08/03/2010 03:12 GMT+7

Bí ẩn những xác ướp Việt, Kỳ cuối: Những người phá giải lời nguyền

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một chiều sau ngày khai quật xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật lên ngồi đọc sách trên bancông nhà bất ngờ té nhào xuống đất. Thanh sắt nối lan can với bancông đã bị ai đó làm bật từ lúc nào mà ông không biết.

Aq7j6XxU.jpgPhóng to

Giáo sư Đỗ Văn Ninh vẫn tin chết là ra đi mãi mãi - Ảnh: Quốc Việt

Kỳ 1: Bí ẩn ngôi mộ cổ Vân Cát Kỳ 2: Giải mã xác ướp Kỳ 3: Sự trở lại của đức vua Kỳ 4: Thách thức cát bụi Kỳ 5: Bí mật xác ướp hoàng thân vua Gia Long Kỳ 6: Những kẻ trộm mộ

Thực, hư lời nguyền trấn yểm

Không chỉ ông Đỗ Đình Truật mà nhiều nhà khảo cổ mộ táng khác cũng hay nhận được lời khuyên này. Có người như GS Đỗ Văn Ninh thì tuyệt đối bác bỏ. Ông khẳng định: “Con người sinh ra từ cát bụi sẽ trở về với cát bụi theo đúng nghĩa đen của nó. Những thân xác còn giữ lại được chỉ nhờ nghệ thuật bảo quản xác. Nếu có linh ứng, báo oán gì đó, những người chuyên quật mồ như chúng tôi phải lãnh nhận đầu tiên”.

Một số người khác như ông Truật cũng suy tư về những hiện tượng kỳ lạ mà đến nay khả năng con người chưa lý giải được. Tuy nhiên, có một điều mà các nhà khảo cổ đều giống nhau là chưa ai rụt tay với công việc của mình.

Trở lại chuyện ngôi mộ giả, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cho rằng một số người tin nó đã bị trấn yểm, nhưng cũng có suy nghĩ đơn giản đó chỉ là nghi binh để bảo vệ mộ thật. Bề ngoài nấm mộ giả này giống như đúc mộ thật của bà Hiệu. Cũng kiểu xây dựng trong quan ngoài quách với kiểu cách như nhau. Tuy nhiên khi quật lên quan tài lại trống rỗng. Ông mày mò mãi chỉ tìm thấy một miếng trầu và búi tóc gọn lỏn nằm dưới đáy quan tài.

Các thợ đào tỏ vẻ lo lắng trước vật táng kỳ lạ được cho là đồ trấn yểm này. Ông Truật vẫn mỉm cười bình tĩnh: “Mình chỉ làm khoa học. Đâu xúc phạm đến ai!”. Một lần khai quật mộ cổ ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM, ông bị ngất xỉu ngay khi mở nắp quan tài. Công nhân sợ hãi. Nhưng khi tỉnh lại, ông khẳng định đó chỉ là yếm khí trong quan tài. Thi hài bên trong là người bệnh đậu mùa. Người xưa khi nhập liệm đã đổ vào nhiều chất sát trùng. Nó bị tích tụ lâu ngày trong quách kín nên sinh khí độc.

Ngược thời gian trở lại mùa Vu lan năm 1968 ở thôn Tam Đường, xã Hoàng Đức, huyện Hưng Nhân, Thái Bình, một đơn vị bộ đội trong lúc đào công sự pháo cao xạ đã đụng một phiến gỗ kỳ lạ trông như nắp quan tài. Sự việc được báo lên trên. Các nhà khảo cổ về phát hiện đó là ngôi mộ rất cổ có thể từ thời nhà Trần. Nó nằm trên khu vực Bảy Gò (thất tinh) mà người già địa phương tin là có long mạch, đầu chếch hướng đông nam, cách bờ sông Hồng khoảng 1.000m.

Bí ẩn kỳ lạ là các nhà khảo cổ phát hiện quan tài này chỉ có nắp thiên bằng gỗ tốt được cưa bào tinh xảo nhưng lại thiếu phần đáy. Tìm kiếm kỹ từng mẩu đất bên dưới, họ cũng không thấy thi hài hay chút dấu vết cốt người. Duy nhất chỉ có bốn chiếc đinh đồng chụm vào nhau như được chủ ý sắp đặt. Người già nghi ngờ đó là vật trấn yểm. Còn các nhà khảo cổ cố gắng tìm xem có phải mộ chôn thi hài hỏa táng nên không còn xương, nhưng không thấy tro cốt hay hũ sành đựng tro cốt.

Cuối cùng, không thể lần tìm được dấu vết tiền nhân nằm dưới, nhiều người đành tin đây là mộ yểm. Nhưng các nhà khảo cổ đặt nặng giả thuyết mộ giả để bảo vệ mộ thật đâu đó. Đây là vùng đất được các thầy địa lý xem ẩn long mạch hình hoa sen. Dân gian bao đời trong vùng đã thuộc lòng mấy câu thơ Ngũ mã đồng quân. Hình nhân bái tướng ... (Năm ngựa cùng một bầy. Hình người phong tướng). Còn Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi đây là nơi (phủ Long Hưng xưa) có mộ các vị vua Trần. Chắc các bậc đế vương xưa phải có biện pháp bảo vệ giấc ngàn thu của mình.

Sự thật chưa thể xác quyết bằng khảo cổ, nhưng huyền thoại mộ giả trấn yểm hại người làm phát lộ vẫn chỉ là huyền thoại. Các nhà khảo cổ vẫn bình an tiếp tục công việc “quật mồ”. Đáp lại lời khuyên cẩn thận, những nhà khảo cổ già như ông Đỗ Đình Truật chỉ trả lời: “Tin hay không tin không quan trọng. Vấn đề là mình đã thành tâm làm việc ý nghĩa mà thôi...”. Phải chăng đó cũng là cách hóa giải lời nguyền?

Những “nỗi oan ngàn đời”

GS Đỗ Văn Ninh kể đã từng “mắc nỗi oan” cười ra nước mắt ở thành Cổ Loa. Lần đó ông và đồng nghiệp khai quật một ngôi mộ Hán được đắp đất như quả đồi nhỏ. Trên gò đó lại có nấm đất nhỏ mà một dòng họ địa phương thường hương khói và cho đó là mộ tổ của dòng tộc. Vì cùng gò đất nên các nhà khảo cổ phải đào qua nấm đất nhỏ mới xuống được gò đất lớn bên dưới. Họ cẩn thận làm nhưng không thấy dấu vết hài cốt nào. Đến khi đào sâu xuống gò đất lớn thì phát hiện mộ Hán niên đại từ những năm đầu Công nguyên. Lúc này bất ngờ các cụ già của dòng họ đó xuất hiện nhận mộ tổ mình là một đại khoa làm quan triều đình.

Đoàn khảo cổ thuyết phục, chỉ rõ đặc trưng mộ quân phương Bắc đã xâm lược nước ta từ 2.000 năm trước, nhưng các cụ vẫn khăng khăng nhận mộ tổ. Cuối cùng, họ phải trưng ra các viên gạch nung chữ Hán ghi niên đại 18 thế kỷ trước. Các cụ xiêu lòng ra về. Họ tưởng yên, tiếp tục khai quật. Bất ngờ sáng sau các cụ lại xuất hiện, nhưng lần này đông hơn với vài chục trai làng lực lưỡng bao quanh. Các cụ đanh giọng tuyên bố: “Chính xác đây là mộ tổ dòng họ chúng tôi. Không tranh cãi gì nữa. Yêu cầu lấp trả lại nguyên hiện trạng”. Tình hình căng thẳng này thì nhà khảo cổ đành thua! Họ ấm ức lấp lại mộ với nỗi oan khó tỏ. Nhưng có lẽ thi hài người Hán nào đó nằm dưới còn nặng “nỗi oan ngàn đời” hơn, khi gần 2.000 năm sau tự dưng lại có hậu thế nước Việt nhận mình là ông tổ!

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật kể lần đào xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu, dầu thông trong quan tài lộ thiên vón cục đỏ sậm. Dân tại chỗ rỉ tai nhau “hổ phách quý hiếm được chôn theo bảo quản xác ướp”. Trong lúc nhà khảo cổ chưa kịp giải thích thì họ nhanh tay lấy mất. Không biết về sau số “hổ phách” đó thế nào, nhưng chắc bà Hiệu nơi chín suối tủi buồn vì tự dưng lại mang tiếng “chết rồi mà còn mang theo nhiều châu báu!”.

Tuy nhiên, kể chuyện đời nghề đặc biệt này, nhà khảo cổ nào cũng mỉm cười thanh thản. Họ tâm sự âu đó cũng là duyên nghiệp của nghề quật mồ, tìm xác. Thời gian trôi qua, thế cuộc biến động có làm bao thứ trên mặt đất đổi thay, nhưng các bậc tiền nhân an nghỉ dưới lòng đất đã trở thành trang sử đặc biệt để giúp hậu thế minh định thêm cội nguồn...

Đời thợ từ xứ Cao Lan

Câu chuyện kể về một buôn làng Cao Lan ở xứ Bắc Giang. Rời núi rừng, những đứa trẻ tìm về Sài Gòn làm thuê để rồi sa vào chốn bóc lột sức lao động trẻ em. Bi kịch xảy ra: đứa thì gục chết, người thì kiệt sức, mang bệnh... bơ vơ nơi đất khách quê người. Đó là câu chuyện về bi kịch, cái ác và lòng tốt trên đất Sài Gòn. Người kể câu chuyện ấy là một người làm báo, cũng xuất thân từ xứ sở Cao Lan...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên