02/01/2014 07:04 GMT+7

Bệnh hiếm gặp ở trẻ gái

MINH MẪN - MY LĂNG
MINH MẪN - MY LĂNG

TT - Khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật tạo hình âm đạo cho em N.T.H. (13 tuổi, TP.HCM) bị bất sản âm đạo (không có âm đạo) bẩm sinh.

T2lkjuLj.jpg
Phim X-quang cho thấy ứ máu tử cung âm đạo gây chèn ép bàng quang - Ảnh: My Lăng chụp lại

Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch - phó khoa niệu, phẫu thuật viên chính ca phẫu thuật, những biểu hiện của bệnh lý này thường khiến người điều trị nhầm lẫn giữa các nguyên nhân gây bệnh.

Chưa kể hình ảnh học dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm ruột thừa hoặc u nang buồng trứng xoắn...

Dễ chẩn đoán sai

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết qua thăm khám, khoảng ba tháng trước bé H. có những biểu hiện đau bụng theo chu kỳ hằng tháng. Mỗi đợt đau bụng như vậy kéo dài 3-4 ngày liên tục. “Người nhà có đưa bé H. đi siêu âm, kết quả cho thấy u nang buồng trứng và được theo dõi. Tuy nhiên, những đợt đau vùng bụng dưới gần đây ngày càng nặng nề hơn. Hơn nữa, vùng hạ vị của bé H. có khối gồ lên. Kèm theo đó bé ngày càng khó đi tiểu” - bác sĩ Thạch cho biết.

"Nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng như nhiễm trùng, viêm nội mạc tử cung, vô sinh về sau"

ThS.BS Phạm Ngọc Thạch

Giữa tháng 12-2013, bé H. được người nhà đưa vào một bệnh viện tuyến quận trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng phình to và bí tiểu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán màng trinh của bé H. không có lỗ để thoát máu kinh và dịch ra bên ngoài. Vì thế, bé H. được phẫu thuật rạch mép màng trinh. Thế nhưng sau khi phẫu thuật, bé H. vẫn đau bụng dưới và bí tiểu nên phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ chẩn đoán bé H. ứ máu kinh trong tử cung âm đạo do nguyên nhân bất sản âm đạo và quyết định phẫu thuật. Do bé H. đang bị đái tháo đường nặng, đã và đang điều trị được bảy tháng cũng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nên trong giai đoạn bị đau bụng, bé H. đã ngưng điều trị bệnh đái tháo đường. Khi phát hiện chi tiết này, việc phẫu thuật cho bé phải trì hoãn 6-7 giờ để các bác sĩ khoa nội tiết điều chỉnh đường huyết về ngưỡng bình thường. Nếu không việc gây mê sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhi. Sau đó, các bác sĩ khoa niệu đã làm thoát toàn bộ lượng máu kinh cũ rồi phẫu thuật kết nối hai đầu âm đạo bằng cách khâu nối niêm mạc, tạo hình lại âm đạo cho bệnh nhi.

Phát bệnh ở tuổi dậy thì

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh có tần suất khoảng 1/4.500 trẻ gái sinh ra. Trung bình mỗi năm khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 4-5 ca mắc bệnh lý trên. Lứa tuổi biểu hiện bệnh đa số ở sơ sinh hoặc dậy thì.

Theo bác sĩ Thạch, ở trẻ sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hormone do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo. Trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh, thay vì dịch này sẽ được thoát ra ngoài lại bị ứ trong âm đạo. Biểu hiện là bé gái có khối u vùng âm hộ. Ngoài ra còn có các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục...).

Còn ở trẻ dậy thì, đến tuổi có kinh bệnh nhân chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng mà không thấy kinh. Máu kinh ứ đọng tích lũy dần trong tử cung, âm đạo, lâu dần sẽ tràn ra vòi trứng, thậm chí chảy ngược vào ổ bụng... Có ba nguyên nhân gây tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh và gây vô kinh: màng trinh kín (hơn 50%), vách ngăn âm đạo (40%) và chỉ có gần 10% do bất sản âm đạo. Riêng về trường hợp em H., ThS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết đây là trường hợp đầu tiên trong bảy ca bị tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh do bất sản âm đạo mà bệnh viện tiếp nhận trong năm 2013. Trung bình cứ hai năm mới gặp một trường hợp do bất sản âm đạo bẩm sinh. Bác sĩ Thạch cho biết thêm sau khi tạo hình âm đạo, khả năng sinh sản của bé H. sau này vẫn bình thường.

MINH MẪN - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên