28/10/2012 07:00 GMT+7

Cần trừng trị những kẻ ấu dâm

(Nhân đọc bài “Dụ dỗ trẻ con đi khách”, “Trẻ em trai bị hiếp dâm: Thiếu luật hay thiếu quan tâm?”, Tuổi Trẻ 22-10 và 27-10)
(Nhân đọc bài “Dụ dỗ trẻ con đi khách”, “Trẻ em trai bị hiếp dâm: Thiếu luật hay thiếu quan tâm?”, Tuổi Trẻ 22-10 và 27-10)

TT - Từ Salt Lake, thành phố lạnh giá và luôn có tuyết phủ của Mỹ, tôi đến VN sinh sống được gần một năm. Công việc chính của tôi là viết bài cho một số tạp chí VN lẫn quốc tế.

Tuy nhiên tôi cũng thường đồng hành cùng một số hoạt động xã hội liên quan đến đối tượng trẻ em bị nhiễm HIV.

bafG8kaw.jpgPhóng to
Nhà văn Sarah Dallof - Ảnh: David Dallof

Tuần qua tôi có dịp được nghe về câu chuyện một số trẻ em nam ở VN bị lạm dụng, dụ dỗ “đi khách”, cảm giác của tôi dĩ nhiên là sốc và đau lòng. Không đau lòng sao được khi những đứa trẻ thậm chí chưa đến tuổi thiếu niên đã bị lạm dụng để rồi mang biết bao nguy cơ tiềm ẩn trong người.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe về chuyện này. Từ lúc còn ở Mỹ, những người bạn làm trong ngành y tế đã kể tôi nghe câu chuyện tương tự trong chuyến công tác thiện nguyện tại VN. Khi thấy một bé trai có cân nặng quá thấp so với yêu cầu, họ quyết định kiểm tra sức khỏe toàn diện để rồi phát hiện cậu bé dương tính với HIV. Điều đáng nói là cậu bé nhiễm HIV bởi bản thân đang hành nghề “trai gọi”.

Ở nước tôi, báo chí liên tục mô tả đây là một vấn đề “đang ngày càng nở rộ”, hằng năm tại Mỹ có khoảng 300.000 thiếu niên có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mại dâm trẻ em. Các luật gia, những bậc cha mẹ và các tổ chức xã hội đang rốt ráo phối hợp cùng nhau để giải quyết vấn đề này trước khi mọi chuyện trở nên quá trễ.

Năm 2003, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột và một bộ phận của Bộ Tư pháp đã cho ra đời chương trình sáng kiến toàn liên bang có tên Innocence Lost National Initiative (tạm dịch: Tuổi thơ bị đánh cắp - PV). Chương trình nhằm cứu những đứa trẻ đang bị buộc hành nghề mại dâm cũng như bắt giữ, trừng phạt những kẻ cầm đầu, dẫn dắt đường dây.

Nhờ quyết tâm cao độ, chương trình được phát động mạnh mẽ khắp nơi và mọi người dân đều được cung cấp những chỉ dẫn cần thiết để báo cáo kịp thời những đối tượng, hành động khả nghi. Chương trình đã đạt được thành công đáng kể khi hơn 2.100 trẻ được cứu thoát và hơn 1.000 bản án đã được tuyên cho những kẻ phạm tội.

Các nhà thi hành luật đang gia tăng mức độ cứng rắn của hình phạt dành cho những cá nhân liên quan đến vấn nạn trên như khách hàng, các tú ông... Cụ thể, các tú ông nếu bị kết tội sẽ bị phạt nặng hơn rất nhiều so với trước đây ở bang Georgia, còn bang California tăng mức tiền phạt những kẻ quan hệ với trẻ em từ 10.000 USD lên 25.000 USD. Số tiền phạt này sau đó được đóng vào quỹ hỗ trợ những trẻ em trên.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng các khu lưu trú riêng dành cho các trẻ em từng bị lạm dụng hay xâm hại tình dục để tiện trong việc cung cấp các hỗ trợ tâm lý, thể chất và dạy các em học. Một trong những tổ chức làm tốt nhiệm vụ này có thể kể đến là Children of the Night, được hình thành từ năm 1979 và là nơi tìm đến của những trẻ em là nạn nhân của mại dâm.

Tôi nghĩ xã hội chúng ta, dù là ở Mỹ hay VN, đều không nên xem nhẹ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em. Tôi rất ngạc nhiên khi biết lâu nay tòa án ở VN chưa xử được các đối tượng hiếp dâm trẻ em nam. Tôi nghĩ cần bổ sung luật pháp để nghiêm khắc trừng trị những kẻ ấu dâm, không phân biệt nạn nhân là nữ hay nam.

(Nhân đọc bài “Dụ dỗ trẻ con đi khách”, “Trẻ em trai bị hiếp dâm: Thiếu luật hay thiếu quan tâm?”, Tuổi Trẻ 22-10 và 27-10)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên