03/12/2011 09:46 GMT+7

Bỏ học và thất học

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Nói về con số hơn 1,2 triệu trẻ em không được đến trường do Tổng cục Thống kê đưa ra, lãnh đạo một vụ chức năng của Bộ GD-ĐT khẳng định thực tế không nhiều đến mức đó. Bộ GD-ĐT cũng dẫn ra những con số thống kê cho thấy những năm gần đây, số học sinh bỏ học hằng năm có giảm. Tuy nhiên, cũng chính con số do Bộ GD-ĐT thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 200.000 học sinh bỏ học.

Nếu chỉ xét về tỉ lệ so với tổng số học sinh, con số 200.000 học sinh bỏ học ấy sẽ là thành tích đẹp. Nhưng nếu làm một phép cộng đơn giản số học sinh bỏ học khoảng năm năm lại với nhau sẽ cho ra một kết quả khiến nhiều người phải giật mình. Tất nhiên trong năm năm đó, những học sinh bỏ học từ bậc tiểu học vẫn đang trong độ tuổi đi học. Nếu cộng thêm số trẻ trong cộng đồng chưa từng được đến trường, con số chắc chắn còn lớn hơn. Và như vậy, con số học sinh bỏ học hằng năm dù lớn vẫn chưa thấm vào đâu so với tổng số học sinh thất học thật sự trong cộng đồng.

Trước đó, vào những ngày đầu tháng 11-2011, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố bản báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển con người (HDI). Trong bản báo cáo này, Việt Nam được đánh giá là đạt tiến bộ về phát triển con người nhờ tăng trưởng kinh tế nhưng đang chậm tiến về y tế và giáo dục. Báo cáo chỉ ra chỉ có 40% trẻ em miền núi đi học mầm non, gần 60% nhóm hộ nghèo nhất nhập học trung học cơ sở, trong khi đến bậc đại học chỉ còn chưa đến 1%...

Báo cáo cũng cho thấy số năm đi học trung bình của người Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước. Trong 11 năm qua, số năm đến trường trung bình của người Việt Nam chỉ tăng một năm từ 4,5 lên 5,5 năm. Còn nhớ trong các báo cáo trước đây, chính chỉ số giáo dục đã kéo HDI của Việt Nam lên. Chẳng hạn, báo cáo HDI năm 2005 cho thấy giáo dục đạt 0,82 điểm, điểm cao nhất trong ba chỉ số (hai chỉ số còn lại là thu nhập và tuổi thọ).

Những con số thống kê, báo cáo đánh giá hết sức cụ thể này chính xác đến mức độ nào vẫn phải tính toán thêm. Nhưng rõ ràng đây là một hồi chuông báo động cho không chỉ ngành giáo dục. Những người có trách nhiệm cần nhìn nhận thực tế này chứ không chỉ nghe báo cáo về những tỉ lệ đẹp 1,4 hay 1,5% học sinh bỏ học và 99-100% xã hoàn thành phổ cập.

Các nguyên nhân khiến học sinh bỏ học đã được phân tích nhiều, những lý do ngăn cản trẻ em không đến trường cũng đã được chỉ ra. Bây giờ vấn đề là phải hành động. Các chuyên gia đã cảnh báo Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa cao và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, nếu không thể cải thiện các kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên