30/12/2016 11:49 GMT+7

Biến đổi khí hậu: Một năm nhiều cột mốc

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Năm 2016 là năm thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực, nhưng đồng thời đây cũng là năm thế giới có được những kỷ lục không vui về khí hậu.

Một con đường ở New Delhi bị chảy nhựa dưới nhiệt độ 43 độ C ngày 19-5. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng, làm chết gia súc và khiến ít nhất 330 triệu người ở Ấn Độ không có đủ nước cho nhu cầu hàng ngày. Theo Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), tháng 5-2016 là tháng 5 nóng nhất trong 137 năm qua - Ảnh: CNN

Đó là năm nóng nhất trong 137 năm qua, là năm có lượng CO2 trong khí quyển vượt mức cho phép vĩnh viễn, là năm lượng băng ở Bắc cực tan nhiều thứ hai trong 35 năm, và cũng là năm hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với 700km rạn san hô đẹp nhất thế giới chết đi và một loài động vật tuyệt chủng.

Clip đăng hồi tháng 5 cho thấy nhựa đường chảy ra dưới thời tiết nóng ở Ấn Độ

Tháng 6 năm nay, các nhà khoa học công bố loài động vật có vú đặc hữu duy nhất ở Rạn san hô Great Barrier của Úc, Bramble Cay, đã bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Bramble Cay là loài động vật gặm nhấm nhỏ sống trên một hòn đảo nhỏ ở eo biển Torres phía đông rạn san hô, nơi ở duy nhất được con người biết đến của chúng - Ảnh: Chính quyền Queensland 

Bờ sông Dương Tử ở Trùng Khánh, Trung Quốc khô khốc và nứt toác. Trạm thời tiết Trùng Khánh đã phải đưa ra báo động đỏ khi nhiệt độ liên tục cao trong vòng 12 ngày từ 14 đến 24-8 năm nay - Ảnh: AFP

Biểu đồ mức độ CO2 qua các năm. Tháng 9 năm nay, các nhà khoa học tuyên bố nồng độ CO2 trên thế giới chính thức vĩnh viễn vượt mốc 400 ppm, trong khi giới hạn an toàn của CO2 trong khí quyển là 350 ppm - Ảnh: Scripps Institute of Oceanography Mauna Loa Observatory/Climate Central

Bức ảnh một chú gấu Bắc Cực trên đảo Barter thuộc bang Alaska của Mỹ, tiếp giáp Bắc Băng Dương, nằm trong chuyên mục Your Shot của tạp chí National Geographic tháng 9-10 năm nay. Nhiếp ảnh gia Patty Waymire, tác giả bức ảnh, cho biết thời điểm cô chụp bức ảnh, lẽ ra khu vực này phải có tuyết, nhưng lại không có. Theo báo cáo của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA), diện tích băng bao phủ ở Bắc cực đã giảm xuống mức 4,4 triệu km2 vào ngày 10-9. Lượng băng biển thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1981 là vào ngày 17-9-2012, khi diện tích băng giảm xuống chỉ còn khoảng 3,39 triệu km2.

Một bức ảnh khác cũng trong chuyên mục Your Shot có chủ đề biến đổi khí hậu của NatGeo, chụp làng nổi Chong Kneas ở Biển Hồ, Campuchia, từ trên cao. Tác giả Stuart Chap cho biết chu kỳ theo mùa của hồ nước này đang bị đe dọa bởi sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ ngày càng tăng.

“Những gì còn sót lại của con gấu Bắc cực này được phát hiện tại một trong các đảo của quần đảo Svalbard, Na Uy. Tuy không chắc chắn rằng liệu con gấu này bị chết do đói hay do tuổi già, nhưng tình trạng răng vẫn còn tốt cho thấy rất có thể là nó chết do đói”, tác giả Vadim Balakin giải thích bức ảnh của mình trên Your Shot.

San hô chết trắng tại đảo Lizard thuộc Rạn san hô Great Barrier của Úc hồi tháng 3. Đây là rạn san hô lớn nhất và đẹp nhất thế giới hiện nay. Theo một nghiên cứu được công bố cuối tháng 11 vừa qua, các luồng nước ấm đã giết chết 2/3 dãi san hô dài 700km ở phía Bắc của Rạn san hô Great Barrier trong vòng 9 tháng qua. Đây là "cái chết hàng loạt" tồi tệ nhất từng được ghi nhận tại rạn san hô ở Úc vốn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới này - Ảnh: NatGeo

Biến đổi khí hậu đang khiến cho các cơn bão trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Trong ảnh: thành phố Lumberton, bang North Carolina, Mỹ bị ngập trong nước lũ do siêu bão Matthew gây ra ngày 12-10. Người dân ở đó buộc phải di tản đi nơi khác và chính quyền cũng cảnh báo một số nơi có thể bị cô lập do lũ - Ảnh: AP

Khải Hoàn Môn ở thủ đô nước Pháp được thắp sáng bằng đèn màu xanh lá cây với dòng chữ “Thỏa thuận Paris đã hoàn thành'' ngày 4-11 vừa qua để kỷ niệm việc Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực cùng ngày hôm đó. Đã có 96 quốc gia chính thức phê chuẩn thỏa thuận này với quyết tâm hạn chế mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C - Ảnh: Reuters
NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên