông Thành nói.

Trong khi đó, theo ông Thành, thanh long vàng có xuất xứ từ Malaysia có giá lên tới 600.000 - 700.000 đồng/kg nhưng chất lượng không vượt trội hơn thanh long VN...

TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả VN, cho biết dù trái cây VN rất phong phú với nhiều chủng loại nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu trái cây của hàng chục nước, trong đó Mỹ, Úc, Chile, New Zealand chiếm lượng lớn với chủng loại phổ biến như nho và táo Mỹ, lựu và kiwi Hàn Quốc, xoài Úc...

Lượng trái cây ngoại nhập về VN có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Năm 2016, ước tính VN chi hơn 700 triệu USD nhập trái cây ngoại. Riêng tháng 1-2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây của VN đạt hơn 110 triệu USD, tăng 55% so với cùng thời điểm này năm trước.

“Để cho phép loại trái cây mới nhập khẩu, VN sẽ cử đoàn sang tận nơi sản xuất của nước xuất khẩu, kiểm tra các vấn đề về dịch hại và an toàn thực phẩm. Một khi đủ tiêu chuẩn quy định mới cho xuất vào VN” - ông Đạt cho biết.

Hiện phần lớn trái cây nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và bảo quản ở kho lạnh từ 2-7 độ C với hệ thống hút khí nhằm loại bỏ vi khuẩn, nhiều loại trái cây có thời hạn sử dụng lâu, cùng một chủng loại vẫn có chất lượng khác nhau, tùy vào kích thước hay mức độ chín của trái cây.

Nhưng thực tế trên thị trường cho thấy trái cây ngoại vào VN theo con đường xách tay, đường tiểu ngạch không ít. TS Võ Mai, phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho biết để cho phép nhập khẩu một loại trái cây mới phải đàm phán rất cẩn trọng bởi ngoài yếu tố an toàn thực phẩm còn nguy cơ dịch hại.

Tuy nhiên, nhiều loại trái cây hiện về VN theo kiểu xách tay hoặc nhập lậu thiếu kiểm soát về chất lượng.

“Tuy lượng không nhiều nhưng cần giám sát chặt trái cây nhập lậu, vì chẳng may lây lan dịch hại sẽ ảnh hưởng xấu tới nền sản xuất trái cây trong nước” - bà Mai nói.

Phải nâng cao giá trị cho trái cây nội

Nhiều loại trái cây Việt dù được đánh giá chất lượng ngon, nhiều người yêu thích nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh được mùa mất giá, hàng phải bán tháo. Thậm chí một loại đặc sản như xoài cát Hòa Lộc cũng khá lúng túng trong cách làm thương hiệu.

Chị Hoàng Mai (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết xoài cát Hòa Lộc được bày bán tại các siêu thị trong dịp tết vừa qua được để trong hộp giấy, có thông tin về chủng loại, địa chỉ doanh nghiệp...

“Tôi cho rằng trái cây Việt cần phải chú trọng bao bì như vậy mới có thể bán được giá cao hơn” - chị Mai nhận xét.

Không chỉ có giống tốt, sản phẩm chất lượng mà trái cây Việt cần thêm quy trình sản xuất hiện đại, chuỗi cung ứng sản phẩm tốt để vừa đảm bảo đầu ra, vừa bán được giá.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch HĐQT Công ty An Phú APP, cho biết từng đi tham quan mô hình sản xuất một số vườn cây ăn trái ở Mỹ và hầu hết chủng loại trái cây đều được sử dụng chất bảo quản trong quá trình trồng hoặc sau thu hoạch.

Tuy nhiên, chất bảo quản này đều có nguồn gốc sinh học và an toàn với người sử dụng nếu thời gian cách ly hợp lý.

NGUYỄN TRÍ - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên