14/12/2016 11:34 GMT+7

Chị bánh canh, anh hớt tóc và chuyện đời Sài Gòn

PHI TÂN
PHI TÂN

TTCT - Như nhiều người buôn bán nghèo thành thị bám vào mặt bằng vỉa hè để kiếm sống, để nuôi con ăn học, chị bán bánh canh thật thà: “Ừ, mình nghèo nên mượn tạm cái vỉa hè để kiếm sống nuôi con..."

Cắt tóc miễn phí cho người lao động nghèo, bệnh nhân... tại Viện Tim TP.HCM (đường Thành Thái, Q.10) - Ảnh Duyên Phan


1. Buổi sáng ghé gánh bánh canh quen. Chị chủ quán cười hiền, phân bua với khách: “Mấy chú, mấy o lót dép ngồi tạm giùm tui hí! Mấy cái bàn cái ghế họ mượn rồi, mai mới lấy lại!”.

Khách hỏi là ai mượn rứa, chị lại cười buồn buồn: “Là mấy người làm trật tự đô thị chi đó của phường. Bọn họ lấy bàn ghế rồi hỏi tui: Rứa ai lấn chiếm đất nhà chị thì chị có tức tối không mà chị lại lấn chiếm đất nhà nước? Họ nói rứa thì tui chỉ biết cười trừ thôi chớ biết mần răng chừ!”.

Những gánh bán hàng vỉa hè đôi ba bữa lại phải chạy tán loạn cả lên vì đội trật tự đô thị của phường đi dọn dẹp. Bàn ghế, bảng hiệu và đôi khi cả quang gánh, chén đĩa bị tịch thu chất lên xe chở về trụ sở ủy ban phường.

Những người phụ nữ cười như mếu. Nhưng rồi quán vỉa hè khách lại đông, ở đó ăn vừa ngon vừa rẻ lại nghe đủ chuyện trên đời, từ chuyện động trời đến chuyện hiền như đất.

Như nhiều người buôn bán nghèo thành thị bám vào mặt bằng vỉa hè để kiếm sống, để nuôi con ăn học, chị bán bánh canh thật thà: “Ừ, mình nghèo nên mượn tạm cái vỉa hè để kiếm sống nuôi con. Chiều tới phường nộp phạt rồi xin lại mấy cái bàn, cái ghế. Thôi lâu lâu chịu phạt cũng được, con cái đi học rồi mà nghỉ bán làm răng có tiền đóng tiền học?”.

2. Cách quán bánh canh không xa là quán hớt tóc bình dân quen cả hơn chục năm nay. Chiều nay ghé lại, thấy anh hớt tóc cũ không còn nữa. Thay vào đó là một tiệm hớt tóc, matxa, gội đầu sang trọng. Cũng may, chủ mặt bằng còn thương bạn thuê cũ nên để lại cái số di động của anh hớt tóc ghi nguệch ngoạc trên tấm giấy cactông.

Con đường dẫn vô nhà anh hớt tóc phải qua mấy cái cua, lại xuống dốc. Chạy từ quán cũ tới mất cũng chừng 15 phút. Tới nơi thấy anh đã có khách rồi. Anh cười thiệt vui khi gặp khách quen: “Tui nghỉ ở quán cũ gần hai tháng rồi. Giá mặt bằng tăng lên cao quá, mình hớt tóc bình dân trả không nổi. Thôi thì về nhà cắt có đồng mô hay đồng nấy!”.

Anh hớt tóc vui vì không còn phải thuê mặt bằng 2 triệu đồng/tháng mà khách vẫn cứ lai rai nhờ cái số điện thoại để lại ở quán cũ. Cái nghề hớt tóc cũng là làm dâu trăm họ. Khi đã được khách tín nhiệm rồi thì dù quán khuất nẻo họ cũng tìm tới.

Anh hớt tóc kể có một ông nhà giàu phải bỏ xe hơi ở đầu hẻm chính rồi đi bộ tìm anh để cắt tóc. Rồi mấy đứa con nít được ba mẹ bồng tới để anh vừa dọa vừa dỗ mới cắt xong cái đầu.

Anh kể thêm: “Có mấy ôn tra rồi không đi xa được nữa. Rứa là con cái điện cho tui chở đồ nghề tới tận nhà cắt cho mấy ôn. Vất vả chút nhưng mà vui, lại có đồng vô đồng ra! Cũng may nghe, khi họ lấy lui mặt bằng tui lo năm học mới tới rồi không đủ tiền cho mấy đứa nhỏ đi học.

Mạ hắn thì chạy chợ đủ ăn uống, tiền con cái học hành phần tui. Trời thương mà người cũng thương nên chừ khỏi lo rồi!”.

PHI TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên