28/09/2012 08:13 GMT+7

Cần chính sách sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của kiều bào

MAI HƯƠNG - BÁ SƠN
MAI HƯƠNG - BÁ SƠN

TT - Hội nghị “Người VN ở nước ngoài” lần thứ 2 đã khai mạc ngày 27-9 tại TP.HCM với sự tham dự của 750 kiều bào đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

zvSmFPLO.jpgPhóng to
Ông Lê Hồng Anh (thứ ba từ phải) - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - gặp gỡ các đại biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Vũ

Trong các hội nghị chuyên đề diễn ra sau phiên khai mạc, các đại biểu đã bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết.

Đánh giá toàn diện tình hình kiều bào

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - trưởng Ban chỉ đạo hội nghị người VN ở nước ngoài lần thứ 2 - nhấn mạnh: Với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người VN ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, hội nghị sẽ là diễn đàn rộng mở để trao đổi, thu thập ý kiến nhằm đánh giá toàn diện về tình hình cộng đồng người VN ở nước ngoài cũng như về hiệu quả thực chất của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người VN ở nước ngoài để từ đó tìm ra giải pháp thiết thực hơn trong việc xây dựng, củng cố và đẩy mạnh công tác quan trọng này của Đảng và Nhà nước.

Cách mời gọi: chưa ổn

Gần 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, VN hôm nay vẫn còn đặt những câu hỏi và thảo luận về chuyện mời gọi trí thức kiều bào về nước - theo các đại biểu, đó là sự “trở bộ” khá chậm.

Giáo sư Hà Tôn Vinh - kiều bào Mỹ, trưởng bộ môn giáo dục và đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar - kể: “Nhớ khoảng những năm từ 1996-1998, Trung Quốc có chiến dịch mời gọi Hoa kiều về nước rất rầm rộ. Lúc đó, tôi vừa bước xuống sân bay ở Trung Quốc lập tức có người đến hỏi: Anh có phải Hoa kiều không? Tôi bảo không. Họ vẫn cố hỏi liệu bố mẹ, ông nội, thậm chí ông cố của tôi có phải Hoa kiều hay không. Chỉ cần người có chút “gốc gác” Hoa kiều lập tức sẽ có bộ phận đến tận khách sạn trò chuyện, vận động, mời gọi về làm việc ở Trung Quốc với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Cách làm của họ tạo cho mình cảm giác mình được trọng thị, mình thật sự trở thành một VIP”.

Ông Vinh thẳng thắn: “Trong khi đó, VN cũng kêu gọi qua mấy kỳ đại hội rồi mà vẫn... như thế! Nói thật, nhắm mắt lại tôi cũng hình dung được trong đại hội người ta sẽ nói những câu gì. VN mình thành ý thì có nhưng thật sự cách làm chưa ổn”.

Theo thống kê, hiện có gần 400.000 chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ từ ĐH trở lên. Trong hầu hết lĩnh vực mũi nhọn, các dự án công nghệ cao, điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học, hàng không vũ trụ, hải dương học... đều có chuyên gia người VN làm việc. Ở Thung lũng Silicon của Mỹ, hiện có khoảng 10.000 người Việt đang làm việc. Thế nhưng ông Trần Tuấn Dũng - phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài - nhận xét đóng góp của trí thức kiều bào với đất nước vẫn còn rất hạn chế. Hầu hết chuyên gia, trí thức trở về nước đóng góp đều thuộc thế hệ thứ nhất (người già) và trở về chủ yếu làm việc cho cơ quan nhà nước.

xGx3UHT6.jpgPhóng to

Các đại biểu trẻ người Việt ở nước ngoài gặp gỡ, trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: T.T.D.

Thủ tục hành chính phải thông thoáng hơn nữa

Ông Alan Phan - Việt kiều Mỹ, chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa - cho rằng VN cần có chính sách để sử dụng những nguồn lực đầu tư từ nước ngoài đổ về một cách hiệu quả. Dẫn ra trường hợp Tập đoàn Intel muốn tuyển 180 nhân viên khi đầu tư một nhà máy tại TP.HCM nhưng không tìm được người thích hợp nên phải tuyển người từ các quốc gia khác, ông Alan Phan cho rằng giáo dục của VN đang “có vấn đề”.

Theo ông Alan Phan, VN cần thay đổi trong tư duy giáo dục để có được nguồn nhân lực biết sáng tạo và có trình độ, kỹ năng phù hợp với xu hướng phát triển của trình độ khoa học kỹ thuật thế giới. Với gần 90 triệu dân, trong đó phần lớn là người trẻ (60% dưới 30 tuổi) là nguồn “tài sản mềm” vô giá nếu VN biết khai thác. Mặt khác, VN cũng cần có chính sách để hướng nguồn vốn đầu tư của Việt kiều vào những lĩnh vực tạo thế mạnh cho quốc gia. Vì phần lớn nguồn vốn đầu tư vào trong nước từ khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2005 tới nay bị “đổ” vào bất động sản.

Ông Bùi Đình Dĩnh - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài - cho rằng muốn thành công, các nhà đầu tư Việt kiều phải có sự liên kết, hợp tác giúp đỡ nhau nhiều hơn nữa. Sau ba năm thành lập, Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài có hơn 200 hội viên là con số tuy không nhỏ, nhưng so với hàng ngàn doanh nghiệp của hơn 3,5 triệu kiều bào thì rõ ràng tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết.

Các doanh nhân kiều bào cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thông thoáng hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về trong nước. Ông Đào Quang Thu, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, thừa nhận chính sách thu hút đầu tư nói chung, chính sách đầu tư dành cho kiều bào nói riêng của VN còn hạn chế.

Một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới

Ông Đặng Trần Phong - phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài - dẫn ra những ví dụ cụ thể về sự đóng góp của kiều bào. Hiện nay, 51/63 tỉnh, TP có dự án đầu tư của kiều bào với 3.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn khoảng 8 tỉ USD. Lượng kiều hối gửi về nước cũng liên tục tăng qua các năm.

Năm 2011, lượng kiều hối đạt khoảng 9 tỉ USD, tương đương 7,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN, đưa VN trở thành một trong mười quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối đã đạt mức 6,3 tỉ USD.

MAI HƯƠNG - BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên