Tôi và chú hổ giống Bengal nặng hơn 200kg chỉ cách nhau chừng ba tấc. Một tiếng "khì…." mạnh kèm theo cái mõm nhăn tít há rộng khoe đôi nanh dài gần một tấc của nó khiến tôi bật ngửa.

Giữa tôi và nó là một hệ thống cửa, tường rào bằng sắt phi 8 kiên cố, chứ không thì tôi đã không thể viết bài này, hoặc phải thành Võ Tòng thứ hai.

Đó là chuyến thăm đầu tiên vào tận "hậu cung" chuồng hổ, theo chân những người chăm hổ tại Vinpearl Safari Phú Quốc. Ngay sau đó, Trần Duy Phương - tổ trưởng tổ chăm sóc thú dữ - "chiêu đãi" tôi một bữa thưởng lãm màn tập thể thao của hổ: Một hệ thống dây ròng rọc nối từ một cây to được quấn dây thừng (để bảo vệ cây khỏi móng vuốt hổ) trong khu vực an toàn.

Một đùi gà góc tư hơn hơn ½kg được móc vào ròng rọc ở khoảng cách tầm 4m từ mặt đất. Miếng thịt không nằm yên một chỗ mà được nhân viên kéo ra kéo vào cho thêm độ khó. Vút một cái, con hổ phóng lên, vươn mình đớp miếng mồi bằng cú táp xếp hạng 10 thế giới về sức mạnh (74kg/cm2), rồi nhẹ nhàng quay mình nhảy xuống đất.

Leo cây, đớp mồi, quay mình trở xuống của con hổ chỉ diễn ra trong vài giây, với những động tác tuyệt đẹp, uyển chuyển của tấm thân hơn 200 kg, hấp dẫn bội phần bởi bộ da vàng cam - sọc đen vằn vện.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 1.

Ta có thể dễ dàng ngắm một con hổ ở nhiều vườn bách thú trong cả nước, nhưng nuôi bán hoang dã thì Safari Phú Quốc (ra đời năm 2015) là nơi đầu tiên thực hiện, trong hai khu, một để "người coi hổ" (với không gian rộng thoáng hơn rất nhiều so với sở thú); hai là khu bán hoang dã, nơi "hổ xem người" vì khách tham quan phải ngồi trên xe buýt vào khu vực hổ sinh sống.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 2.

Tất cả hổ tại Safari Phú Quốc đều là giống Bengal, một loài hổ sinh sống nhiều ở Ấn Độ, Bangladesh…và đã được đưa vào danh sách bảo tồn. Những con hổ Bengal tuyệt đẹp ở nơi này gợi nhớ tới bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Lý An, Cuộc đời của Pi, với những ngày lênh đênh trên biển của một thiếu niên Ấn Độ 16 tuổi tên là "Pi" Patel, sau vụ đắm tàu, trên một xuồng cứu sinh với một con hổ Bengal tên là Richard Parker.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 3.

Sau hơn nửa năm khai trương, ngày 1-6-2016, Safari Phú Quốc chào đón hai bé hổ đầu tiên được sinh ra tại đây, với con hổ mẹ có mã C9. Hai bé hổ được đặt tên là Phú và Quốc. Tám ngày sau, một mẹ hổ khác là C8 hạ sinh thêm hai hổ con, được đặt tên Hiếu và Thảo.

Hồi C9 và C8 hạ sinh Phú - Quốc - Hiếu - Thảo, nhiều em bé Việt Nam đã có được niềm vui mà ngày trước phải qua tận Thái Lan tham quan safari mới có được, là vuốt ve, ẵm bồng hổ con.

Hôm cùng Duy Phương vào khu bán hoang dã, anh chỉ cho tôi thấy một chú hổ oai vệ tiến đến sát xe: "Hiếu đó!". Hiếu 5 tuổi, nay đã thành một ông Ba mươi lừng lững.

Từ hơn 20 con hổ Bengal nhập về thuở ban đầu, nay tổng đàn đã lên đến gần 90 con. Trong đó, riêng tại Safari Phú Quốc là 52 con, những con còn lại được chuyển "hộ khẩu" ra Vinpearl Hội An và Nha Trang.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 4.
CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 5.

Chuyện đẻ của hổ nghe thật là đơn giản. Khi hổ cái có dấu hiệu động dục, nó sẽ cho hổ đực giao phối. Tần suất giao phối khoảng 40 lần/một ngày, kéo dài 5 - 7 ngày. Hổ cái mang thai khoảng 100-105 ngày thì sinh con. Mỗi lứa có thể sinh 2 con, nhiều nhất là 5, 6 con (mỗi con tầm 1kg - 1,5kg).

Những con hổ con khi lên 5 tháng tuổi là có thể tách mẹ, và hổ mẹ có thể động dục và mang thai tiếp. Nhưng những người chăm hổ ở đây không thể để đàn hổ sinh sản vượt quá sức tải của chuồng trại và khu vực sinh sống nên vẫn để hổ con sống với mẹ.

Tôi gặp mẹ hổ có tên là Cái nhỏ và hai con nay đã 8 tháng tuổi, đạt tầm gần 40kg/con, sống quấn quýt bên nhau. Trong khi những ông Ba mươi tệ bạc, hết xôi rồi việc, gần gụi xong thì "quất ngựa truy phong", thậm chí có thể tấn công luôn cả con thì các bà Ba mươi bảo vệ các con vô cùng quyết liệt, cho dù con đã lớn.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 6.
CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 7.

Trần Duy Phương cười trả lời khi tôi hỏi "Khó nhất trong việc chăm hổ ở đây là gì?. Bùi Phi Hoàng - một chàng trai Hà Nội sinh năm 1991, du học Úc về ngành chăm sóc động vật hoang dã, nay là sếp tổng quản chăm các loại thú ở Safari Phú Quốc cũng xác nhận, nuôi hổ rất dễ.

"Dễ thế nên vừa rồi ở Nghệ An mới phát hiện vụ tám con hổ nuôi như nuôi lợn đó anh. Nuôi cho hổ đẻ thì không khó, nhưng nuôi sao cho hổ phát triển thật giống với môi trường tự nhiên thì mới là vấn đề" – anh nói.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 8.

Phú, Quốc, Hiếu, Thảo - những con hổ sơ sinh được anh Dương Huy Toàn, một trong những nhân viên tham gia nuôi bộ chúng kể "Tôi ẵm bồng chúng, cho bú sữa, bón từng miếng thịt sống cắt nhỏ cho mấy đứa nó từ bé cho đến lúc trộng trộng, nhưng bây giờ sự khác biệt của tôi với các anh chỉ là nó thấy mà không gầm gừ, chứ bảo lại gần bọn nó là không thể!".

Lũ hổ được nuôi lớn với mục đích giữ được nhiều nhất những đặc tính hoang dã của chúng. Chúng càng hung dữ, gần với thiên nhiên bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu. Vì vậy, Hoàng kể, dẫu có lời đề nghị chuyển giao mấy con hổ bắt được ở Nghệ An cho Phú Quốc, nhưng họ không thể nhận vì chúng đã hoàn toàn mất đi tính hoang dã.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 9.
CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 10.
CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 11.

Chăm sóc hổ ở Safari là một cái nghề không cho phép bất cứ sai sót nào. Trần Duy Phương cho biết quy trình đi chăm sóc hổ ở đội của anh luôn phải có hai người để kiểm tra chéo lẫn nhau, người này lỡ có quên một khâu nào đó thì có đồng đội khắc phục ngay. Tất cả cửa ra vào các khu vực chuồng trại, sân chơi cho hổ đều là cửa hai lớp, xài cả khóa từ lẫn khóa cơ, cửa ngoài đóng thì cửa trong mới mở được, và ngược lại.

Công việc hàng ngày của đội chăm sóc hổ bắt đầu từ 7h30 sáng. Họ vào khu chuồng trại quan sát xem có con hổ nào có biểu hiện biếng ăn, đổ bệnh, trong đêm có đánh nhau không. Ở Safari Phú Quốc có cả chục khu chuồng trại như thế. Mỗi khu có từ 5 - 6 chuồng, nhưng luôn có 1- 2 chuồng trống để lùa hổ sang nhằm làm vệ sinh chuồng, chia thức ăn.

Mỗi chuồng đều có cửa thông ra khu chơi - là nơi để du khách nhìn thấy hổ, với cái hào sâu ngăn sách, có dây diện bao quanh cùng tường rào. Nhưng ở khu vực bán hoang dã, chuồng chỉ là nơi để thức ăn cho hổ, bầy hổ tự do thoải mái trong khuôn viên rộng lớn dành cho nó.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 12.

Khẩu phần mỗi bữa ăn của một con hổ tại đây vào khoảng 4kg/ngày, đều được mang từ đất liền ra, của các công ty có thương hiệu. Bình quân Safari Phú Quốc tiêu tốn gần nửa tấn thịt mỗi ngày cho gần trăm con hổ, sư tử.

Một tuần sẽ có ba bữa thịt gà, ba bữa xơi bẹ sườn trâu, xương ống heo và nghỉ ăn một ngày. Kèm theo cả vitamine C, dầu cá… được nhét vào trong đùi gà. Bữa ăn của lũ hổ là vào cuối giờ chiều, được các nhân viên chia phần sẵn trong chuồng.

Khi cánh cửa sắt ngăn cách giữa chuồng và khu chơi của hổ được kéo lên, từng đàn kéo vào chuồng, đến đúng nơi đặt khẩu phần của mình nhai rau ráu. Và đó cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc của các nhân viên tại đây. "Tiếc là anh không gặp chúng lúc chúng được ăn xương ống heo, bọn nó nhai như mình nhai kẹo", Phương nói.

CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 13.
CHĂM ÔNG BA MƯƠI… - Ảnh 14.

HUY THỌ
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên