06/02/2017 18:41 GMT+7

Các tập đoàn công nghệ Mỹ chống lại sắc lệnh nhập cư

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Sau một thời gian đắn đo, các tập đoàn công nghệ của Mỹ đã lên tiếng phản đối lại sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia vì cho rằng có hại cho hoạt động của họ.

Cô bé 12 tuổi Eman Ali (trái) cùng cô chị Salma Ali bật khóc khi gặp nhau tại sân bay San Francisco ở California, ngày 5-2. Cô bé Ali cùng cha đến từ Yemen đã từng bị chặn không cho vào Mỹ khi sắc lệnh có hiệu lực - Ảnh: Reuters
Cô bé 12 tuổi Eman Ali (trái) cùng cô chị Salma Ali bật khóc khi gặp nhau sau nhiều năm xa cách tại sân bay San Francisco ở California, ngày 5-2. Cô bé Eman Ali cùng cha đến từ Yemen đã từng bị chặn không cho vào Mỹ khi sắc lệnh có hiệu lực - Ảnh: Reuters

Tổng cộng 97 tập đoàn và công ty công nghệ ở Mỹ, trong đó có những tên tuổi sừng sỏ như Apple, Google, Microsoft... đã cùng ký vào lá đơn theo qui chế Amicus Curiae ủng hộ đơn kiện của hai bang Washington và Minnesota phản đối sắc lệnh hành pháp liên quan việc cấm nhập cảnh.

Theo AFP, lá đơn đã được nộp lên ngày 5-2 (giờ Mỹ).

Sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ký ban hành (có hiệu lực lập tức) hồi cuối tháng trước cấm người tị nạn và công dân đến từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo, nhập cảnh vào nước này trong một thời hạn qui định tạm thời.

Các công ty công nghệ của Mỹ quyết định lên tiếng chống lại sắc lệnh trên vì cho rằng nó ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của họ. 

Amicus Curiae là thuật ngữ chỉ những người ngoài cuộc không có lợi ích trực tiếp trong vụ tranh chấp nhưng tự nguyện tham gia vào quá trình tố tụng để giúp cơ quan tài phán tìm hiểu tốt hơn những vấn đề chứng cứ và pháp lý có liên quan. 

Theo những tập đoàn này, sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump trái với những nguyên tắc đảm bảo sự công bằng và khả năng dự báo chính xác về vấn đề nhập cư đã tồn tại ở Mỹ trong hơn 50 năm qua. Do vậy, nó có ảnh hưởng rất xấu đến công việc kinh doanh, việc đổi mới các sản phẩm và tăng trưởng của các công ty.

"Những người nhập cư là tác giả của những phát minh phát kiến quan trọng nhất của đất nước chúng ta và đã lập ra những doanh nghiệp mang tính biểu tượng và có sức sáng tạo nhất của đất nước chúng ta", lá đơn của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ nêu rõ.

Trích dẫn những con số thống kê cụ thể, các tập đoàn trên cho biết trong số 500 công ty công nghệ hàng đầu được tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn có tới hơn 200 công ty do những người nhập cư hoặc con cái họ thành lập.

Trong số gần 100 tập đoàn ở Mỹ ký vào đơn phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump còn có Facebook, Twitter, Intel, Levi Strauss, Chobani, eBay, Netflix và Uber. 

Cũng có nguồn tin cho rằng trước đó, nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ đã có viết thư cho Tổng thống Donald Trump để đề nghị ông xem lại sắc lệnh và tìm các biện pháp khác để bảo vệ cho an ninh nước Mỹ.

"Từ rất lâu rồi nước Mỹ đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc tự vệ chống lại những kẻ muốn tấn công chúng ta. Nhưng nước Mỹ luôn làm điều đó mà vẫn tôn trọng lời cam kết cơ bản là tiếp nhận người nhập cư nhờ vào các biện pháp kiểm soát tiên tiến đối với những người muốn đi vào đất nước chúng ta"

Trích đơn của các tập đoàn công nghệ Mỹ

Trước đó, vào sáng 5-2, tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác một phần của đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp về việc khôi phục ngay lập tức sắc lệnh của Tổng thống Trump cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân đến từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo. 

Theo phán quyết mới của tòa án này, đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đối với phán quyết ngày 3-2 của thẩm phán tòa án liên bang ở thành phố Seattle ngăn chặn sắc lệnh trên, đã bị bác bỏ và Bộ Tư pháp Mỹ phải có ý kiến phản hồi trong ngày 6-2.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố sẽ tìm mọi cách để "đảo ngược" quyết định của tòa án.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên