17/02/2006 10:29 GMT+7

Bệnh mù màu

Theo Sức khỏe đời sống
Theo Sức khỏe đời sống

Bệnh mù màu (rối loạn sắc giác) là hiện tượng vẫn nhìn rõ mọi vật, nhưng không phân biệt được màu sắc.

pC8cmtc5.jpgPhóng to
Khám mắt cho bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt Trung ương

Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe, trí tuệ

Thị lực có khả năng phân biệt màu do tổng hợp ba cảm giác màu ứng với một bước sóng ánh sáng khác nhau: cam - tím (có bước sóng 450nm), vàng - lục (520nm) và đỏ (630nm).

Ở người, võng mạc có ba loại tế bào nón, mỗi loại mẫn cảm nhất với một bước sóng nhất định là 430nm (ứng với tím), 540nm (ứng với xanh lục) và 575nm (ứng với đỏ). Có lẽ ở các loại đó có các opsin khác nhau cho mỗi loại. Khi hòa trộn các màu cơ bản đó với nhau theo một tỷ lệ nhất định có thể có muôn màu sắc khác nhau.

Bệnh mù màu là một tật bẩm sinh. Tuy bệnh đã có từ cổ xưa, nhưng do hạn chế về kiến thức và người bệnh vẫn có khả năng nhìn nhận sự vật bình thường (chỉ không phân biệt được một số màu) nên không một bệnh nhân nào biết khuyết tật của mình. Người ta cho rằng người đầu tiên phát hiện ra bệnh mù màu là John Dalton (1766-1844), nhà vật lý học nổi tiếng sống ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, người đặt nền móng cho lý thuyết nguyên tử.

Nhân ngày lễ Noel, John Dalton mua biếu mẹ một đôi tất màu gụ. Không ngờ bà mẹ xem xong rồi cười, bà hỏi Dalton: “Tuổi tác như mẹ làm sao có thể đi tất màu đỏ được?”. Thì ra Dalton tưởng rằng tất có màu gụ, nhưng thực ra là màu đỏ. John Dalton đi hỏi nhiều người, họ đều xác nhận đó là màu đỏ, cuối cùng phát hiện ra chính ông là người mù màu đỏ và màu xanh. Cho đến nay vẫn có nhiều người gọi bệnh mù màu là bệnh Dalton.

Người phương đông ít bị mù màu hơn người phương tây. Theo thống kê của nước ngoài, chỉ có 4-5% đàn ông phương đông bị mù màu, còn người phương tây thì lên tới 8-9%. Theo điều tra của khoa mắt thì bệnh này gặp ở 3-5% nữ giới, 8-10% nam giới trong số những người đến khám mắt.

Mù màu và gen di truyền

Bệnh mù màu là một bệnh di truyền có liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính (cặp này ở nữ là XX, ở nam là XY). Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc. Gen này là “gen lặn”. Người con trai nào nhận được ở mẹ loại gen này thì không thể phân biệt được màu sắc, vì nhiễm sắc thể Y không có gen màu sắc trội để lấn át gen mù màu.

Còn phụ nữ chỉ mắc bệnh này nếu có 2 gen mù màu: một của mẹ và một của bố mắc bệnh truyền cho. Nếu người phụ nữ chỉ có một gen bệnh thì chưa việc gì, vì gen màu sắc ở nhiễm sắc thể còn lại đủ át gen bệnh. Điều đó giải đáp vì sao các thống kê đều cho hay nam giới mắc chứng mù màu có tỷ lệ cao hơn nhiều so với nữ.

Trong trường hợp một cặp vợ chồng có hai con trai cùng bị mù màu, có thể nghĩ đến khả năng di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể, còn trường hợp đột nhiên có 1 con trai bị mù màu, còn những người khác không mắc có thể nghĩ đến khả năng đột biến mới phát sinh.

Khả năng làm việc và chữa trị

Có những người bị mù màu đỏ, có người bị mù màu xanh, có người bị mù cả màu đỏ và màu xanh, lại có người bị mù hoàn toàn mọi màu sắc. Có người phân biệt được các màu, nhưng nhìn một màu hoặc một số màu nào đó chỉ thấy mờ nhạt.

Ai có đôi mắt với thị lực bình thường nhưng có rối loạn sắc giác thì bị cấm làm một số công việc cần đến khả năng phân biệt màu sắc. Thí dụ không được hành nghề vẽ trang trí, nhuộm len vải, in ấn... đặc biệt không được lái tàu, lái xe.

Hiện nay y học chưa có cách nào chữa được bệnh mù màu, tuy nhiên có thể chẩn đoán trước sinh. Một số nhà khoa học hy vọng có thể nghiên cứu tìm ra một loại thiết bị quang học đặc biệt dùng đeo như một loại kính mắt có khả năng giúp cho người mù màu có thể phân biệt được màu sắc.

Theo Sức khỏe đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên