13/08/2017 10:17 GMT+7

Cầu Cô Oanh

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTO - Tại bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) có một cây cầu là cầu Cô Oanh.

Cầu Cô Oanh và cô giáo Đặng Thị Oanh (ảnh nhỏ)  - Ảnh: V.TOÀN
Cầu Cô Oanh - Ảnh: V.TOÀN

Ông Già Pa Hùa, trưởng bản Buộc Mú 2, nói: “Cô giáo thương học sinh người Mông, sống tốt bụng với dân bản thì mọi người đặt tên cô cho cây cầu thôi!”.

Tại UBND xã Na Ngoi, ông Già Tông Thù kể nhiều chuyện mà ông cho là “ân nghĩa” về cô giáo Oanh: “Cô giáo Oanh dạy lớp 2. Năm 2001, huyện Kỳ Sơn có phong trào “dân bản nuôi giáo viên” nên cô Oanh ở trong nhà tôi. Nhà tôi ở gần khe suối Cà Na, mùa mưa nước thượng nguồn chảy xiết lắm. Thời ấy, đường qua khe suối Cà Na chưa có cầu nên dân bản bắc tạm một cây gỗ cho người đi qua. Biết học sinh nhỏ tuổi không dám đi trên cây gỗ gập ghềnh nên cô Oanh thường ra bế, cõng các em qua suối để đến trường. Tan học, cô Oanh lại đưa các em qua suối về nhà”.

Hai năm sau (2003), cô Oanh được điều chuyển về xuôi dạy học. Khi ấy, cây cầu được một công ty xây dựng của Bộ Quốc phòng triển khai thi công. Năm 2004, cây cầu gồm ba nhịp, dài 61m đã bắc qua khe suối Cà Na hoàn thành. Khi đặt tên cho cây cầu, công ty xây dựng xin ý kiến dân bản mới quyết định lấy tên là cầu Cô Oanh.

Cô giáo Đặng Thị Oanh
Cô giáo Đặng Thị Oanh

Thầy Ngô Văn Sĩ - giáo viên phân hiệu Buộc Mú, Trường tiểu học Na Ngoi - cho biết: “Dạo đó, dân bản người Mông ở rải rác, học sinh không muốn đi học nên việc làm của cô Oanh có ý nghĩa thiết thực. Đúng như dân bản kể lại, cô Oanh rất thương học sinh. Sau việc cõng học sinh qua suối, đến trưa có em không về thì ở lại, cô Oanh nấu cơm cho ăn. Những tình cảm đó chúng tôi vẫn thường kể cho nhau nghe”.

Chúng tôi về Trường tiểu học Phúc Sơn tìm gặp cô giáo Đặng Thị Oanh. Trò chuyện về cây cầu mang tên mình, cô Oanh xúc động: “Mới đây tôi mới biết thông tin trên Facebook về cây cầu bắc qua khe suối Cà Na mang tên mình. Hồi đó, lớp tôi chỉ có chín em. Học sinh hiếm hoi nên việc vận động để các em đến lớp rất được coi trọng. Việc bế, cõng học sinh qua suối đi học là việc làm bình thường của giáo viên ở đây. Nhiều thầy cô giáo ở Trường tiểu học Na Ngoi cũng thương học sinh chứ không riêng mình tôi”.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Nghệ An, cô Oanh đến Trường tiểu học Na Ngoi công tác. Hồi đó cô mới 21 tuổi, còn bây giờ đã ở tuổi 41. Cô bồi hồi nhớ lại: “Trong sáu năm dạy học tại Na Ngoi, cứ một năm tôi dạy ở một bản. Đến năm 2003 tôi mới được điều chuyển về Trường tiểu học Phúc Sơn”.

Cô Nguyễn Thị Hòa, hiệu trưởng Trường tiểu học Phúc Sơn, nhận xét: “Cô Đặng Thị Oanh về công tác tại Trường tiểu học Phúc Sơn năm 2003. Cô là giáo viên dạy giỏi của trường và huyện. Chuyện cây cầu mang tên cô cũng khiến trường chúng tôi có thêm niềm vui”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên