26/05/2017 20:27 GMT+7

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chất vấn việc làm trụ cứu hỏa

N.TRIỀU - SƠN BÌNH
N.TRIỀU - SƠN BÌNH

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu TP cân đối ngân sách để lắp đủ 4.000 trụ cứu hỏa sớm trước năm 2020, vì "chữa cháy thì không thể ở đó chờ nước theo kế hoạch".

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm việc với Ban giám đốc Công an TP.HCM - Ảnh: Sơn Bình

Chiều 26-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có hai cuộc làm việc liên tiếp với Công an và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM về tình hình an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

“Hai lực lượng này tuy hai nhánh nhưng là cây cùng một gốc, có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân và vì sự bình yên của TP” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Lưu ý “bài học Đồng Tâm”

Tại cuộc làm việc có sự tham gia của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 2.289 vụ phạm pháp hình sự, giảm 125 vụ so với cùng kỳ, tỉ lệ phá án bước đầu đạt 69,5%.

Nhiều đường dây tội phạm ma tuý liên tỉnh và xuyên quốc gia, có cả trường hợp sản xuất trái phép chất ma tuý ở quy mô công nghiệp, đã bị triệt phá.

Công an TP nhận định tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, có sự liên kết giữa các đối tượng hình sự, kinh tế, ma tuý, có cả sự móc nối, câu kết hoạt động liên vùng, thậm chí sang tận Campuchia.

"Đáng chú ý nhất là hiện đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, hình thành nhanh tội phạm bạo lực tập thể dã man do mâu thuẫn bộc phát trong nhóm đối tượng thanh thiếu niên thất nghiệp và công nhân nhập cư", Trung tướng Lê Đông Phong cho biết.

"Bên cạnh đó là cướp có vũ khí, lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội, đột nhập trộm tài sản giá trị lớn..."

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận vai trò giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội của Công an TP trong bối cảnh đó.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập một số vấn đề cụ thể: Công an TP cần sớm có hướng giải quyết đồng bộ, quyết liệt đối với tình trạng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Ông Nhân cũng lưu ý bài học từ “vụ Đồng Tâm” ở TP Hà Nội mới đây: Chính quyền phải làm đúng luật pháp, nếu dân làm sai mà chính quyền cũng làm sai thì sẽ rơi vào vòng xoáy rất khó gỡ. Trong đó, công an phải gương mẫu.

“Lâu nay nơi công an tiếp dân không nằm chung với trụ sở UBND phường, quận, không có máy góp ý để người dân bấm nút hài lòng hay không hài lòng. Tôi đề nghị rà soát chỗ nào công an thường xuyên tiếp xúc với dân phải có cách đánh giá khách quan tại đó, để biết mức độ hài lòng của người dân, biết chỗ nào cần hoàn thiện”, Bí thư Thành ủy nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu xây dựng bản đồ về mật độ giao thông ứng dụng trên điện thoại di động để người dân dễ dàng cập nhật và điều chỉnh hướng đi nhằm giảm kẹt xe. Đồng thời nghiên cứu kết nối các hệ thống camera để hình thành mạng lưới giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông đồng bộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Cảnh sát CCC TP - Ảnh: Sơn Bình

Chữa cháy không thể ngồi chờ nước!

Đại tá Lê Tấn Bửu - giám đốc Cảnh sát PCCC TP - thì cho biết hiện đang có hơn 11.000 cơ sở có nguy cơ cháy nổ trên địa bàn. Trên 270.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm xen trong các khu dân cư cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ này.

Từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 17 vụ cháy lớn với 20 người thiệt mạng và 30 người bị thương.

“Các vụ cháy ở cơ sở sản xuất công nghiệp gây thiệt hại lớn về tài sản, trong khi các vụ cháy gây chết người thường xảy ra ngay trong các khu dân cư. Nguyên nhân phổ biết là do sự cố, bất cẩn trong sử dụng điện", Đại tá Lê Tấn Bửu nói.

"Cả TP có hơn 2 triệu gia đình, hơn 10 triệu người sinh sống và làm việc, nguy cơ cháy nổ luôn là nỗi lo thường trực”.

Ông Bửu cũng chia sẻ về nhu cầu phương tiện, trang bị cho lực lượng PCCC: Hiện các đơn vị phải phụ trách bán kính quá rộng (trung bình 10km), trong nội thành phải mất 10-12 phút xe mới tới được hiện trường, nhưng khoảng một nửa các phương tiện chữa cháy đã cũ kỹ, chờ thanh lý.

Theo quy hoạch đến năm 2025, TP cần hơn 26.000 trụ nước chữa cháy nhưng đến nay chỉ mới có chưa đầy 9.000 trụ.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại kinh nghiệm đau đớn hồi vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), và hỏi ông Trần Quang Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco): “Chi phí lắp đặt mỗi trụ cứu hỏa là bao nhiêu?”

Ông Minh đưa ra con số hơn 50 triệu đồng. Ông Nhân hỏi có thể giảm giá không, ông Minh nói không thể.

Quay sang Phó chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng, Bí thư chỉ đạo: “Tôi tính nhẩm, theo kế hoạch từ đây đến năm 2020 sẽ lắp thêm 4.000 trụ, vậy tốn hơn 200 tỉ đồng. Đề nghị UBND TP cân đối ngân sách để triển khai lắp đặt càng sớm càng tốt, không đợi tới năm 2020.

Chữa cháy thì không thể ở đó chờ nước theo kế hoạch, phải làm sớm để tối còn ngủ cho ngon giấc!"

N.TRIỀU - SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên