22/09/2017 16:08 GMT+7

Cần phòng chống bệnh loãng xương từ rất sớm

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng trong một đơn vị thể tích xương, là hậu quả của sự suy giảm các khung protein và lượng canxi gắn với các khung này.

Cần phòng chống bệnh loãng xương từ rất sớm - Ảnh 1.

Loãng xương hay gặp ở phụ nữ từ lứa tuổi tiền mãn kinh đến già vì vấn đề hấp thu và chuyển hoá canxi có liên quan đến một hocmon buồng trứng là Oestrogen. Ở tuổi mãn kinh và hết kinh hocmon này giảm đi, do đó ảnh hưởng đến quá trình tạo xương. Việc tích luỹ canxi tối đa để tạo ra khối xương vững chắc cần đạt được ở tuổi thanh niên.

Do đó ngay từ nhỏ, từ lúc thanh, thiếu niên luôn cần một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và canxi. Một chế độ ăn không cân đối và thiếu canxi cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương.

Canxi là một trong các yếu tố quan trọng của cơ thể. Ở cơ thể người trưởng thành có khoảng 1,2kg canxi trong đó 99% tập trung ở xương và răng, chỉ có 1% ở trong máu và các tổ chức. Canxi đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình hoạt động của cơ thể, trong co giãn cơ, dẫn truyền các xung động thần kinh và là chất đệm của máu. Canxi ảnh hưởng tới hoạt động chức phận của cơ tim và một số hệ thống men tại cơ tim. Muối canxi tham gia vào quá trình đông máu và tham gia điều chỉnh thăng bằng kiềm toan trong cơ thể. Trong máu và các dịch sinh học khác, canxi ở dưới dạng ion hoá. Canxi ion hoá giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì các kích thích thần kinh, cơ.

Canxi rất cần thiết cho việc xây dựng và duy trì cấu trúc xương của cơ thể, nơi có đến 99% lượng canxi của cơ thể. Ở trong xương, canxi chủ yếu ở dưới dạng photphat canxi. Tích chứa liên kết canxi trong tổ chức xương chỉ xảy ra bình thường khi giữa canxi và photpho trong máu có tương quan thích hợp. Khi tương quan đó thay đổi, quá trình cốt hoá bị rối loạn tạo điều kiện gây còi xương ở trẻ em, chứng loãng xương và các bệnh khác ở người lớn.

Vitamin D tham gia điều hòa tương quan hợp lý giữa canxi và photpho trong máu.

Việc duy trì mức canxi ổn định trong máu là rất quan trọng, cơ thể giám sát mức canxi huyết một cách chặt chẽ. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ canxi, mức canxi huyết hạ thấp, cơ thể sẽ điều hoà các hocmon để điều động canxi từ xương để đưa trở lại máu nhằm đảm bảo mức canxi ỏ mức ổn định binh thường. Như vậy bộ xương hoạt động như một kho dự trữ canxi và có thể huy động nếu cần thiết. Nếu quá trình huy động diễn ra liên tục sẽ dẫn đến loãng xương.

Ngay từ lúc nhỏ, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đủ canxi cùng với vitamin D để tránh còi xương. Lúc tuổi thanh niên càng cần đảm bảo đủ 2 yếu tố trên để bộ xương phát triển tốt và đạt tới đỉnh cao độ tập trung canxi (mật độ xương) vào tuổi 25-30, sau đó giảm xuống ở nữ tuổi mãn kinh và nam giới sau 55 tuổi. Những người khi còn trẻ có độ đặc xương (mật độ xương) thấp, khi về già dễ bị loãng xương. Những người gầy, nhỏ bé cũng dễ bị loãng xương.

Canxi rất cần thiết cho việc xây dựng và duy trì cấu trúc xương của cơ thể. Khi bị loãng xương, các triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thương nhẹ (ngã ngồi, va chạm nhẹ, đi ô tô xóc, mang xách một đồ vật gì.,.) hoặc có thể xuất hiện từ từ tăng lên với các biểu hiện:

- Đau xương: thường đau ở vùng xương chịu tải của cơ thể (cột sống, thắt lưng, chậu hông), đau nhiều nếu là sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau tăng khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu, giảm khi nằm nghỉ.

- Hội chứng kích thích rễ thần kinh: đau có thể kèm với dấu hiệu chèn ép, kích thích rễ thần kinh như đau dọc theo các dây thần kinh liên sườn, dọc theo dây thần kinh đùi, đau tăng khi ho, hắt hơi, nín thở.

- Lún, nứt hoặc gãy xương: lún đốt sống, gù còng, nứt hoặc gãy cổ xương đùi, xương cẳng tay, cổ tay xảy ra sau một cú va chạm hay chấn động nhẹ.

Một chế độ ăn cân đối, hợp lý, giàu canxi sẽ giúp phòng bệnh loãng xương và làm hạn chế tiến triển của bệnh này. Nhu cầu canxi của cơ thể khác nhau theo lứa tuổi:

- Trẻ em dưới 15 tuổi cần 600- 700mg canxi/ngày.

- Người trên 15 tuổi và người lớn cần 1000mg canxi/ngày.

- Người già cần nhiều canxi hơn vì khả năng hấp thu canxi của họ thấp hơn. Với người trên 50 tuổi cần 1200mg canxi/ngày.

Canxi có nhiều ở trong một số thực phẩm sau: sữa và các chế phẩm của sữa (bơ, phomat) là thức ăn thuận tiện, giàu canxi và canxi ở dạng dễ hấp thu.

Ngoài ra các thực phẩm giàu canxi còn có tôm, cua, cá. Tốt nhất là cá, tôm, cua kho nhừ ăn cả xương, đây là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất, giúp cơ thể hấp thu và sử dụng được. Thí dụ: 100g cá dầu cung cấp 527mg canxi, 100g tép nhỏ (tôm nhỏ) cung cấp 910mg canxi, 100g cua đồng cung cấp 504mg canxi…

Để thoả mãn nhu cầu canxi của cơ thể, cần chú ý không những lượng canxi ăn vào đủ mà cả các điều kiện đảm bảo hấp thu, đồng hoá tốt lượng canxi đó. Khi tương quan giữa canxi với các thành phần khác của khẩu phần không thuận lợi thì một lượng 2-3g canxi mỗi ngày vẫn có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Các điều kiện đó là:

- Lượng chất đạm, chất béo, muối natri (bao gồm cả muối ăn và mì chính) trong khẩu phần ăn nên vừa phải, nếu cao sẽ làm tăng bài xuất canxi, giảm hấp thu canxi.

- Đảm bảo tỉ lệ giữa canxi và photpho cân đối, tốt nhất là canxi/photpho =1,5-2.

- Chế độ ăn có một lượng chất béo thích hợp để giúp hấp thu vitamin D giúp điều hoà tốt quá trình chuyển hoá và hấp thu canxi.

- Hoạt động thể lực điều độ, không uống rượu nhiều, duy trì cân nặng nên có.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên