16/09/2017 12:40 GMT+7

Biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Đêm trung thu tang thương

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG

TTO - 40 năm trước, hàng ngàn người dân tay không tấc sắt ở các tỉnh dọc biên giới Tây Nam đã chết dưới những họng súng tấn công bất ngờ của quân Polpot.

Biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Đêm trung thu tang thương - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Gạch Sua bán rau ở chợ Tân Lập - một trong những nạn nhân của tập đoàn Polpot cách đây 40 năm. Ngày nay bà buôn bán, giao thương vui vẻ với những người dân Campuchia

- Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bây giờ cũng trên vùng đất ấy, hiện hữu tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia…

Tấm bia chứng tích tội ác của tập đoàn Polpot nằm sát bên quốc lộ 22B (Tây Ninh) ghi rõ: "Lúc 0 giờ 15 phút ngày 25-9-1977 quân Polpot - Ieng Sari đã xâm lược biên giới Việt Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. 592 người đã bị cướp đi mạng sống".

Đau thương đó không thể nào quên nhưng hận thù thì nên bỏ

Ông MAI TIẾT THANH

Cuộc tập kích lúc nửa đêm

Tấm bia chứng tích ghi tội ác của tập đoàn Polpot được đặt ngay vị trí của điểm trường Tân Thành (trường phổ thông cấp 1 xã Tân Lập, huyện Tân Biên) cách đây 40 năm. 

Trong số gần 600 người dân vô tội bị sát hại, có 11 thầy cô giáo của ngôi trường này. Họ đã bị quân Polpot tập kích bất ngờ, giết hại đúng vào ngày nghỉ đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật.

Người chứng kiến quân Polpot giết người tại xã Tân Lập ngày đó là ông Đào Văn Phong (68 tuổi). 

Lúc đó ông Phong là cán bộ của Phòng giáo dục Tân Biên cùng với ba người khác lên xã Tân Lập để dạy chính trị cho giáo viên nhân dịp nghỉ hè. Sau này ông Phong làm lãnh đạo phòng giáo dục và trước khi nghỉ hưu năm 2010, ông là chủ tịch UBND huyện Tân Biên.

Biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Đêm trung thu tang thương - Ảnh 3.

Ông Đào Văn Phong, cựu chủ tịch huyện Tân Biên - Ảnh: ĐỨC TRONG

Vào đêm xảy ra cuộc tàn sát, ông Phong ở trong nhà của bà Bảy, một người dân ở ấp Tân Lập. 

Lúc đó, sau sự kiện quân Polpot tàn sát dân lành Việt Nam ở các miền biên giới, người dân đã được tuyên truyền và hướng dẫn đào hầm trú ẩn. Nhà bà Bảy, nơi ông Phong ở nhờ, cũng có một hầm trú ẩn khi cần.

Khi tiếng súng ở biên giới Tây Ninh nổ, cả gia đình bà Bảy, ông Phong cùng các cán bộ phòng giáo dục nhảy xuống hầm ẩn nấp. 

"Độ gần nửa đêm, tôi bắt đầu nghe tiếng súng. Rồi súng nổ ngày càng nhiều. Súng nổ như bắp rang" - ông Phong nhớ lại. 

Từ dưới hầm ông nghe tiếng hô hoán, gào thét của quân Polpot. Ông liền kêu người đồng nghiệp đang nấp bên cạnh mình: "Lang ơi, mày biết tiếng Khmer, nghe xem chúng nó hô gì". Sau một hồi nghe ngóng, ông Lang trả lời: "Chúng nó hô hủy diệt, hủy diệt anh ơi!".

Hầm trú ẩn chỉ vừa đủ chứa người nhà bà Bảy, chật chội nên ông Phong leo lên, bò trườn trở lại vào trong nhà. 

Đúng vào lúc ấy, một tên lính Polpot cầm súng bắn thẳng vào căn hầm - nơi gia đình bà Bảy cùng các đồng nghiệp của ông đang ẩn náu. Thấy vậy, ông Phong tiếp tục bò ra khỏi nhà để ra vườn, ẩn trong những ruộng mía rồi bò qua quốc lộ 22B chạy thoát.

Sau đó ông Phong tìm về thị trấn. Hai ngày sau, phòng giáo dục họp để phân công người lên Tân Lập. 

Và chính ông Phong là người đầu tiên xung phong quay lại xã Tân Lập cùng một số người khác. 

Khi quay trở lại, ông Phong mới biết một đồng nghiệp của mình là thầy giáo Phạm Quốc Điển bị lính Polpot bắn chết trong đêm hôm đó dưới hầm nhà bà Bảy. "Khi quay lại tôi đã chứng kiến cảnh tượng vô cùng thê lương" - ông Phong kể.

Biên giới Tây Nam - Kỳ 1: Đêm trung thu tang thương - Ảnh 4.

Ông Mai Tiết Thanh thắp hương cho các đồng nghiệp đã bị quân Polpot sát hại cách đây 40 năm - Ảnh: ĐỨC TRONG

Dẫn chúng tôi trở lại vị trí của điểm trường ngày xưa - nơi những đồng nghiệp, đồng khóa của mình đã bị sát hại, khóe mắt của thầy giáo Mai Tiết Thanh (62 tuổi) cứ ứa đầy những dòng lệ. 

Sáng 27-9 khi bộ đội Việt Nam đã đẩy lùi quân Polpot, thầy Thanh tức tốc lao đến điểm trường Tân Thành. T

rước mắt ông, 10 thầy cô giáo còn rất trẻ, tuổi đời chỉ ngoài 20 đã bị giết chết dã man. Trong đó có ba thầy giáo và năm cô giáo bị giết và ném xuống giếng. Hai người còn lại nằm trên sàn nhà. Trong số những người bị sát hại có hai thầy cô đang yêu nhau.

Ông Đào Văn Phong là người đi làm các thủ tục

để 11 đồng nghiệp nhà giáo của mình được công nhận liệt sĩ. Năm 1999, ông Phong lúc đó làm chủ tịch UBND huyện Tân Biên cũng là người ra chủ trương để dựng bia chứng tích, bia tưởng niệm như ngày nay.

Gói lại hận thù

Từ 40 năm qua, cứ đến rằm trung thu là nhiều gia đình ở xã Tân Lập lại làm đám giỗ cho những người bị tập đoàn Polpot giết hại và gọi đó là ngày "hội giỗ".

Trong chợ Tân Lập có bà Trần Thị Gạch Sua năm nay đã ngoài 70 tuổi bán hàng rau quả. Trong đêm rằm đau thương ấy, chồng bà Sua là ông Nguyễn Văn Yên đã bị giết chết. Con trai bà là Nguyễn Văn Hua lúc đó mới 10 tuổi bị bắn bể xương đùi và vai. 

"Dòng họ nhà tôi chết đông lắm. Gia đình chị Sáu tôi bị giết hết, chỉ còn một mình chị ấy và đứa con trai. Trời ơi!" - bà Sua khóc.

Ngày chồng bị giết, bà Sua chỉ kịp lên nhìn thi thể rồi chôn vội ông bên đường. Vì lo cho cuộc sống con cái, cách đây mấy năm bà mới có điều kiện quay lại tìm mộ chồng để đưa hài cốt về. 

Bà Sua tâm sự dù đã 40 năm trôi qua, nhưng ngày nay mỗi khi lên vùng giáp ranh vào ban đêm, bà Sua vẫn còn "thấy ớn". Những khách hàng mua rau của bà có nhiều người Campuchia nhưng bà vẫn vui vẻ bán cho họ. "40 năm rồi hận thù làm chi nữa" - bà Sua nói.

Ông Năm Phong nói ông không muốn gợi lại nỗi đau trong lòng mình cũng như hàng trăm ngàn bà con khác có người thân mất trong trận tàn sát ngày ấy. 

"Tội ác của tập đoàn Polpot thì không thể nào quên và không được lãng quên nhưng đó không phải là hận thù giữa hai dân tộc" - ông Phong nói. Minh chứng cho lời ông nói chính là khung cảnh yên bình, hòa hiếu giữa nhân dân hai bên vùng biên giới hiện nay.

____________________

* Kỳ tới: Gìn giữ từng tấc đất biên cương

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên