17/12/2015 08:59 GMT+7

Bình Châu - Lý Sơn xứng tầm công viên địa chất toàn cầu

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao đề nghị được giúp đỡ hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ để trình lên UNESCO công nhận khu vực núi lửa cổ Bình Châu - Lý Sơn và các vùng phụ cận là công viên địa chất toàn cầu.

 

Đá bazan dạng cột tạo thành những hình thù rất đẹp và có giá trị nghiên cứu quá trình hình thành của Trái đất - Ảnh: Trần Mai
Đá bazan dạng cột tạo thành những hình thù rất đẹp và có giá trị nghiên cứu quá trình hình thành của Trái đất - Ảnh: Trần Mai

“Nếu biết cách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên ở vùng biển Bình Châu - Lý Sơn, nơi đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho cả giới nghiên cứu địa chất và khách du lịch trên thế giới

GS MARK STARNIFORTH (Đại học Monash, Úc - thành viên Ủy ban Quốc tế về di sản văn hóa dưới nước)

Trước đó, Sở VH-TT&DL phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hàng đầu về địa chất trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát dưới đáy biển ở vùng biển Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Sau khi khảo cứu địa chất cả trên bờ lẫn dưới nước, các chuyên gia khẳng định khu vực này là một “công viên” núi lửa hiếm có trên thế giới. Đó là kết quả của những đợt phun trào núi lửa có niên đại hàng triệu năm trước.

Là một người nghiên cứu các tầng địa chất, địa mạo và kết cấu của vùng biển Bình Châu - Lý Sơn hơn chục năm qua, GS.TS Nguyễn Hoàng - chuyên gia khảo cổ học, địa mạo địa chất Viện Khoa học quốc gia Nhật Bản - cho rằng nơi đây có thể xem là “viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa” hiếm hoi trên thế giới.

Chuyên gia khảo cổ học dưới nước Nguyễn Tuấn Lâm cho biết: “Tôi từng tham gia nhiều đợt khảo cổ nghiên cứu biển cả trong và ngoài nước. Nhưng hiếm thấy nơi nào có kết cấu địa chất núi lửa trải rộng và đẹp như ở vùng biển Bình Châu - Lý Sơn. Càng khám phá càng thấy nhiều dấu tích đẹp, nhất là những trầm tích núi lửa dưới đáy biển nhấp nhô và gắn kết với lớp trầm tích trên bờ”.

Ngay trên bờ, nhiều miệng núi lửa cổ đại cũng được phát hiện. Tại đảo Lý Sơn phát hiện ít nhất ba miệng núi lửa cổ đại ở khu vực núi Thới Lới, Giếng Tiền và Bãi Sau. Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho thấy các núi lửa phun trào đã tạo nên đảo Lý Sơn với địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích toàn đảo.

Những vách núi dựng đứng quanh đảo tuyệt đẹp đều hình thành nhờ vào quá trình phun trào nham thạch. Tháng 2-2015, tại khu vực mũi Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng đã phát hiện một miệng núi lửa rộng 30m có niên đại hàng triệu năm. Quanh khu vực miệng núi lửa là những cột đá balad và các bãi đá bazan độc đáo.

Theo TS Phạm Quốc Quân (ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, ủy viên Hội đồng Khoa học về bảo tồn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam):

“Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khi đến Bình Châu đều khẳng định đây là vùng biển có thể nói là đẹp nhất Việt Nam với sự kết hợp hài hòa giữa núi lửa, biển và các di tích như nghĩa địa tàu cổ, các phong tục tập quán của người Việt và người Champa còn lưu giữ ở cư dân vùng biển này. Nơi đây xứng đáng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu”.

Trước quy mô và vẻ đẹp khó cưỡng của hệ thống núi lửa tuyệt đẹp ở Lý Sơn, bà Trần Thị Hoàng Mai - phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - cho rằng:

“Những di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học nơi đây xứng đáng để bảo tồn không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn có ý nghĩa với khu vực và thế giới”.

TS Nguyễn Đăng Vũ - giám đốc Sở VH-TT&DL - khẳng định:

“Cao nguyên đá vôi Đồng Văn sau khi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu có lượng du khách tăng gấp 3 - 4 lần. Nếu được công nhận, Bình Châu - Lý Sơn cũng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Ngãi”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên