26/10/2017 15:14 GMT+7

Cẩn trọng với những loại ung thư nữ giới hay mắc phải

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư theo giới tính ở Việt Nam khác nhau, trong đó nữ giới phải đối mặt với khoảng 10 loại ung thư dễ mắc nhất.

Cẩn trọng với những loại ung thư nữ giới hay mắc phải - Ảnh 1.

Ung thư vú

Tại Việt Nam, ung thư vú là 1 trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Ước tính hiện nay mỗi năm, trên cả nước có trên 11.000 ca mới mắc và khoảng 4.500 ca tử vong do ung thư vú.

Theo các bác sĩ, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%, ở giai đoạn 2 tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.

Yếu tố nguy cơ của ung thư vú có thể liên quan đến lối sống công nghiệp, ít vận động. Biện pháp hữu hiệu hiện nay để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú là phụ nữ sau 40 - 45 tuổi nên tham gia khám tầm soát ung thư vú mỗi 1 - 2 năm/lần. Tự khám vú và khám vú định kỳ giúp phụ nữ có cơ hội nhận thức tuyến vú của mình có thay đổi hay không.

Theo các bác sĩ, khi xuất hiện các dấu hiệu như: sờ nắn xung quanh bầu ngực xuất hiện các cục cứng không đau; thay đổi kích thước hình dạng như vú to hơn, hoặc trông khác thường; cảnh giác khi thấy bị đau ở một hoặc 2 vú trong thời gian dài; thay đổi da ở vú; núm vú tụt vào trong hoặc tiết ra dịch; vú sưng đỏ và đau... thì phụ nữ nên đến bệnh viện chuyên khoa về ung thư để kiểm tra sức khỏe của mình.

Ung thư cổ tử cung

Đây là loại ung thư ở nữ giới phổ biến thứ 3 trên thế giới với số lượng ca tử vong mỗi năm là 270.000 ca, tương đương 2 - 3 phút có một người chết vì ung thư cổ tử cung. Trong đó, 80% ca tử vong nằm ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 về mức độ phổ biến, chỉ sau ung thư vú, với khoảng 5.100 ca mắc mới và 2.400 ca tử vong hàng năm.

Những phụ nữ có nguy cơ bị mắc ung thư cổ tử cung thường là những người đã có quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục nhiều; hút thuốc lá, có tiền sử bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục như bệnh sùi mào gà hoặc mụn giộp sinh dục...

Khi có những dấu hiệu bất thường, chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.

Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư cổ tử cung. Khi thấy các dấu hiệu như chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục; khí hư âm đạo có mùi hôi; chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh..., phụ nữ nên đi đến các bệnh viện để kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung. Theo các bác sĩ, tiền ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi khám âm đạo và làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm, đặc biệt là tầm soát ở giai đoạn tiền ung thư thì cơ hội chữa khỏi là 100%, tầm soát càng trễ thì tỉ lệ này giảm dần theo giai đoạn.

Thêm vào đó, việc tầm soát sớm ở giai đoạn tiền ung thư sẽ giúp người bệnh giảm chi phí và thời gian điều trị do phương pháp điều trị đơn giản nhẹ nhàng, tỉ lệ tái phát thấp, đảm bảo duy trì khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống như ban đầu của người bệnh.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ. Loại ung thư này có thể phát sinh ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thấy nhiều nhất ở những phụ nữ độ tuổi từ 20 - 50. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng đang có xu hướng tăng lên theo từng năm, mỗi năm có rất nhiều phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng do ung thư.

Theo các bác sĩ, triệu chứng của ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng và đi kèm các triệu chứng về rối loạn bàng quang và tiêu hóa. Theo đó, người bệnh thường có các dấu hiệu như cảm giác đầy hơi ở vùng bụng; chướng bụng khó tiêu; khó chịu ở vùng bụng; đau lưng, đau ở vùng bắp chân; đau vùng chậu; rối loạn tiết niệu, thay đổi thói quen tiểu tiện...

Người có nguy cơ mắc bệnh nhất thường là những người có chế độ ăn nhiều chất béo, béo phì, mang thai muộn, vô sinh hoặc hiếm muộn, có kinh nguyệt quá sớm hoặc mãn kinh quá muộn, tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng, ung thu vú hoặc ung thư đại trực tràng...

Ung thư nội mạc tử cung

Theo các chuyên gia y tế, ung thư nội mạc tử cung hay còn gọi là ung thư tử cung là khối u ác tính phát sinh tại tuyến nội mạc tử cung. Đây là một trong những u ác tính ở cơ quan sinh dục nữ, chiếm 7% tổng số ung thư ở nữ giới, chiếm 20 - 30% u sinh dục ác tính.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư nội mạc tử cung thường được nghĩ đến nhiều nhất là do lượng estrogen (nội tiết tố nữ) tăng cao dẫn đến sự phát triển bất thường của các tế bào niêm mạc tử cung, làm cho lớp niêm mạc tử cung dày lên bất thường. Những người có yếu tố nguy cơ như tuổi có kinh sớm, mãn kinh trễ; không có thai; bị hội chứng buồng trứng đa nang; bệnh béo phì, tiểu đường; chế độ ăn nhiều chất béo; tăng lượng estrogen (nội tiết tố nữ) sau mãn kinh không có chỉ định của bác sĩ.

Các bác sĩ khuyến cáo, nên đi khám phụ khoa 6 tháng/lần hoặc khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: ra huyết âm đạo bất thường, nhất là khi đã mãn kinh; ra dịch âm đạo bất thường màu vàng xanh như mủ, hôi, có thể có lợn cợn do lẫn với mô lòng tử cung bị bong ra; đau nhức vùng bụng dưới, có thể kèm theo tiểu khó, bí tiểu, táo bón ….

Các bác sĩ cho biết, phát hiện và điều trị sớm là một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả của việc chữa ung thư nội mạc tử cung. Theo đó, nếu phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn tiền ung thư thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 92%.

Bên cạnh những loại ung thư trên thì nữ giới còn dễ mắc phải các loại ung thư như ung thư đại trực tràng, phế quản, dạ dày, giáp trạng, gan, hạch, máu và ung thư da. Theo các chuyên gia y tế, việc chữa trị ung thư với nữ giới tỷ lệ điều trị thành công khoảng 40%, nam giới khoảng 33%.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên