Cảnh giác với bệnh thận mãn

XUÂN HOA (ĐÀ LẠT) 20/08/2011 22:08 GMT+7

TTCT - Gần đây, hễ nghe nói đến bệnh thận là y như rằng phải đi ghép thận với chi phí vô cùng tốn kém. Có cách nào phát hiện sớm bệnh này, thưa bác sĩ?

Phóng to
Không chủ quan trước những triệu chứng bình thường mà phải tầm soát thường xuyên để phòng tránh bệnh thận mãn - Ảnh: Thanh Đạm

Bệnh thận mãn (BTM) trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim hay bệnh lao. BTM được “thăng chức” như vậy dù ít gặp hơn các bệnh khác vì chi phí điều trị bệnh có thể nói là… khủng khiếp.

Viêm họng cũng phải coi chừng

Tại Hoa Kỳ năm 2007, chi phí điều trị cho khoảng 500.000 bệnh nhân BTM giai đoạn cuối là 35 tỉ USD, trong khi con số này cho 18 triệu bệnh nhân đái tháo đường là 116 tỉ USD! Tại VN, người ta ước tính cứ mỗi mười bệnh nhân bước vào BTM giai đoạn cuối thì chín người qua đời vì không đủ tiền trị bệnh.

Yếu tố nguy cơ của BTM bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền căn BTM trong gia đình, tăng mỡ máu, béo phì, hút thuốc lá, nhiễm siêu vi viêm gan C và HIV.

Hai quả thận nằm sâu trong bụng, ở hai bên cột sống. Thận là tập hợp của một cấu trúc gọi là nephron, có 600.000-1 triệu nephron ở mỗi thận. Nephron gồm hai thành phần chính là cầu thận và ống thận. Chức năng chính của thận là lọc sạch máu tại cầu thận, đưa các chất cặn bã vào nước tiểu để thải ra ngoài. Do đó cùng với gan, thận là cơ quan có vai trò thanh lọc cơ thể vô cùng quan trọng.

Trong thực hành, để đánh giá chức năng của thận, người ta dùng thông số là tốc độ thải creatinin (creatinin là một chất cặn bã nội sinh). Tốc độ này bình thường khoảng 90-120ml/phút. Khi tốc độ này giảm dưới 15, bệnh nhân được xem như là BTM giai đoạn cuối. Lúc đó các chất cặn bã sẽ ứ đọng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không sử dụng các hình thức điều trị thay thế thận mà trong đó ghép thận là biện pháp tối ưu.

Nguyên nhân thường gặp nhất của BTM ở các nước đã phát triển là tăng huyết áp và đái tháo đường. Ở các nước đang phát triển như VN, ngoài hai nguyên nhân trên phổ biến ở các đô thị lớn, nguyên nhân hàng đầu là viêm cầu thận mãn xảy ra sau một bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu, viêm gan siêu vi C. Các nguyên nhân khác thường gặp là sỏi hệ tiết niệu, thận đa nang và nhiễm trùng thận mãn tính.

Trị “bệnh chủ quan” trước

BTM có vài đặc điểm gây mất cảnh giác. Trước tiên, khi mắc các bệnh trên, thận bị tổn thương khiến chức năng giảm dần nhưng sự giảm này diễn ra thường chậm trong nhiều năm, triệu chứng nghèo nàn ở giai đoạn nhẹ, thậm chí khi vào giai đoạn cuối, cái chết cận kề mà đôi khi bệnh nhân vẫn cảm thấy tương đối bình thường. Vì thế bệnh nhân ít khi đi khám bệnh sớm.

Thứ hai, bệnh nhân thường chủ quan khi thấy triệu chứng bệnh còn chịu đựng được nên không đi khám, còn bác sĩ thường bỏ sót việc kiểm tra quả thận khi bệnh nhân mắc các bệnh trên. Thậm chí có bác sĩ điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân thời gian dài mà không biết rằng quả thận của bệnh nhân đã sắp hết hoạt động!

Tóm lại, khi xuất hiện các triệu chứng nặng như buồn nôn, nôn, chán ăn, da xanh xao, tiểu ít thì thường bệnh đã vào giai đoạn cuối! Đáng chú ý, BTM thường gây ra các biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim nên bệnh nhân có thể tử vong sớm trước khi BTM vào giai đoạn cuối.

Như vậy việc phát hiện sớm BTM là thiết yếu để điều trị hiệu quả, tránh cho bệnh nhân đi đến giai đoạn cuối. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cần được tầm soát xem có BTM hay không và phải có chương trình theo dõi lâu dài. Chương trình này thay đổi tùy theo bệnh gốc và độ nặng của bệnh, chẳng hạn như vừa chẩn đoán ra đái tháo đường type 2 thì phải tầm soát BTM ngay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận