21/06/2016 10:07 GMT+7

Châu Âu run rẩy sợ Anh ra đi

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)
QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)

TTO - Thị trường đã phản ứng khá mạnh khi người Anh sẽ bỏ phiếu đi hay ở lại EU.

Những người ủng hộ ở lại EU “vận động” theo cách tình cảm trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 19-6 - Ảnh: AFP
Những người ủng hộ ở lại EU “vận động” theo cách tình cảm trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 19-6 - Ảnh: AFP

Nữ hoàng giữ thái độ trung lập như 63 năm qua. Việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân là việc do người dân Anh quyết định

Thông cáo của điện Buckingham

Ngày 23-6, người Anh sẽ phải tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc có tiếp tục là thành viên khối Liên minh châu Âu (EU) hay không.

“Brexit” (ghép từ “Britain” và “exit”) từ mấy năm nay không phải là chuyện riêng của những người dân đảo quốc sương mù vì những tác động của điều này với thị trường 500 triệu dân trong khối EU và cả toàn bộ châu Âu.

Ai cũng có lý

Những người Anh ủng hộ chuyện rời khối EU cho rằng EU đã kìm hãm sự phát triển của nước Anh khi ban hành quá nhiều luật lệ, can thiệp quá sâu vào công việc của các nước thành viên.

Hằng năm Anh phải nộp hàng tỉ bảng Anh lệ phí cho EU trong khi sự hỗ trợ nhận lại thì rất ít ỏi. Họ muốn Anh giành lại quyền kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người từ các nước EU khác đến đây sinh sống hay làm việc và hưởng những tiện ích công cộng và chế độ an sinh xã hội.

Trong khi đó phe “ở” cho rằng Anh được lợi nhiều khi duy trì tư cách thành viên EU, như giúp bán hàng cho các nước trong khối EU dễ dàng hơn. Về vấn đề người nhập cư thì họ cho rằng đa số người nhập cư là người trong độ tuổi lao động và muốn đến Anh để làm việc.

Do vậy chính những người nhập cư giúp duy trì sự phát triển kinh tế và guồng máy dịch vụ công hoạt động tại đây. Họ cũng cho rằng uy tín của Anh sẽ bị ảnh hưởng nếu rời khỏi khối và nước Anh sẽ an toàn hơn khi là một thành phần trong 28 nước thay vì đứng lẻ loi.

Thủ tướng David Cameron ra sức thuyết phục người Anh chọn ở lại. Hai tháng đầu năm nay ông đã có nhiều cuộc họp với lãnh đạo khối EU, nhằm tranh thủ cho Anh một quy chế đặc biệt trong trường hợp ở lại trong khối.

Ông đề cập tới “mô hình Đan Mạch” (là thành viên EU nhưng tự chủ về tư pháp), nhưng khuynh hướng hoài nghi EU vẫn phát triển mạnh mẽ, nhất là từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng người nhập cư và tị nạn vào châu Âu.

Thước đo thị trường

Trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho hai phe “rời” và “ở” là ngang ngửa thì các hoạt động kinh tế và tài chính của toàn bộ châu Âu bị tác động mạnh. Riêng tại Anh, cổ phiếu của các ngành phục vụ thị trường nội địa như xây dựng, siêu thị, đã giảm 10-15%.

Tuy là một quốc gia phát triển ổn định nhưng chỉ số C20-CAP của thị trường chứng khoán Copenhagen đã giảm 15,6% trong vòng một tháng từ ngày 17-5 đến 15-6.

Theo thăm dò mới đây của Berlingske Business thì 81% doanh nghiệp Đan Mạch được hỏi cho rằng việc Anh ra khỏi khối EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ, theo các mức độ khác nhau.

Đối với những nước kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Đan Mạch, nếu Brexit xảy ra, trước hết hoạt động đầu tư và xuất khẩu của họ sẽ bị ảnh hưởng, về lâu dài tùy thuộc vào vai trò mà Anh sẽ đóng sau khi rút ra khỏi EU.

Theo các chuyên gia của Phòng Thương mại Đan Mạch, Brexit sẽ đưa đến nhiều tác động tiêu cực trên diện rộng.

Ngắn hạn là sự bất ổn trên thị trường tài chính, khó khăn trong các hoạt động thương mại song phương khi nước Anh sẽ áp dụng những quy chế mới. Trung hạn là ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính của các nước.

Dài hạn thì Brexit có thể dẫn đến những tranh cãi giữa các nước thành viên EU về cơ cấu, lẫn sự băn khoăn về cách tổ chức chính trị của châu Âu.

Steen Bocian, chuyên viên kinh tế của Phòng Thương mại Đan Mạch, cho rằng tác động sâu xa của Brexit là mối quan hệ chính trị giữa EU và Anh.

Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng nữa là trong trường hợp Anh rút ra khỏi khối EU mà vẫn phát triển tốt thì sẽ có khả năng một số nước khác cũng muốn rút ra, nhất là trong vài năm trở lại đây xu hướng quốc gia đã phát triển mạnh và nhanh chóng tại nhiều nước trong khối EU.

Đơn cử như Pháp, nước sẽ bầu cử tổng thống vào năm 2017, có rất nhiều người theo khuynh hướng hoài nghi EU cũng đang có phong trào đòi trưng cầu ý dân về EU. Nếu như phong trào này lan rộng, ngoài chính trị, còn tạo ra bất ổn cho nền kinh tế và thị trường tài chính châu Âu.

Châu Âu đã mất rất nhiều năm để biến giấc mơ về một thị trường chung trở thành hiện thực nên sẽ không dễ dàng nhìn giấc mơ này tan theo Brexit...

Nhưng sau việc hạ nghị sĩ đang lên của Công Đảng, bà Jo Cox bị sát hại tại ngay khu vực bầu cử của bà là Birstall thì các thăm dò dư luận cho thấy chiều hướng “ở lại” đang tăng dần.

Giá dầu và chỉ số thị trường chứng khoán ở châu Á cũng đã tăng tích cực ngày hôm qua vì cho rằng người Anh sẽ ở lại EU. Thường thị trường luôn sát với thực tế...

Trong kỳ vận động tranh cử năm 2013, trước sức ép của UKIP - đảng hoài nghi về ảnh hưởng của EU, cũng như từ nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ của chính ông, Thủ tướng David Cameron đã hứa nếu giành chiến thắng sẽ trưng cầu ý dân về vấn đề đi hay ở, chậm nhất là trước cuối năm 2017.

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Anh EU Liên minh châu Âu