17/11/2020 09:58 GMT+7

Căng thẳng Biển Đông thời COVID-19

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tác động đến kinh tế phản ánh thực tế rằng COVID-19 không chỉ đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên cao, mà còn phô bày những khó khăn cho các thảo luận về phương án xử lý trong tương lai.

Căng thẳng Biển Đông thời COVID-19 - Ảnh 1.

Học giả trong nước và quốc tế tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 tại Hà Nội ngày 16-11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến - Ảnh: NAM TRẦN

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở Hà Nội ngày 16-11, các học giả đều cho rằng, đại dịch COVID-19 đã trở thành chủ đề chi phối hầu như mọi điểm nóng toàn cầu trong năm 2020, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.

Trong suốt thời gian COVID-19 bùng phát, các quan chức Mỹ thường xuyên tố cáo Trung Quốc lợi dụng đại dịch để đưa ra hành động hung hăng hơn ở Biển Đông. COVID-19 đã tác động tiêu cực lên Biển Đông theo nhiều cách khác nhau.

Việt Nam tiếp tục là quốc gia lên tiếng bảo vệ chủ quyền và chỉ trích Trung Quốc khi cần thiết.

Giám đốc AMTI Gregory Poling

Nhân tố corona

Tại hội thảo, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling khẳng định căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng suốt năm 2020. Và trong khi không ai chắc COVID-19 tác động trực tiếp tới diễn biến nào, đại dịch đã thực sự làm trầm trọng hơn những căng thẳng ấy.

Trong nội dung phát biểu tại hội thảo gửi cho Tuổi Trẻ, ông Poling nhận xét Trung Quốc đã tăng cường các thông điệp về quân sự của mình và nhiều khả năng là cả nhịp độ hoạt động ở các khu vực tranh chấp. Đồng thời Bắc Kinh cũng tiến hành ngoại giao "chiến lang", trong đó các quan chức Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm với những chỉ trích giữa đại dịch và "dường như quan tâm đến việc củng cố hình ảnh quốc gia trong mắt người dân trong nước hơn là muốn chiếm lấy tình cảm của những người bạn ở nước ngoài".

Tương tự, ông Poling chỉ ra rằng Mỹ không có thay đổi đáng kể trong các hoạt động như tuần tra "tự do hàng hải", tập trận, tổ chức các chuyến thăm tàu chiến... nhưng Washington đã tỏ thái độ cứng rắn hơn trong các tuyên bố công khai cũng như hành động cụ thể, thông qua việc đưa 24 công ty nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) nhằm phản đối việc các công ty này hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, nhà nghiên cứu về Biển Đông Hoàng Việt (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích tác động của COVID-19 lên Biển Đông ở khía cạnh kinh tế. 

Ông nói: "Bản thân đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều tới toàn bộ nền kinh tế trên thế giới và điều này tác động tới các quốc gia trong khu vực, trong đó có ASEAN. Ảnh hưởng trực tiếp ở đây là các quốc gia đều đặt ưu tiên phát triển kinh tế và trong ưu tiên phát triển kinh tế đó, Trung Quốc cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, điều này ảnh hưởng tới việc giải quyết các vấn đề Biển Đông".

Luật pháp quốc tế là kim chỉ nam

Tác động kinh tế nêu trên phản ánh thực tế rằng COVID-19 không chỉ đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên cao mà còn phô bày những khó khăn cho các thảo luận về phương án xử lý trong tương lai. Cũng như nhiều chuyên gia khác, cả ông Poling lẫn ông Hoàng Việt đều không lạc quan về tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2021.

Đàm phán COC dẫu sao đã ghi nhận bước tiến tích cực, thể hiện ở việc thượng tôn luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Đây là điều đã xuất hiện trong các công hàm, văn kiện liên quan của ASEAN cũng như các nước ngoài khu vực gửi Liên Hiệp Quốc trong năm 2020 như Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Đức. Đây là loạt diễn biến được mô tả như "cuộc chiến công hàm" của năm nay, khi yêu sách phi lý của Trung Quốc bị bác bỏ vì đi ngược lại với UNCLOS 1982.

Giáo sư Jay Batongbacal - giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển (ĐH Philippines) - khẳng định động thái của các cường quốc hàng hải như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và cường quốc tầm trung như Úc đã ngăn không cho Trung Quốc tạo ra kịch bản rằng Bắc Kinh đã công khai thông báo về yêu sách của mình và được cộng đồng chấp nhận.

"Lập trường của các nước Đông Nam Á ven biển phù hợp rõ ràng với UNCLOS và dựa trên những cơ sở chung ở cấp độ luật quốc tế... Sự tương đồng trong cách diễn giải luật pháp quốc tế này là cơ hội tốt để (các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền - PV) lùi lại, suy nghĩ sâu sắc hơn về lợi ích chung ở Biển Đông. 

Đây có thể là cơ sở để giúp đỡ nhau ứng phó với siêu cường trong khu vực này. Do đó bước tiếp theo là họ phải thống nhất lợi ích chung dựa trên những điểm chung này và cùng nhau đối mặt với bên có yêu sách mạnh mẽ nhất, nhằm đảm bảo kết quả hợp tác công bằng và các thỏa thuận ý nghĩa đối với cách ứng xử của mình ở Biển Đông", GS Batongbacal thuật lại với Tuổi Trẻ nội dung trình bày tại hội thảo.

Định hình vai trò của ASEAN

Trao đổi với phóng viên ngày 16-11, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết các diễn giả đã nói rất nhiều về ASEAN, trong đó ASEAN phải bám sát vào những nguyên tắc mà mình đã đề ra, dựa vào luật pháp quốc tế và UNCLOS, tham vấn của ASEAN với tất cả các nước có liên quan trong và ngoài khu vực.

"Quan điểm này của ASEAN đã được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, nên lúc này ASEAN phải kiên trì quan điểm đó; hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải là điều tất cả các nước phải có trách nhiệm đóng góp. ASEAN phải đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của mình trong khu vực, dù cạnh tranh nước lớn, dù Biển Đông có phức tạp hay không; ASEAN cần môi trường hòa bình, ổn định nơi đây", ông nói.

Quân đội Mỹ và Trung Quốc đối thoại giữa lúc căng thẳng về Biển Đông Quân đội Mỹ và Trung Quốc đối thoại giữa lúc căng thẳng về Biển Đông

TTO - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã cùng bàn luận về đối thoại trong khủng hoảng giữa bối cảnh cả hai quốc gia có nhiều căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo ngày 29-10.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên