09/04/2017 10:50 GMT+7

Cấm thiết bị ghi hình lén: Khó có chứng cứ chống tiêu cực

THÀNH NGUYÊN
THÀNH NGUYÊN

TTO - Bộ Công an đã soạn thảo xong dự thảo lần 2 nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để chuẩn bị thi hành từ ngày 1-7-2017.

Đồng hồ ngụy trang ghi hình được rao bán trên mạng - Ảnh: T.T.D.
Đồng hồ ngụy trang ghi hình được rao bán trên mạng - Ảnh: T.T.D.

 

Quản lý kinh doanh là cần thiết

Có một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo này, đó là chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.

Bộ đã phát hiện vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của công ty để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật.

Ngoài công ty này, còn có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự...

Từ các thông tin trên, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) tán thành việc phải quy định rõ những cơ sở nào được kinh doanh các thiết bị chuyên dụng có yếu tố nhạy cảm.

“Việc ban hành nghị định trên nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động kinh doanh các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình, định vị bí mật. Theo đó, việc kinh doanh các sản phẩm trên bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được các cơ quan có thẩm quyền cấp đúng quy định.

Chính vì thế, tôi đồng ý với dự kiến của dự thảo là chỉ có những cơ sở được cấp phép mới được kinh doanh các sản phẩm đó. Gồm có cơ sở kinh doanh thuộc các bộ Công an, Quốc phòng và những cơ sở không thuộc hai bộ này nhưng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận” - luật sư Ly Tao nói.

Cần xem xét đến người làm nghề đặc thù

Tuy nhiên, luật sư Ly Tao nêu ý kiến băn khoăn: “Quy định về việc kinh doanh nhưng lại điều chỉnh cả đối tượng sử dụng thì có phải là sự mở rộng quá mức?

Nếu người dùng sử dụng các thiết bị đó cho mục đích chính đáng, không xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức nào nhằm để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, tránh bị cản trở, trả thù thì cấm đoán liệu có hợp lý?

Chẳng hạn, người dân có thiện ý ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật để cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét xử lý, hay nhà báo cần dùng để thu thập bằng chứng phục vụ việc điều tra, nếu cấm họ sử dụng thì có thể gây khó khăn cho hoạt động phòng chống tiêu cực, tội phạm”.

Luật sư Trần Đức Thông (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nghị định trên là cần thiết để Nhà nước có điều kiện quản lý tốt những sản phẩm có thể gây nguy cơ đe dọa an ninh, trật tự... Song ông lưu ý phải có sự xem xét đặc biệt đến những người làm nghề đặc thù như các nhà báo.

Theo luật sư Thông, tại điểm d khoản 2 điều 4 Luật báo chí, nhà báo có nhiệm vụ, quyền hạn đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Lâu nay thông qua việc bí mật điều tra để vạch trần các hành vi sai trái, mà nếu thực hiện công khai thì không thể nào thu thập được bằng chứng thuyết phục.

Tới đây, nếu không cho dùng những sản phẩm trên thì làm sao các nhà báo có thể thực hiện, hoàn thành các bài điều tra hết sức cần thiết cho xã hội?

“Thay vì chỉ cho các cơ quan chuyên trách sử dụng, pháp luật cần cho phép nhà báo sử dụng các sản phẩm trên với một số yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo sự chặt chẽ và cũng tránh được những lạm dụng, vi phạm pháp luật” - luật sư Thông kiến nghị.

Nhiều vụ sai phạm “động trời” trong lĩnh vực mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi môi giới hối lộ hoặc đưa, nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền… đã được các nhà báo phanh phui từ việc nhập vai, ghi âm, ghi hình bí mật. Qua các bài báo này, các cơ quan chức năng đã có thêm căn cứ vào cuộc xác minh, điều tra, giải quyết.

Thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình là gì?

Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

Phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là bất kỳ chương trình máy tính nào được tạo ra, giả dạng các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích, công cụ khác hoặc được lập trình, viết thêm các mã lệnh vào các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích hoặc phần mềm công cụ khác để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm, xác định vị trí của mục tiêu.

(trích dự thảo nghị định)

Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. 

(trích điều 4 dự thảo nghị định)

THÀNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên