25/09/2016 09:56 GMT+7

BS Ong Kian Soon: Bị đánh, trẻ phản ứng khó đoán lắm

NGỌC ĐÔNG ghi
NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Là một bác sĩ, tôi từng thấy vài vụ trẻ em bị ba mẹ và người thân đánh đập dã man. Theo tôi, đánh đập trẻ em có thể gây tổn thương nặng nề cho các em.

Sau vụ em N.Đ.T. (học sinh lớp 4 ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa đến công an xã và bị đánh bầm đôi chân vì nghi em lấy điện thoại của cô giáo (Tuổi Trẻ ngày 18-9), nhà trường và công an xã đã đến xin lỗi gia đình em. Công an viên thừa nhận đã đánh em T. cũng gửi gia đình em một ít tiền để lo tiền thuốc, bồi bổ cho em. Nhà trường nơi em T. học cho biết thầy giáo tổng phụ trách Đội - người đã gọi công an đến và đưa em T. ra trụ sở công an - đã bị nhà trường kiểm điểm, nhắc nhở trước hội đồng nhà trường - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sau vụ em N.Đ.T. (học sinh lớp 4 ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa đến công an xã và bị đánh bầm đôi chân vì nghi em lấy điện thoại của cô giáo (Tuổi Trẻ ngày 18-9), nhà trường và công an xã đã đến xin lỗi gia đình em. Công an viên thừa nhận đã đánh em T. cũng gửi gia đình em một ít tiền để lo tiền thuốc, bồi bổ cho em. Nhà trường nơi em T. học cho biết thầy giáo tổng phụ trách Đội - người đã gọi công an đến và đưa em T. ra trụ sở công an - đã bị nhà trường kiểm điểm, nhắc nhở trước hội đồng nhà trường - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Câu chuyện một em bé lớp 4 ở Bà Rịa - Vũng Tàu được dẫn đến đồn công an và bị đánh bầm người do bị nghi lấy trộm điện thoại của cô giáo làm tôi nhớ lại trường hợp đau lòng ở Singapore, một cậu bé 14 tuổi đã tự sát sau khi bị cảnh sát thẩm vấn.

Phản ứng của trẻ không thể đoán được

Báo chí Singapore đưa tin hồi đầu năm nay, Benjamin Lim đã nhảy khỏi cửa sổ phòng mình từ tầng cao và qua đời. Trước đó, em bị cáo buộc lạm dụng tình dục một nữ sinh 11 tuổi và phải trải qua nhiều đợt tra hỏi với thầy cô và cảnh sát, trong đó có một lần thẩm vấn công khai tại sở cảnh sát.

Buổi chiều trước khi Benjamin mất, mẹ Benjamin thông báo nhà trường không cho em tham gia hội trại sau khi bà nhận được điện thoại từ nhà trường. Khoảng 20 phút sau, Benjamin được thông báo là đã chết.

Câu chuyện trên làm dậy sóng ở Singapore và cho thấy tầm quan trọng của việc xử lý trẻ vị thành niên bằng lòng nhân ái và sự thấu hiểu. Sự thiếu tế nhị có thể cướp mất cả một mạng người.

Do vậy, trong trường hợp trẻ vị thành niên bị cáo buộc một tội nhẹ nào đó như trường hợp của cậu bé bị nghi trộm điện thoại, có hai điều quan trọng cần được bàn đến.

Đầu tiên là cách xử lý của người có thẩm quyền (như giáo viên, người thi hành luật...).

Thật khó để dự đoán được cậu bé trong câu chuyện sẽ tổn thương như thế nào. Tâm lý trẻ em rất khác so với người lớn, do vậy các em cần được đối xử tế nhị và cảm thông hơn. Thêm vào đó, tâm lý trẻ vốn cũng khó đoán hơn. Do tuổi còn nhỏ, các em ít có khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng và có thể phản ứng một cách không thể đoán được.

Việc xử lý người chưa thành niên/trẻ em bị cáo buộc với tội gì đó luôn là một vấn đề rất khó khăn. Tuy nhiên, ít nhất trẻ vị thành niên/trẻ em phải luôn luôn được người lớn đi kèm. Cha mẹ, người giám hộ, nhân viên xã hội và tư vấn viên của nhà trường đều có thể thực hiện vai trò quan trọng này, miễn là một người được đứa trẻ tin cậy.

Tốt hơn hết là nên có nhân viên tư vấn được đào tạo về luật pháp và tâm lý trẻ để có thể giúp trẻ trong trường hợp bị cảnh sát thẩm vấn. Các nhân viên tư vấn sẽ ở đó để đảm bảo các em không bị hiểu lầm và cũng giúp đứa trẻ hiểu được quá trình điều tra.

Bác sĩ Ong Kian Soon - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Ong Kian Soon - Ảnh: NVCC
Bị người lớn tra hỏi vốn dĩ là một tình huống đáng sợ với các em rồi, huống gì đánh đập. Nếu việc tra hỏi đó chỉ mang tính thủ tục thì cũng sẽ tác động rất xấu đến sức khỏe tinh thần các em

Đòn roi không dạy dỗ được gì

Việc thứ hai cần bàn là biện pháp trừng phạt thân thể trẻ em (ví dụ như đánh đòn). Các nghiên cứu gần đây cho thấy đòn roi không phải là cách giáo dục trẻ em và có thể phản tác dụng.

Trừng phạt thân thể không dạy cho trẻ thấy được hành vi của các em là sai. Thay vì giúp trẻ phát triển đạo đức và cư xử đúng đắn, các loại hình phạt thân thể chỉ khiến các em trở nên ranh mãnh hơn, tập cho các em thói quen cố gắng tránh bị phát hiện và bị đòn khi làm sai.

Đứa trẻ sẽ nhận ra rằng chúng bị phạt không phải do làm điều gì sai, mà là vì bị phát hiện khi làm việc đó. Rõ ràng điều này là không tốt cho việc giáo dục đạo đức một đứa trẻ.

Tôi tin rằng người lớn phải giáo dục các em thay vì sử dụng đòn roi. Trẻ em sẽ hiểu nếu bạn kiên nhẫn dạy dỗ và giải thích cho chúng biết đâu là lẽ phải và cái gì là sai trái. Giải thích chính là chìa khóa của sự dạy dỗ.

Ở nước tôi, các thế hệ trước cũng nghĩ rằng trừng phạt thân thể là chuyện bình thường và là hình phạt có thể chấp nhận được đối với trẻ em. Tôi nhớ hồi còn đi học, chuyện bị phạt đòn công khai vẫn diễn ra ở trường. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi, những hình phạt như vậy là rất hiếm và không được tán thành.

ONG KIAN SOON (bác sĩ, người Singapore)

Thầy giáo Stivi Cooke - Ảnh: NVCC
Thầy giáo Stivi Cooke - Ảnh: NVCC

Tác động hằn sâu cả đời

Bị giáo viên tra hỏi, bị dẫn đến đồn công an, bị thẩm vấn, bị đánh có thể để lại tác động hằn sâu cả đời đối với một đứa trẻ. Chúng có thể sẽ thu mình lại, nhút nhát và mất niềm tin với người lớn.

Ngoài ra, chuyện này có thể dạy trẻ rằng bạo lực là chuyện bình thường và sau này chúng có thể dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của mình. Một mối nguy tiềm ẩn khác là chúng có thể hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ được đối xử công bằng, do vậy sẽ có xu hướng cư xử tiêu cực hơn trong tương lai.

Ở Úc, luật pháp quy định cha mẹ phải được biết bất cứ chuyện gì nghiêm trọng liên quan đến con mình tại trường, trước khi cơ quan chức năng làm bất cứ điều gì. Trẻ em cũng có quyền được có người bảo hộ hay người đại diện trong suốt quá trình xét hỏi của cảnh sát nếu cha mẹ không thể đến. Những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ có luật sư tham dự và bảo vệ các em.

STIVI COOKE (giáo viên người Úc)

NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên