08/09/2020 09:09 GMT+7

'Trường xa quá, con đạp xe đi không nổi'

HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

TTO - Trường tiểu học Lam Sơn (ở ấp 5, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) có ba điểm trường là Đảo Cá, Đồi Trường và Suối Đục. Nơi đây có nhiều học sinh mới học xong lớp 5 đã phải nghỉ học vì trường cấp II quá xa.

Trường xa quá, con đạp xe đi không nổi - Ảnh 1.

Học sinh điểm trường Suối Đục của Trường tiểu học Lam Sơn. Nhiều em ở trường này học hết lớp 5 phải nghỉ vì trường cấp II quá xa - Ảnh: TRÚC DUY

Trường THCS Thanh Sơn và Tây Sơn trong xã cách từ 15-20km, không có nội trú hay bán trú để học sinh ở lại.

Nhiều hệ lụy

Lâu nay, học sinh đi học cấp II bằng xe đạp, xe đạp điện. Một số gia đình khá hơn cho con đi xe máy hoặc ở trọ. Nếu đưa đón các em đi học phải mất hơn hai giờ mỗi ngày. Có em gắng đi xe đạp nhưng đuối đi không nổi rồi cũng nghỉ. 

Chưa kể hệ lụy khác, các em còn nhỏ đi học ở trọ nhớ nhà, nhớ cha mẹ, tâm lý không ổn định. Tuổi 12 chưa thể tự chăm sóc mình về mọi mặt dễ bị lôi kéo sa ngã. Không ít em nam nghiện trò chơi điện tử, học sa sút được vài năm rồi nghỉ. 

Một số khác vì không có ai quản lý nên gây rối đánh nhau. Hiện tượng bị lạm dụng tình dục ở các em nữ cũng đã xảy ra, có em mới lớp 8 đã mang bầu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, một phụ huynh, kể: "Tôi có ba con đều học điểm Đồi Trường của Trường tiểu học Lam Sơn. Hai cháu học đến lớp 5 phải nghỉ học vì xa trường 20km. Còn một cháu học đến lớp 6 rồi cũng nghỉ vì gia đình không thể đưa đón, mà để tự đi thì xa quá, không an toàn".

Bà Lý, bán hàng tạp hóa trước cổng trường, cũng kể: "Con chúng tôi đi học xa. Một số gia đình không đủ điều kiện phải cho con nghỉ học. Cha xứ thấy chúng tôi cực quá mua một cái nhà cho mấy cháu ra ở chung. Phụ huynh chia nhau ra nấu cơm cho các cháu mỗi người nấu cơm một tuần. Nhưng tuổi các em quá hiếu động, lại ở thành nhóm, một người không quản nổi cuối cùng đành phải bỏ...".

Mong có trường cấp II

Theo bà Lý, các cháu ở đây muốn đi làm công ty cũng không được vì không có bằng cấp, phải làm thuê ở ngoài tới khuya lắm mới về! "Tội. Mong lắm có trường cấp II. Đường đi học không chỉ xa mà còn rất khó đi, tụi nhỏ bị té hoài. Để con đi một mình thì không yên tâm, nhưng đưa đón thì bỏ việc không ai làm".

Còn với bà Tiểu Hồng, một phụ huynh khác: "Đưa đón con đi học mỗi lượt như vậy hơn 1 tiếng, mỗi ngày phải mất hơn 2 tiếng quá bất tiện, cực lắm...".

Em Thanh Thủy, một học sinh cấp II học xa nhà, kể: "Những ngày đầu mới ở trọ ngoài kia con rất nhớ nhà. Sáng đi học con cũng khóc, buổi chiều con cũng khóc, tối con ngồi buồn không ăn, không uống". 

Còn với em Thủy Tiên, chuẩn bị lên lớp 6: "Con buồn lắm, con nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ em lắm". Tôi gặp một bé trai đến mua rau ở quán tạp hóa bà Lý. Nhìn gương mặt em rất sáng sủa, hiền lành, hỏi ra biết em tên Phú: "Con học tới lớp 5 là nghỉ".

Nét mặt của cậu bé thật xót xa. Vì sao con nghỉ học? - Vì trường xa quá, con yếu đạp xe không nổi. Tôi lại hỏi: Nếu có trường cấp II ở đây con có đi học không? - Dạ nếu có trường cấp II ở đây thì con đã không nghỉ học.

Cô Ngô Thị Thủy là giáo viên dạy ở điểm Suối Đục đã 20 năm. Cô Thủy cũng khẳng định việc học sinh từ lớp 6 nơi đây phải đi học xa nhà từ 15-20km là đúng với thực tế và cả những hệ lụy kèm theo.

Theo cô Thủy: "Nếu thầy cô ở ngoài kia vào đây dạy cấp II cũng rất khó khăn cho thầy cô. Vào đây xa mà chế độ ưu đãi cũng không có gì hơn so với các địa bàn khác trong xã".

* Ông Trần Quang Tú (chủ tịch UBND huyện Định Quán, Đồng Nai):

Địa bàn xã quá rộng

Thanh Sơn là xã vô cùng khó khăn của huyện. Để tạo điều kiện cho học sinh đến trường, từ năm 2016 huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Sở GD-ĐT cho đầu tư xây dựng Trường THCS - THPT Tây Sơn nằm ở địa bàn ấp 7, ấp 8 của xã Thanh Sơn. Tuy nhiên, do địa bàn xã quá rộng và ấp 5 lại nằm giáp ranh với xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu nên các phụ huynh ở ấp 5 đưa học sinh qua điểm Trường THCS -THPT Tây Sơn khá xa.

Chúng tôi biết một bộ phận phụ huynh học sinh ở ấp 5 trăn trở về việc này nhưng theo quy định hiện nay, mở thêm điểm trường cấp II-III rất khó. Huyện cũng từng nghĩ đến việc tận dụng cơ sở vật chất tại chỗ để rút ngắn thời gian đi lại của học sinh ở ấp 5 nhưng huyện còn khó khăn, lo nơi ăn chốn ở cho giáo viên... Do đó, những năm qua huyện đã phối hợp vận động huyện Vĩnh Cửu tạo điều kiện cho học sinh cấp II-III ở ấp 5 qua xã Phú Lý học cho gần hơn.

Đồng thời, UBND huyện cũng có chủ trương khuyến khích cơ sở ngoài công lập vào đầu tư nhưng vì đầu tư không có lợi nhuận nên không ai vào đầu tư. Cho nên, thời gian tới huyện tiếp tục có những kiến nghị thêm về việc đầu tư trường học ở xã này ra sao để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh ở đây.

H.MI

Học sinh Tăk Pổ đáng yêu, đeo khẩu trang trong lễ khai giảng Học sinh Tăk Pổ đáng yêu, đeo khẩu trang trong lễ khai giảng

TTO - Học sinh điểm trường Tăk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam mang khẩu trang nhưng vẫn đáng yêu, dễ thương trong lễ khai giảng, năm nay các em đón cô giáo mới.

HOÀNG THỊ THU HIỀN (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên