03/04/2017 16:34 GMT+7

​Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở bệnh tim mạch

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Bệnh tim mạch là bệnh về những rối loạn ảnh hưởng đến tim và các mạch máu bao gồm bệnh mạch vành, mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Bệnh tim mạch có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, chính vì vậy cũng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ này sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tim mạch hiệu quả nhất.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

- Tuổi: Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quả. Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng theo tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh tim mạch (đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp) đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên chiếm 25,1% và theo dự báo của Hội Tim mạch học Quốc gia thì đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc các bệnh tim mạch và huyết áp.

- Giới tính: Kết quả nghiên cứu bệnh tim mạch cho thấy, trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, tỷ lệ nam giới bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ giới, nhưng đến tuổi mãn kinh thì tỷ lệ bệnh tim mạch ở nữ giới xấp xỉ nam giới.

- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn có ba mẹ hay anh chị em mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 65 tuổi), bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người bình thường.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

- Tăng huyết áp: Được xác định nếu con số huyết áp luôn vượt quá 140/90mmHg. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì huyết áp tăng thường không có triệu chứng gì và gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên… Bệnh tăng huyết áp được hình thành từ những thói quen không tốt như ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng (stress), lười vận động… Ăn mặn khiến khối lượng tuần hoàn gia tăng làm tăng áp lực lên các thành động mạch, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Hút thuốc lá làm viêm nội mạc mạch máu, xơ vữa mạch gây nhồi máu cơ tim. Thời gian nghỉ ngơi quá ít, làm việc quá căng thẳng… đều rất có hại cho sức khỏe, là nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.

- Rối loạn mỡ máu: xảy ra khi chế độ ăn uống có chứa quá nhiều cholesterol và chất béo (ví dụ như thịt, phô mai, kem, trứng, tôm, cua, sò, hến…), khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra quá nhiều cholesterol “xấu” (LDL-C) và chất béo trung tính (Triglyerides) có thể tích tụ trong động mạch. Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra tình trạng xơ vữa động mạch đến nỗi lòng động mạch bị thu hẹp và lưu lượng máu đến tim bị chậm lại hoặc bị chặn. Máu mang oxy đến tim, và nếu một lượng máu và oxy vừa đủ không thể tới tim thì có thể bị đau ngực. Nếu vì tắc nghẽn mà một phần nào đó trong trái tim hoàn toàn bị cắt đứt việc cung cấp máu thì kết quả là một cơn đau tim.

- Đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2 có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành và đột qụy cao hơn người bình thường. Bệnh cảnh kháng insulin trong máu có thể gây tăng huyết áp và tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.

- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn bệnh lý tăng huyết áp. Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen – một yếu tố làm đông máu, điều này khiến cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim. Những người hút thuốc lá thụ động (không trực tiếp hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá của người hút thuốc lá ở gần bên) cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không kém người hút thuốc lá chủ động.

- Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo phì càng nhiều thì khả năng xuất hiện các yếu tố tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Nhất là béo phì kèm theo béo bụng, vì béo phì ở bụng có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đó là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, giảm dung nạp đường và đái tháo đường.

- Ít hoặc không vận động: Khi vận động cơ thể tăng tiêu hao năng lượng, mọi cơ quan tăng cường hoạt động giúp thải trừ các chất độc hại ra ngoài, giúp kiểm soát mức cholesterol và lượng đường trong máu, đồng thời giúp huyết áp ổn định. Vận động làm tăng sức mạnh của cơ bắp, làm tim và mạch máu đàn hồi tốt hơn, dẻo dai hơn. Vì vậy người ít hoặc không vận động có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn so với người năng vận động, rèn luyện cơ thể.

- Bia, rượu: Nếu uống quá nhiều rượu (nhiều hơn 60ml rượu vang, 300ml bia, hoặc 30ml rượu nặng) mỗi ngày làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan và biến chứng thần kinh trung ương cũng như rất nhiều rối loạn khác, một vài trong số đó là các rối loạn về tim mạch.

Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch

Bệnh tim mạch như tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… xưa nay vẫn được coi là bệnh của người già, vì quá trình xơ vữa động mạch được diễn ra trong nhiều năm tháng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trẻ đã sớm “già hóa” trái tim (trừ những người mắc bệnh tim bẩm sinh) do ngồi nhiều, béo phì, ít vận động, nghiện bia rượu, hút thuốc lá. Vì vậy, để duy trì một trái tim mạnh khỏe hãy thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, dành mỗi ngày ít nhất 45 phút để luyện tập thể dục thể thao; học cách làm giảm căng thẳng, suy nghĩ lạc quan, vui vẻ; đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần đối với người có nguy cơ cao và 1 năm/lần đối với người bình thường để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có.

Chế độ ăn uống có lợi cho tim là: Giảm ăn đồ ăn chứa nhiều mỡ bão hòa và cholesterol, thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật như dầu oliu, dầu mè, dầu lạc làm tăng lượng cholesterol “tốt” (HDL-C) cho tim; hạn chế uống bia, rượu. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt (hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, đậu nành…) vì rau củ quả chứa chất làm giảm lượng chất béo mà cơ thể ăn vào. Hạn chế muối đưa vào cơ thể, cách đơn giản nhất là mỗi ngày nên giảm ít nhất 1 gram muối trong khẩu phần ăn của mình; nói không với thuốc lá nếu chưa hút, nếu hút thuốc thì hãy bỏ ngay, vì việc bỏ thuốc lá là một biện pháp được chứng minh rất hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Giảm cân nặng nếu thừa cân, tốt nhất nên giữ vòng bụng dưới 90cm đối với nam giới và dưới 75cm đối với nữ giới.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tim mạch phòng bệnh