19/10/2017 09:45 GMT+7

Biên đạo Tấn Lộc: Tôi tìm niềm vui nơi con trẻ

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Làm sao hẹn Tấn Lộc để thực hiện bài phỏng vấn? Đó là câu hỏi thường làm… nản lòng những người có ý định viết về anh...

Biên đạo Tấn Lộc: Tôi tìm niềm vui nơi con trẻ - Ảnh 1.

Biên đạo Tấn Lộc, người sáng lập của đoàn múa Arabesque, cũng là người nặng lòng với nghề múa - Ảnh: GIA TIẾN

Tấn Lộc - một gương mặt rất đặc biệt của nghệ thuật múa phía Nam, lại rất ngại trả lời báo chí! 

Sự e dè ấy không phải không có lí do. 

Mà lí do của anh cũng rất… trời ơi: "Có gì đâu mà nói!" - như anh vẫn hay từ chối. 

Nhưng nếu nhìn những gì Tấn Lộc gầy dựng cho nghệ thuật múa nói riêng và sân khấu nói chung, rất khó nói là "không có gì"...

The Ballerina - sô nghệ thuật về Ballet kết hợp cùng múa đương đại được giới làm nghề chờ đón trong năm vừa mới kết thúc, Tấn Lộc đã lao ngay vào làm tổng đạo diễn cho vở nhạc kịch Bé chịu chơi dành cho trẻ em.

Hình ảnh một người đàn ông đứng tuổi, 9h đêm vẫn còn ở trên sân khấu… nhảy tưng tưng với đám con nít ngay sau khi vở múa Sương sớm vừa kết thúc ở Nhà hát Thành phố, thật sự rất khó tả!

* The Ballerina sau bốn năm thai nghén và luyện tập đã chính thức ra mắt, để lại dư âm choáng ngợp trong lòng người xem. Với anh thì sao, anh hài lòng chứ?

- Thật ra tôi nghĩ chúng tôi còn có thể làm tốt hơn nữa, về nhiều mặt. 

Ai đi xem về cũng trầm trồ sao lại hay thế, lạ thế, nhưng với tôi, tôi biết rõ nó tốt nhưng chưa đủ tốt ở mức tôi chờ đợi.

* Có lẽ vì khán giả không có nhiều những buổi trình diễn đúng nghĩa về nghệ thuật như thế để xem. Anh có nghĩ vậy không? Theo anh, vấn đề lớn nhất của nghề múa trong thời điểm này nằm ở đâu?

- Để làm nghệ thuật đúng nghĩa không phải là điều dễ dàng. 

Nghệ thuật chân chính phải đến từ sự khổ luyện, đầu tự nghiêm túc vào chuyên môn cá nhân". Là một người làm nghề, tôi luôn hướng các bạn trẻ của nhóm múa Arabesque đến sự chuyên nghiệp thực thụ của một vũ công ballet: luôn xem trọng việc luyện tập.

Trong khi bây giờ lại có những vũ công rất hời hợt với nghề, không rèn luyện đúng mực dẫn đến việc chất lượng sô diễn không được đảm bảo. 

Đáng lo ngại hơn, không ai nghĩ đến việc đầu tư một chương trình xứng đáng để rèn luyện và làm nghề. 

Với nghề múa, không phải học một lần, tập vài năm là thành tài mà đòi hỏi mỗi vũ công cần luyện tập và trau dồi một cách nghiêm túc mỗi ngày.

Ngay cả những học trò của tôi khi ở lại Arabesque cũng phải đấu tranh tư tưởng.

Suy nghĩ phải kiếm được càng nhiều tiền càng tốt đến từ xã hội đã hưởng đến tư tưởng của rất nhiều người trẻ.

Đó là những khó khăn lớn nhất chúng tôi đang phải đối mặt hàng ngày.

* Anh làm thế nào cân bằng chính mình, để lúc nào cũng giàu năng lượng, làm việc không ngừng nghỉ, hết chương trình này đến chương trình khác như bây giờ?

- Nó là cái nghiệp của mình rồi, làm sao bây giờ! Với lại, tôi quan niệm rằng những khó khăn, mệt mỏi trong quá trình làm việc sẽ được bù đắp, xoa dịu khi mình thực sự đam mê và tìm thấy niềm vui trong công việc.

Giống như khi tôi nhận lời làm tổng đạo diễn cho vở nhạc kịch thiếu nhi Bé chịu chơi, tôi vui chứ. Vì mình có điều kiện được thử thách với cái mới, và nhất là được làm việc với các em nhỏ.

* Khi nghe nói Tấn Lộc sẽ làm tổng đạo diễn của nhạc kịch Bé chịu chơi, nhiều người ngạc nhiên vì hình như trước giờ anh chưa từng làm nhạc kịch, nhất là cho thiếu nhi?

- Thời gian học tập ở Nhật, tôi từng tham gia một lớp về dàn dựng nhạc kịch cho trẻ em. Khi về nước, tôi cũng có tham gia sinh hoạt và giảng dạy một số lớp năng khiếu cho các bé ở Nhà thiếu nhi TP nên tôi hiểu và biết cách làm việc với các bé.

Nói về độ cực thì làm với con nít còn khó hơn khi làm với những diễn viên trong đoàn múa.

Ít nhất khi làm với diễn viên đoàn múa, tôi biết rõ người nào làm được cái gì, khả năng đến đâu, còn ở đây phải có người đứng ra "cai quản" một nhóm hơn mười bạn nhỏ, và điều phối mọi thứ diễn ra.

Tuy vậy, khi tiếp xúc với trẻ con, chính sự ngây thơ, hồn nhiên của các bé chinh phục được tôi, khiến tôi ấp ủ ước muốn làm một chương trình dành cho con nít; và thật may, Bé chịu chơi đã biến mong ước của tôi thành hiện thực.

Biên đạo Tấn Lộc: Tôi tìm niềm vui nơi con trẻ - Ảnh 4.

Bé Chịu Chơi là vở nhạc kịch thiếu nhí đầu tiên Tấn Lộc đảm nhận vai trò tổng đạo diễn - Ảnh: GIA TIẾN

Sau ngày công diễn chính thức, ca sĩ Hồng Nhung nhắn nhủ với tôi rằng không tưởng tượng được một sô diễn cho trẻ em như Bé chịu chơi lại có thể hoành tráng đến thế, cả ê-kip đã thực sự làm việc quá nghiêm túc, dàn dựng sân khấu đẹp, các sáng tác âm nhạc quá hay, mọi thứ đều rất chỉn chu!

* Bé chịu chơi đánh dấu lần đầu tiên anh làm nhạc kịch thiếu nhi. Ngoài điểm đặc biệt này ra, anh còn có lý do nào khác khi nhận lời tham gia vào vở nhạc kịch lần này?

- Phải công nhận Bé chịu chơi mang cho tôi rất nhiều niềm vui, khi được làm việc các anh chị nghệ sĩ: chị Thanh Thủy, anh Võ Thiện Thanh và đặc biệt là hợp tác với ekip của những người trẻ, yêu nghề như nhóm Buffalo và Khắc Duy cũng làm tôi thấy hứng thú.

Các bạn tuy còn trẻ nhưng niềm đam mê với nghề rất lớn, các bạn sẵn sàng hi sinh, cống hiến cho nghề, mong muốn được làm nghệ thuật đích thực.

Quan trọng hơn cả, nhạc kịch Bé chịu chơi mang đến cho các bậc phụ huynh và các em nhỏ có cơ hội thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chất lượng và đầy tính nhân văn với thông điệp: Hãy để trẻ có được tuổi thơ đúng nghĩa.

Ngày xưa có chương trình Tuổi thần tiên ra mắt hồi những năm 90 dành cho trẻ con là làm được điều đó, nhưng rất lâu rồi, hiếm có một sô diễn thiếu nhi nào được thực hiện hoành tráng và ý nghĩa như thế nữa.

Biên đạo Tấn Lộc: Tôi tìm niềm vui nơi con trẻ - Ảnh 6.

Nhạc kịch Bé Chịu Chơi mang đến một không khí tươi vui, trong sáng của con trẻ - Ảnh: GIA TIẾN

* Vậy theo anh, điều gì làm nên sự khác biệt giữa Bé chịu chơi và những chương trình khác dành cho trẻ con ở thời điểm hiện tại?

- Tôi nghĩ đó là bởi khán giả xem Bé chịu chơi được nhìn thấy được sự trong sáng, hồn nhiên của trẻ con thực sự, nhìn thấy được sự vui vẻ đúng với tâm lý và lứa tuổi của các em.

Một số những phân đoạn trong Bé chịu chơi đánh đúng tâm lí đến mức phụ huynh cũng phải giật mình. Còn chính các em đang diễn vai thật ở ngoài đời: bị bố mẹ bắt đi học, bị hạn chế thời gian chơi,…nên mọi thứ đều rất tự nhiên.

Sau buổi công diễn đầu tiên, với những suất diễn sắp tới tại Hà Nội của Bé chịu chơi, chúng tôi vẫn gọt chỉnh mỗi ngày để làm sao cho vở diễn tốt hơn nữa. 

Tuy mệt nhưng tôi thấy rất vui vì được thử thách, làm mới bản thân với những điều mới mẻ, trong đó làm việc với con nít là một trong những điều mới mẻ đó. 

Ít ra là trong bộn bề những khó khăn, mình tìm được một niềm vui nho nhỏ với trẻ con.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên