25/10/2006 01:06 GMT+7

Bội chi trong tình trạng tham nhũng, lãng phí

V.H.QUỲNH - X.TOÀN
V.H.QUỲNH - X.TOÀN

TT - Ngày 24-10, Quốc hội (QH) tập trung thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách năm 2006. Nhiều đại biểu cho rằng tình trạng lãng phí, đầu tư không hiệu quả đang là vấn đề bức xúc. ĐB Phạm Chuyên (đoàn Hà Nội) khẳng định "Lãng phí, tham nhũng thể hiện cả trong việc bố trí ngân sách".

LVXt72hb.jpgPhóng to

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN MINH THUYẾT: "Nếu cứ cư xử với ngân sách nhà nước như một con bò sữa, ai cũng muốn "vắt" một tí thì khó mà phát triển được"

Chi rất... vô tư

Theo đại biểu (ĐB) Phạm Chuyên, các kỳ họp của QH gần đây đều đưa ra nghị quyết mức bội chi 5%, nếu chúng ta đặt tình trạng lãng phí và tham nhũng trong vấn đề ngân sách thì có lẽ phải điều chỉnh mức bội chi. Ông đề nghị Chính phủ phải giải trình hoặc có biện pháp khắc phục.

“Nguyện vọng của dân là Chính phủ tăng thu giảm chi” - ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lên tiếng. Ông Thuyết lấy dẫn chứng con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) chỉ một đoạn ngắn khoảng 1km đã chi hết 800 tỉ đồng, “còn hơn cả đầu tư xây dựng... tàu điện ngầm”. Theo ông, trong thực tế còn có nhiều con đường chi nhiều như thế, “tiền ngân sách nhà nước nên chi rất... vô tư !

Nếu tính toán bằng phương án khác thì có thể giảm chi, thậm chí còn tăng thu”. Chưa hết bức xúc, ông Thuyết ví von: “Nếu cứ cư xử với ngân sách nhà nước như một con bò sữa, ai cũng muốn “vắt” một tí thì khó mà phát triển được”.

ĐB Tào Hữu Phùng (Hà Tây) dẫn chứng: vừa qua có địa phương xây dựng một bệnh viện 20 tỉ đồng, 50 giường bệnh nhưng thiếu thiết bị, thiếu y bác sĩ nên hai năm nay không có người đến khám. Hay xây dựng một nhà máy chế biến rau quả 3 tỉ đồng nhưng không có nguyên liệu, nên nhà máy này thành nơi bán xe máy, đấy là điều rất đau xót về đầu tư. “Tôi nghĩ đang có tình trạng chưa chấp hành nghiêm qui định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đặc biệt công tác xã hội hóa một số khoản cho ngân sách còn tiến hành chậm” - ông Phùng lưu ý.

Phải giảm thu từ khai thác tài nguyên

“Nguồn thu ngân sách nhà nước của đất nước ta còn thiếu ổn định và chưa bền vững” - ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) đã thẳng thắn nhìn nhận như vậy khi đề cập nguồn thu ngân sách năm 2007. Theo ông Toàn, nguyên nhân là do nguồn thu từ sản xuất kinh doanh còn chiếm tỉ lệ thấp (chỉ chiếm 43% so với tổng thu ngân sách nhà nước); trong khi đó, các nguồn thu từ khai thác tài nguyên như dầu thô, bán đất đai và xổ số kiến thiết là những nguồn thu thiếu ổn định, lại chiếm tỉ trọng cao. ĐB Toàn dẫn chứng: vượt thu ngân sách nhà nước trong năm chủ yếu là nhờ giá dầu thô tăng 14.000 tỉ trên 20.000 tỉ vượt thu, chiếm 67,6% tổng số vượt thu ngân sách nhà nước trong năm. Vì vậy, sắp tới Chính phủ cần sớm có lộ trình giảm dần tỉ lệ thu từ khai thác tài nguyên nhằm nâng cao tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia.

Về mức phân bổ ngân sách trong năm 2007, ĐB Huỳnh Thành Lập (phó chủ tịch HĐND TP.HCM) cho rằng vẫn còn nhiều điều “lấn cấn” khi đặt mức thu cho thành phố rất cao trong năm 2007, nhưng tỉ lệ điều tiết lại cho địa phương giảm từ 29% xuống còn 26%, từ đó dẫn đến mức chi ngân sách thành phố năm 2007 là 15.065 tỉ đồng (so với năm 2006 chỉ tăng chi 1,63%). “Khi tiếp xúc cử tri ở đâu cũng than phiền thành phố nước ngập, kẹt xe, cơ sở hạ tầng xuống cấp, bệnh viện quá tải... vì vậy với mức dự toán như trên sẽ không đảm bảo để thành phố đầu tư phát triển, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm nhằm tạo cú “hích” cho thành phố” - ông Lập lo lắng.

dcNrSkmN.jpgPhóng to
ĐB PHẠM CHUYÊN (đoàn Hà Nội): “Lãng phí hiện nay đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực: lãng phí về tài nguyên, lãng phí về tài sản công, lãng phí trong sử dụng nguồn lực con người... Và sự lãng phí, tham nhũng thể hiện cả trong việc bố trí ngân sách, đó là bội chi ngân sách nhà nước. Cần phải đưa mức bội chi vào liên hệ với vấn đề lãng phí và tham nhũng để đánh giá cho đúng bội chi ngân sách”.

Tranh luận tại nghị trường: Ngân sách có bị đảo lộn vì giá dầu thô?

* ĐB TÀO HỮU PHÙNG (Hà Tây): Tôi đề nghị năm 2007, sản lượng khai thác dầu thô là 18 triệu tấn, với mức giá 62 USD/thùng, mức này phải được ghi vào cân đối ngân sách và phân bổ theo số này. Trường hợp dự toán thu dầu thô có mức giá tính vào 65 USD/thùng, số tăng thêm sẽ khoảng 6.000 tỉ, đề nghị Quốc hội không phân bổ cho bất kỳ một nhiệm vụ chi nào, đưa hết vào dự phòng, khi nào thu được thì Quốc hội phân bổ sau. Dự phòng hiện nay của chúng ta rất “hẻo” chỉ có 2,6%. Cho nên tôi đề nghị với Quốc hội quyết định phương án này.

hModU4dK.jpgPhóng to 7SfRsxyf.jpg
ĐB Tào Hữu Phùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

* Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH: ĐB lo lắng cho rằng nếu giá dầu thô dưới 62 USD/thùng hoặc thấp hơn nữa thì liệu có đảm bảo cân đối ngân sách? Chúng tôi xin nêu ra một loạt các phương án để đảm bảo ngân sách không bị đảo lộn lớn. Cụ thể: nếu như 62-63 USD/thùng thì thuế nhập khẩu là 5%; giá 61-62 USD/thùng áp dụng thuế nhập khẩu là 10%; giá 59-60 USD/thùng áp dụng 15%; giá 57-58 USD/thùng áp dụng 20%.

Nếu giá dầu 58-63 USD/thùng thì không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách năm 2007 về mặt tổng thể. Nghĩa là thu về mặt dầu thô sẽ giảm xuống còn nguồn thu về nhập khẩu xăng sẽ tăng lên. Với mặt bằng giá xăng như hiện nay chưa có điều chỉnh, nếu giá dầu 58-59 USD/thùng thì chúng ta phải bù lỗ thuế nhập khẩu. Nếu giá dầu dưới 60 USD/thùng, chúng ta sẽ tăng được thuế nhập khẩu xăng, như vậy tổng ngân sách năm 2007 sẽ không bị đảo lộn.

V.H.QUỲNH - X.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên