26/05/2017 09:57 GMT+7

Chất lượng giáo dục quan trọng nhất, không phải tiến độ...

NG.HÀ - V.HÀ ghi
NG.HÀ - V.HÀ ghi

TTO - Chỉ có ngành giáo dục mới đánh giá được toàn diện, đầy đủ và chính xác nhất điều kiện thực tế của ngành có kịp để triển khai chương trình phổ thông mới từ năm học 2018-2019, như lộ trình của nghị quyết Quốc hội đặt ra.

Nếu ngành giáo dục tin tưởng sẽ chuẩn bị kịp (về việc biên soạn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, chuẩn bị về đội ngũ cán bộ quản lý, về cơ sở vật chất...) thì có thể làm theo đúng lịch trình mà nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, nếu thấy sự chuẩn bị quá gấp gáp, không đảm bảo chất lượng thì không nên câu nệ bằng mọi giá phải theo đúng lộ trình ban đầu.

Đúng là với nghị quyết Quốc hội, không ai có quyền thay đổi, ngoài chính các vị đại biểu Quốc hội. Song Bộ GD-ĐT cần có bản lĩnh, đừng vì sự thúc ép của dư luận hay phải cố chạy theo thành tích, thực hiện đúng nghị quyết, mà không thấy an tâm. Nếu thấy không ổn, Bộ GD-ĐT nên chủ động giải trình cụ thể với Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội xin lùi thời gian triển khai chương trình phổ thông mới.

Khi ngành giáo dục báo cáo rõ đã nỗ lực nhưng không kịp tiến độ, thì không cấp nào - kể cả Chính phủ hay Quốc hội - lại vẫn buộc ngành giáo dục thực hiện chương trình mới, bất chấp các điều kiện chuẩn bị chưa thực sự chín muồi. Thực tế thời gian qua, nhiều công việc chuẩn bị cũng bị kéo dài thời gian. Ngay như việc lấy ý kiến đóng góp cho chương trình tổng thể, cũng đã phải gia hạn thêm một tháng so với thông báo ban đầu.

Thực tế, nếu việc triển khai chương trình mới được thực hiện trên nền tảng chuẩn bị chu đáo, lại theo đúng lộ trình của nghị quyết Quốc hội đặt ra thì rất lý tưởng, vì lộ trình đó cũng đã được cân nhắc rất kỹ trước khi thông qua. Tuy nhiên, không thể vì lộ trình mà đánh đổi chất lượng, bởi lẽ chất lượng giáo dục mới là điều quan trọng nhất. Triển khai chương trình giáo dục mới liên quan đến hàng chục triệu học sinh, phải đảm bảo được chất lượng học tập, tránh rủi ro, không thể mạo hiểm.

Còn trong trường hợp quyết tâm triển khai vì đã an tâm với chuẩn bị đã có, theo tôi, việc thực hiện theo kế hoạch ban soạn thảo chương trình đưa ra cũng có cơ sở. Việc triển khai đại trà từ năm 2018 chỉ với lớp 1 thuận lợi hơn so với các lớp học khác, vì chương trình lớp 1 hầu như không thay đổi nhiều so với hiện hành, chỉ là sắp xếp, thay đổi tên một số môn học...

GS ĐÀO TRỌNG THI (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) 

NG.HÀ - V.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên