18/08/2016 13:16 GMT+7

Bút tích những người tù vô danh

UYÊN LY - QUỲNH TRUNG
UYÊN LY - QUỲNH TRUNG

TTO - Bên cạnh bức tranh số phận khá rõ nét của cựu tù Trần Tử Yến, còn có những người cựu tù khác mà những gì chúng tôi biết về họ chỉ thấp thoáng trong những lá thư hay những văn bản thu thập được còn lưu trữ tại Pháp.

Cuốn sổ nhỏ xíu chép truyện, thơ Việt Nam của người tù Lê Đình Ái
Cuốn sổ nhỏ xíu chép truyện, thơ Việt Nam của người tù Lê Đình Ái

Tuy là không trọn vẹn thông tin, những văn bản đó cho thấy phần nào đời sống tâm tư, tình cảm và sinh hoạt chính trị của người tù Việt Nam tại Guyane.

Bên cạnh tài liệu dạng văn bản, Pierre còn chia sẻ với chúng tôi một bộ ảnh quý giá của một bác sĩ chụp lại cảnh sinh hoạt tại những trại tù ở Guyane trong những năm 1930.

Chúng tôi hầu như không được biết gì về bác sĩ này và lý do ông có mặt tại Guyane, chỉ biết rằng ông tên là Dupuis. Hiện nay bản quyền của bộ ảnh thuộc về con gái ông, bà Josiane Dupuis.

Văn thơ trong tù - những thông điệp “ẩn giấu”

Trong số các tư liệu của Pierre Michelon, có rất nhiều bài văn, thơ được tù nhân chép lại bằng tay. Có một tập giấy do một tù nhân Việt Nam viết tay bằng mực xanh ghi là tiểu thuyết Người lái buôn thành Venice.

Câu chuyện dựa trên vở kịch Người lái buôn thành Venice của đại văn hào Shakespeare.

Trong trí nhớ và trí tưởng tượng của tù nhân Việt, vở kịch của Shakespeare được chuyển thành một tiểu thuyết pha trộn với truyện thơ, kết hợp với các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.

Trong lời tựa, tác giả viết: “Ở góc biển co hẹp. Không biết lấy chi giải trí cho anh em đồng bào, nên tôi lấy tài liệu hèn mọn chép cuốn tiểu thuyết thuộc lòng, đặng anh em xem đỡ buồn, vì ở nơi này, ít người An Nam ta biết lấy ai trò chuyện cho vui, vậy anh em xem cuốn tiểu thuyết này cũng như một người bạn ngồi gần anh em trò chuyện...”.

Một tài liệu tuyên truyền cách mạng trong nhà tù ở Guyane
Một tài liệu tuyên truyền cách mạng trong nhà tù ở Guyane

Ở cuối bản chép tay này, người tù dành ra vài trang bình luận, thoạt đầu về nhân vật phản diện trong truyện tên là lão Tài Lộc, rồi nhân đó bộc lộ sự tức giận của bản thân về một số cá nhân người An Nam mà người tù gọi là “lũ chó săn, chim mồi” muốn lập công nên đã tấn công nhỏ nhen ngay cả chính những người anh em cùng nòi giống.

Những trang viết này giống như một thông điệp cảnh báo về hành vi xấu của một số người tù để cho những người khác được biết.

Còn rất nhiều những bản văn thơ chép tay nữa, trong đó có người tù Lê Đình Ái thật đáng nể phục vì đã chép tay bằng mực tím trên những cuốn sổ nhỏ xíu (chỉ bằng lòng bàn tay) truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Có lẽ do thiếu bút, thiếu mực nên người viết có lúc chuyển sang mực xanh, rồi có lúc viết bằng bút chì. Và ở đoạn cuối bản chép tay Truyện Kiều lại có bài thơ kêu gọi yêu nước, đoàn kết, đứng lên chống cường quyền:

Nước nhục biết chưa? Nước nhục biết chưa?

Mưu toan cường thịnh phải chừa nghi nhau

Già đi trước, trẻ đi sau

Nếu nhân bè đảng còn đâu là đoàn

Cái mầm duyệt chủng chẳng toan liệu gì

Tỉnh dậy đi, tỉnh dậy đi

Đông Tây đã thức ta lì ngủ sao?

Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!

Yêu nhau phải tìm làm sao bây giờ

Lam Sơn phảng phất truyện xưa,

Tây - Hồ chốn cũ ngọn cờ Trưng Vương

Kìa như Nguyễn Huệ, Lý Thường (Kiệt)

Xuất binh ngoại Quảng ai nhường tài ai

Bạch Đằng Hưng Đạo dương oai,

Gặp khi quốc biến nào ai tiếp mình

Muốn độc lập, phải hi sinh

Làm người ai cũng tử sinh một lần.

Và, có những bản chép tay các tác phẩm văn thơ khác như Vọng cổ Hoài Lang đến những bài thơ yêu nước của các tác giả Việt Nam, có cả trích đoạn vở ca kịch chép tay bằng chữ Nôm ca ngợi chữ trung và chữ hiếu.

Một người tù vô danh có bài thơ Sàn lim oán, thể hiện tâm trạng u uất của người tù trong đó có đoạn:

Ngoài song sắt mưa dầu gió dập

Trong xà lim ruột thắt lòng đau

Những tài liệu khác

Bên cạnh các bài văn thơ chép tay, còn có nhiều văn bản khác, như các tài liệu tuyên truyền, vận động: lời kêu gọi gia nhập Đảng Việt Nam độc lập trụ sở đặt tại Paris, một bản đặc san Trung Sơn phản Nhật (Trung Hoa Dân quốc thứ 20 ngày 25 tháng 10 năm 1931), tài liệu về dân quyền và nữ quyền...

Những thư từ trao đổi giữa tù nhân cũng có nội dung khá đa dạng. Bên cạnh những lá thư trao đổi giữa Trần Tử Yến (Pax) và người bạn Pháp Gaston Renard về quan điểm cách mạng và việc liên lạc trong tù mà chúng tôi nêu trong kỳ trước, còn có những lá thư của những tù nhân (có tên và không rõ tên) gửi về nhà hỏi thăm gia đình, bộc lộ sự đau khổ khi không được báo hiếu cha mẹ từ Guyane năm 1931.

Thư khác của một người tù xưng là Trần Đính, địa chỉ ở Làng Hói, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Trạch, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Trung kỳ, viết từ trong bệnh viện tại Guyane năm 1931 gửi cho một người bạn hỏi vay tiền mua mấy cân thuốc lá để đem đến trại giam nơi khỉ ho cò gáy mà người tù sắp bị chuyển tới, trong thư đề rõ địa chỉ nhà mình (làng, xã, huyện, tỉnh), tên mẹ, tên hai người vợ và hai con trai để sau này có điều kiện sẽ nhờ người nhà gửi tiền sang trả nợ số tiền thuốc lá.

Lá thư thậm chí còn được dịch sang tiếng Pháp vì mục đích tình báo. Rồi có một bức thư chữ Nôm gửi lời hỏi thăm anh em trong tù của một người tên là Tơ.

Hồ sơ mang tên người tù Bùi Hữu Diên - nhà hoạt động cách mạng thời kỳ đầu của Đảng ở Thái Bình là một cuốn sách văn học Pháp có tên La Disparition de Mona của nhà văn Georges Montignac bị đánh dấu và chú thích bởi tình báo.

Những phần bị đánh dấu là những địa chỉ viết tay của một số tổ chức tại Paris được đặt rải rác trong một số chương sách, trong đó có tổ chức gọi là Cứu tế Đỏ quốc tế. Ở trang cuối sách có ghi tên và số hiệu năm người tù Việt Nam bị giam ở trại Forestière.

Những người tù đội nón lá

Một cảnh sinh hoạt văn hóa - múa lân của tù nhân người Việt tại Guyane - Ảnh của bác sĩ Dupuis
Một cảnh sinh hoạt văn hóa - múa lân của tù nhân người Việt tại Guyane - Ảnh của bác sĩ Dupuis

Như đã nêu ở đầu bài báo, thông tin có được về bác sĩ Dupuis rất ít, nhưng những tấm ảnh mà ông để lại thì thật là giá trị. Nhà nghiên cứu Pierre Michelon chia sẻ với chúng tôi bản sao của 96 bức ảnh đen trắng cỡ nhỏ, trong đó đa số ghi lại cảnh lao động của tù nhân, khung cảnh các trại tù và cả sinh hoạt văn hóa.

Nhờ có những tấm ảnh, chúng tôi nhận thấy người tù ở Guyane vẫn duy trì truyền thống của người Việt như múa lân ngày tết trong trang phục truyền thống. Và những bức ảnh khác chụp toàn cảnh cho thấy tù nhân Việt Nam đội nón lá, lao động trong khung cảnh hoang sơ.

Bên cạnh là bức ảnh của bác sĩ Dupuis chụp từ trại tù khoảng năm 1930.

-------------

Kỳ cuối: Tình bạn đẹp của hai người tù

UYÊN LY - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên