22/02/2017 09:48 GMT+7

Cần trị căn bệnh xả rác

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TTO - Nói đến rác, nhiều người nghĩ ngay đến xung quanh các khu chế xuất, công nghiệp - nơi tập trung hàng vạn công nhân và các dịch vụ đi kèm như hàng rong, chợ cóc, nhà trọ...

Một trong những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của đoàn viên thanh niên Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM - Ảnh: Đ.H.
Một trong những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của đoàn viên thanh niên Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM - Ảnh: Đ.H.

Nhiều năm nay, chiều nào tan sở về theo ngã hầm tránh Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tôi cũng hết sức khó chịu với những người bán dạo bằng xe máy có rơmoóc vì họ xả rác rất nhiều ngay nơi bán. Bên cạnh người bán xả rác, người mua cũng không kém cạnh.

7h30 sáng, khi các công nhân bắt đầu vào ca thì những con đường trong và ngoài xung quanh Khu chế xuất Linh Trung ngập rác.

Rác là những tô, ly nhựa, bịch nilông, giấy... của các công nhân ngồi ăn sáng bên vệ đường trước công ty vứt xuống đất. Khu chế xuất tại đây thành lập đã hơn 20 năm nhưng suốt hơn 20 năm, trừ ngày không có công nhân đi làm, còn lại ngày nào cũng như ngày nấy - đầy rác.

Nhiều người nói trị bệnh xả rác rất khó, cho dù mức phạt với hành vi vi phạm này đã tăng cao kể từ ngày 1-2-2017 (với mức phạt từ 3-5 triệu đồng với cá nhân vi phạm). Tôi nghĩ rằng sẽ không khó nếu như cơ quan chức năng thực sự có quyết tâm hạn chế tình trạng này.

Chị T., một người bán hàng trên lề đường trước Khu chế xuất Linh Trung, chỉ bịch nilông để dành đựng rác của chị và bức xúc: “Tôi bán dạo trên lề đường để mưu sinh qua ngày. Không bao giờ tôi xả rác và còn luôn tự giác nhặt nhạnh rác xung quanh chỗ mình bán cho thật sạch.

Trong khi đó những người đẩy xe bán dạo ngay giữa đường dẫn xuống hầm Linh Trung xả hết rác xuống đường mà chưa lần nào bị xử phạt. Nào có khó bắt đâu, cạnh xe bán mía cây là ngọn mía bừa bãi.

Cạnh xe bán cải là cải úa cải sâu tùm lum, cạnh chỗ bán cá là nước làm cá đổ thẳng ra đường. Bán thứ gì, rác thứ đó... khó gì mà không xử được?”.

Tôi cũng nghĩ rằng thay vì chi trả một số tiền không nhỏ cho lực lượng vệ sinh dọn dẹp rác từ công nhân xả ra, đơn vị quản lý khu chế xuất, công nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng lực lượng bảo vệ để ghi tên, ghi hình người xả rác và gửi cho lãnh đạo công ty để đề nghị có biện pháp nhắc nhở, thậm chí xử phạt.

Bị đánh vào “nồi cơm”, chắc chắn người quen xả rác bừa bãi bắt buộc phải điều chỉnh hành vi của mình.

Tuy nhiên, xử phạt chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Phần gốc - chính là ý thức của từng người. Những người không xả rác bừa bãi thường là những người có nền giáo dục tốt từ gia đình.

Vì vậy, giáo dục ý thức vẫn là việc cần làm để trị căn bệnh xả rác. Và giáo dục phải bắt đầu từ gia đình và nhà trường - hai nơi quan trọng nhất trong việc rèn luyện nhân cách con người.

Về phía xã hội, cũng cần sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... thường xuyên tác động đến ý thức sống cộng đồng của người dân, đừng để những khẩu hiệu “không xả rác bừa bãi” cứ được đưa ra trong khi thực tế rác vẫn xả đầy ở mọi nơi.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên