11/04/2016 08:03 GMT+7

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến châu Á

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu chuyến công du châu Á từ ngày 10-4, với điểm dừng chân nổi bật là căn cứ quân sự ở Philippines nằm sát khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati thuộc Manila, Philippines ngày 9-4 - Ảnh: Reuters
Biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati thuộc Manila, Philippines ngày 9-4 - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi muốn mọi người hiểu tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh của Mỹ. Tôi hi vọng Trung Quốc sẽ coi đây là sự thể hiện cam kết của chúng tôi với Philippines và sự ổn định, an ninh của khu vực. Nếu Trung Quốc muốn rút ra thông điệp nào khác, hãy đi hỏi họ

Một quan chức Mỹ bình luận

Tại Ấn Độ, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tranh thủ kêu gọi sự chú ý của New Delhi đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định New Delhi là một thành tố có sức mạnh và ảnh hưởng lớn tại khu vực.

Ông Carter gọi chính sách tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và chương trình “Hành động hướng Đông” sang châu Á của Ấn Độ là “cú bắt tay chiến lược”, theo Press Trust of India ngày 10-4. Đồng thời cho rằng sức ảnh hưởng của New Delhi hiện trải rộng khắp Đông Nam Á, đến tận Đông Á với mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản.

Ngoài việc thảo luận với Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Manohar Parrikar về hợp tác trong lĩnh vực sản xuất máy bay chiến đấu, ông Carter cũng sẽ lên thăm một trong hai chiếc hàng không mẫu hạm của Ấn Độ là Vikramaditya.

Ông Carter sẽ lưu lại Ấn Độ đến ngày 13-4 trước khi lên đường đến Philippines.

Thăm Biển Đông

Trước khi đặt chân lên máy bay đến châu Á, ông Carter thông báo việc Mỹ bắt đầu giải ngân quỹ Sáng kiến an ninh hàng hải (MSI) trị giá 425 triệu USD nhằm giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á củng cố năng lực hàng hải.

“Chúng tôi đã giải ngân khoản tiền đầu tiên, trong đó 80% dành cho Philippines. Nó sẽ giúp hiện đại hóa kỹ thuật và đào tạo đội ngũ của Trung tâm Giám sát quốc gia Philippines, củng cố mạng thông tin để cho phép chia sẻ thông tin mật giữa Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii và các trung tâm chỉ huy hàng hải chủ chốt của Philippines, hỗ trợ nền tảng giám sát bằng khinh khí cầu, trang bị cho tàu tuần tra hải quân Philippines các cảm biến mới” - ông Carter tuyên bố.

Trong số 49,7 triệu USD được giải ngân, ngoài khoản lớn nhất dành cho Philippines, Việt Nam và Indonesia nhận 2 triệu USD, còn Malaysia nhận 3 triệu USD.

Tại Philippines, ngoài việc thăm cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines, ông Carter cũng sẽ thăm hai trong số năm căn cứ mà Washington vừa được phép tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) là căn cứ Fort Magsaysay và căn cứ không quân Antonio Bautista, vị trí chiến lược nằm đối diện khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

“EDCA và MSI sẽ đưa quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines lên tầm cao mới chưa từng thấy trong hàng thập kỷ qua” - ông Carter hoan hỉ nhận định.

CNN dẫn lời giới quan chức quân sự cấp cao Mỹ khẳng định chuyến thăm Biển Đông của ông Carter sẽ thể hiện cam kết “nắm đấm thép” của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh.

Bên cạnh hỗ trợ quân sự, bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng hối thúc chính phủ sớm thông qua Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay để củng cố lợi thế của Washington tại khu vực.

“TPP có tầm quan trọng chiến lược đối với việc tái cân bằng không kém gì hàng không mẫu hạm. Nó sẽ siết Mỹ lại gần hơn với 11 nền kinh tế còn lại” - ông Carter nói với Hội đồng các vấn đề đối ngoại Mỹ trước khi lên đường đi châu Á.

Ông cho biết dù Trung Quốc có vai trò lớn trong tiến trình kinh tế tại khu vực, nhưng các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng.

Điểm nóng Scarborough

Giới phân tích quân sự nhận định bãi Scarborough sẽ là điểm nóng trong cuộc so kè giữa Mỹ và Trung Quốc sắp tới.

Tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, từng nói với Hãng tin Reuters rằng Washington đang theo dõi việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tại bãi Scarborough và tờ Navy Times mới đây cũng khẳng định bãi cạn này là một vấn đề an ninh quan trọng đối với Mỹ, chứ không chỉ là chuyện tranh chấp lãnh thổ.

Các nhà quan sát nhận định Trung Quốc đã lường trước việc Philippines thắng kiện khi Tòa trọng tài thường trực The Hague ra phán quyết vào tháng 5 tới và sẽ hành động để bác bỏ phán quyết này.

Ngoài khả năng Bắc Kinh sẽ bao vây trở lại bãi Cỏ Mây, triển khai vũ khí ở Hoàng Sa hay lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông thì việc cải tạo bãi Scarborough cũng rất đáng lo ngại.

Bãi Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines 120 hải lý và cách hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa khoảng 250 hải lý. Việc cải tạo Scarborough sẽ giúp quân đội Trung Quốc mở rộng sự hiện diện khắp Biển Đông và chạm đến tận Philippines, đe dọa thỏa thuận EDCA vừa có hiệu lực.

“Quân sự hóa Scarborough sẽ trao (Trung Quốc) khả năng kiểm soát vịnh Subic, vịnh Manila, eo biển Luzon và theo dõi các thiết bị hàng không ra vào khu vực bắc Philippines. Các khẩu đội tên lửa và rađa tìm kiếm trên không của Trung Quốc sẽ đặt các lực lượng Mỹ tại Philippines vào khủng hoảng” - tờ Navy Times nhận định.

Trung Quốc chỉ trích Nhật

Hôm qua, Bắc Kinh tiếp tục chỉ trích việc nước chủ nhà Nhật Bản cố tình đưa vấn đề Biển Đông vào tâm điểm nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu từ ngày 10-4 và gọi đó là hành động “tự hạ thấp uy tín”.

Tân Hoa xã cho rằng nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe là “vô ích”. “Vì lợi ích quốc gia của chính mình, các thành viên G7 không nên để Nhật Bản cướp diễn đàn và dây vào các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, để phải trả giá bằng sự hợp tác có lợi với Trung Quốc” - hãng thông tấn của Trung Quốc lên giọng đe dọa.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định vấn đề Biển Đông rất “quan trọng đối với sự ổn định khu vực” và cần đưa lên bàn thảo luận.

“Chính sách của chúng tôi rất rõ. Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông” - ông Toner nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault trước thềm cuộc họp cũng lên tiếng về việc Trung Quốc phải ngừng việc phát triển các tiền đồn quân sự trên Biển Đông.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên