01/03/2017 10:02 GMT+7

Bí thư Thăng: kiên quyết điều chuyển người có biểu hiện tham nhũng

VIỄN SỰ - MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HOA

TTO - Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nêu yêu cầu như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Thành ủy TP.HCM diễn ra ngày 28-2.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

 

Điều chuyển cán bộ có “biểu hiện tham nhũng”

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tại TP.HCM trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là sự chủ động của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên theo ông Đinh La Thăng, kết quả phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế so với mục tiêu đưa ra và kỳ vọng của nhân dân, trong đó có việc tỉ lệ tài sản do tham nhũng thu hồi được còn thấp.

Một trong những yêu cầu mà ông Đinh La Thăng đưa ra là cần phải kiên quyết thực hiện điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Thăng nhắc lại: một trong những lý do để tổ chức lại đầy đủ hệ thống HĐND các cấp ở TP.HCM cũng là nhằm đảm bảo sự giám sát trong việc phòng chống tham nhũng.

Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định việc tạo điều kiện để nhân dân tố giác tham nhũng, phát hiện và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là một trong những yêu cầu quan trọng để chống tham nhũng, lãng phí thành công.

Cụ thể là phải thực hiện nề nếp, định kỳ công tác tiếp công dân, tiếp xúc đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, mở hòm thư góp ý, đường dây nóng...

“TP.HCM làm rất tốt”

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc đánh giá TP.HCM là một trong những địa phương thực hiện rất tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trung ương và cấp tỉnh trong điều tra truy tố xét xử các vụ án tham nhũng.

TP.HCM cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước thời gian gần đây đã tự phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử vụ án tham nhũng.

Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thuận Thắng
Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Phan Đình Trạc cho rằng TP.HCM và nhiều địa phương không thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh trong phòng chống tham nhũng, “nhưng có cái vướng là sự phân cấp của các cơ quan cấp trên còn hạn chế. Ở trên thì luôn kêu là quá tải nhưng khi được đề nghị phân cấp cho cấp dưới cứ không chịu, cứ sợ có tiêu cực...”.

Minh chứng cho kinh nghiệm và bản lĩnh đó, ông Phan Đình Trạc đưa ví dụ về việc xét xử đại án tham nhũng Phạm Công Danh.

Những gì hay nhất, mạnh mẽ nhất về phòng chống tham nhũng, Đảng đã nói hết rồi, giờ phải hành động như thế nào thôi.

Ông PHAN ĐÌNH TRẠC

Theo ông, đây là vụ án rất khó, chỉ riêng tài liệu hồ sơ đã lên đến cả chục ngàn trang. Nhưng các cơ quan điều tra, tòa án và viện kiểm sát của TP.HCM đã làm rất tốt.

Phiên tòa là điển hình của tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, mọi ý kiến đều được lắng nghe, tranh luận đến cùng và kết luận thỏa đáng.

Ông Trạc cũng đánh giá ngoài việc xử lý nghiêm các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của TP.HCM thì các cơ quan chức năng của TP.HCM còn làm rất tốt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi chỉ đạo.

Ông cũng cho biết có nhiều vụ án phức tạp, Ban Nội chính trung ương đã đề nghị Bộ Công an giao TP.HCM điều tra xử lý luôn và “anh em làm rất tốt”.

Ông Phan Đình Trạc yêu cầu TP.HCM phải xác định 5 lĩnh vực trọng tâm để phòng chống tham nhũng gồm: nhà đất, quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng; thuế, hải quan, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý sử dụng vốn ODA; dịch vụ công và chính sách an sinh xã hội. Đồng thời phải đảm bảo các cơ quan phòng chống tham nhũng thực sự liêm chính.

 

Pháp luật vẫn còn sơ hở

Tại hội nghị, ông Trần Thế Lưu - trưởng Ban nội chính Thành ủy TP.HCM - đánh giá do pháp luật vẫn còn những sơ hở nên đã bị nhiều cá nhân lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Ban nội chính Thành ủy sẽ phối hợp các ngành liên quan rà soát cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật để phát hiện những kẽ hở, đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

VIỄN SỰ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên