01/09/2016 11:28 GMT+7

Bình Tinh và hai người cha nuôi Kim Tử Long, Vũ Linh

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO - Kỳ 2: Độ gan lì của Bình Tinh với nghề đối nghịch hẳn với vóc dáng nhỏ bé của cô. Luôn thử thách và đặt ra những yêu cầu khó cho mình, Bình Tinh nói “Tôi cứ nhớ hoài lời ba Đức Lợi và mẹ Bạch Mai dạy mình, làm nghề phải có cái tâm sáng và một lòng vì khán giả..."

Bình Tinh và
Bình Tinh và "ba Linh", "ba Long" của mình - Ảnh: Dl Duy

 

Tri ân cha nuôi - NSƯT Kim Tử Long

Bình Tinh luôn nhắc đến những người cha nuôi của mình bằng sự yêu kính, rằng nếu không có họ, sẽ không có một Bình Tinh tự tin, bản lĩnh trên sân khấu ngày hôm nay.  Bình Tinh tâm sự nếu không có NSƯT Kim Tử Long bên cạnh, chắc cô chẳng thể có được vinh dự là quán quân Sao nối ngôi.

“Một ân tình quá lớn mà ba dành cho tôi. Ba bỏ hết công việc để cùng tôi lên ý tưởng, tập luyện, nâng đỡ tôi trên sân khấu và cả trong hậu trường. Ai gọi ba đi đâu, ba đều trả lời “để hỏi lịch Bình Tinh sao đã nghen” rồi mới dám nhận. Ba vừa thương vừa rất nghiêm khắc, không những thị phạm động tác, ba còn yêu cầu tôi tập đến khi nào được mới thôi.

Trong đêm chung kết Sao nối ngôi 2016, ba không xuất hiện trên sân khấu nhưng chính ba là người nghĩ ra ý tưởng và nhờ chị Tô Thiên Kiều viết kịch bản cho tôi, cây nạng do chính tay ba đặt, âm nhạc do chính tay ba chỉnh. Nhiều người còn đùa không biết Mai Ka (con gái ruột của NSƯT Kim Tử Long - PV) đi thi, ông Long có lo được cho nó như Bình Tinh không”, Bình Tinh xúc động kể.

NSƯT Kim Tử Long hỗ trợ Bình Tinh trong tiết mục Mặt trời đêm thế kỷ

Không chỉ có NSƯT Kim Tử Long, Bình Tinh còn có sự ủng hộ lớn từ ba nuôi là NSƯT Vũ Linh.

Dù không trực tiếp tham gia với Bình Tinh trong chương trình (vì NSƯT Vũ Linh là người trợ giúp cháu gái ruột Hồng Phượng - PV) nhưng NSƯT Vũ Linh vẫn quan tâm và động viên cô con gái nhỏ của mình theo cách riêng.

“Ba Linh nói “có ba Long bây là tao yên tâm rồi”. Những gì ba Linh dạy từ nào tới giờ, tôi cứ thế làm theo. Như vai Phi Giao, ba Linh chính là người phân tích cho tôi hiểu tâm lý nhân vật để tôi diễn một Phi Giao với nội tâm thật khác so với những phiên bản trước. Ơn của ba, dù không trực tiếp nói ra nhưng tôi vẫn khắc ghi trong lòng”, Bình Tinh chia sẻ.

"Ba Linh" và "ba Long" cũng chính là những người giúp đỡ Bình Tinh thực hiện hai liveshow Tạ tình tri ânKim-Vũ truyền nghề vào năm 2009. 

“Tôi chỉ mong được làm nghề”

Tiểu phẩm trong đêm chung kết được viết từ chính câu chuyện thật của Bình Tinh
Tiểu phẩm trong đêm chung kết Sao nối ngôi được viết từ chính câu chuyện thật của Bình Tinh

Độ gan lì của Bình Tinh với nghề đối nghịch hẳn với vóc dáng nhỏ bé của cô. Luôn thử thách và đặt ra những yêu cầu khó cho mình, Bình Tinh nói đó là cách cô muốn tạo sự công bằng bởi “tôi là người đi diễn đã lâu, có kinh nghiệm hơn các em cùng thi, tôi phải làm cái gì đó thật khó thì khi nhận điểm cao mới thấy không hổ thẹn với các em và ban giám khảo”.

Độ lì còn thể hiện ở chỗ cô sẵn sàng vay mượn để tiết mục được chỉnh chu nhất có thể, dù chẳng biết có thắng giải để mang tiền thưởng đi trả nợ hay không.

“Tôi cứ nhớ hoài lời ba Đức Lợi và mẹ Bạch Mai dạy mình, làm nghề phải có cái tâm sáng và một lòng vì khán giả. Có người chê trách sao cuộc sống kinh tế còn gian nan mà “chơi lớn” làm gì.

Tôi cũng chẳng biết giải thích thế nào, chỉ có thể nói đó là cách tôi sống với nghề, cống hiến cho đam mê và hơn hết, tôi tôn trọng khán giả - những người ơn, những người nuôi dưỡng tôi bấy lâu nay”, Bình Tinh trải lòng.

Sau cuộc thi, Bình Tinh bảo cô “lời” nhiều thứ mà tiền bạc chẳng đong đếm được. Đó là những bài học nghề nghiệp từ các bậc cha chú tiền bối, là tình thương của khán giả, là cơ hội được bước lên sân khấu và sống với từng nhân vật và còn là một chút vinh quang cô dành tặng gia đình mình sau bấy nhiêu năm lận đận…

Hỏi về mong ước, Bình Tinh nói cô chỉ mong được làm nghề và chăm lo cho gia đình.

“Ước mơ về một sân khấu cải lương sáng đèn hằng tuần vẫn là ước mơ cháy bỏng của tôi, nhưng chẳng biết đến khi nào mới có thể thành hiện thực. Mơ lắm một sân khấu mà ở đó những nghệ sĩ cải lương như chúng tôi được sự truyền dạy của các tiền bối, được trau dồi nghề nghiệp, được gặp và đón nhận những khen, chê của khán giả để chúng tôi điều chỉnh mình….”, Bình Tinh mong mỏi.

Bình Tinh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, ông bà là bầu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy một thời. Bình Tinh là con gái của nghệ sĩ Đức Lợi và nghệ sĩ-soạn giả Bạch Mai. 

Mới 4 tuổi, cô bé Bình Tinh bước lên sân khấu và bắt đầu con đường theo nghiệp cải lương của mình. Lúc nhỏ, cô còn được ví là "thần đồng cải lương" của đoàn Đồng ấu Bạch Long. "Chuyên trị" các vai giả trai, Bình Tinh dần "quen mặt" với khán giả qua các vai diễn nhí trong các vở như Long Lân Quy Phụng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Quan Công đại chiến Bàng Đức Na Tra… 

Đến tuổi trưởng thành, Bình Tinh dần ít xuất hiện với khán giả cả nước khi mà nghệ thuật cải lương có những bước suy thoái. Tuy vẫn đi diễn đều đặn nhưng cô không có nhiều cơ hội xuất hiện trên truyền hình.

Không chỉ có khả năng ca, múa, Bình Tinh còn có năng khiếu diễn hài và hát dân ca khá ngọt ngào. 

Kỳ 1: Bình Tinh đi hát đám cưới, quán nhậu để theo cải lương 

TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên