18/04/2017 15:37 GMT+7

​Bệnh gút – những vấn đề cần biết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh gút (tiếng Việt, gout tiếng Anh hay goutte tiếng Pháp)  nằm trong nhóm bệnh lắng tụ tinh thể (crystalline deposition disease), mà cụ thể là lắng tụ tinh thể monosodium urate ở bao khớp, gân do tình trạng acid uric tăng cao trong máu.

Chính các tinh thể này sẽ gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên tức là viêm các khớp chân tay, đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái, tình trạng viêm này là do các con bạch cầu được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể đi dọn dẹp các tinh thể này. Tình trạng viêm này có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra biến dạng khớp nếu không điều trị. Không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu đều bị cơn gút, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nguy cơ bị gút.

Tại sao chúng ta lại bị tăng acid uric trong máu?

Đó là do thận không thải được acid uric hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều (nguyên nhân chính do ăn uống, nhậu nhẹt bia rượu nhiều, do bệnh lý như ung thư máu dạng lim-phôm, thiếu máu tán huyết, vảy nến.. ít gặp hơn) hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acid này.

Bệnh biểu hiện như thế nào?

Bệnh sẽ biểu hiện bằng các cơn đau ở các khớp, khớp có thể bị sưng to, đỏ, có thể có nước trong khớp đặc biệt là ngón chân cái (khớp bàn ngón) hay bị nhất, có hai phần ba bệnh nhân có biểu hiện sưng và đau vùng khớp bàn ngón.

Cần phân biệt cơn đau sưng tấy vùng ngón cái do bệnh gút với một tình trạng bệnh lý khác khá phổ biến mà chúng tôi thấy người bệnh hay lẫn lộn là bệnh lý ngón cái vẹo ngoài. Khi đó mặt trong ngón cái u lên một cục và đỏ giống củ hành đỏ. Tuy nhiên các khớp khác đều có thể bị cơn đau rất nặng được mô tả dữ dội và nhiều khi bệnh nhân không dám đắp mền vì chỉ cần chạm nhẹ vào cũng gây ra cơn đau dữ dội. Nhiều bệnh nhân mô tả chỉ cần để quạt máy hay gió từ máy lạnh cũng đủ làm cho họ đau đớn cùng cực.

Cơn gút hay xảy ra sau 1 chấn thương nhẹ, sau bữa nhậu linh đình. Cơn gút có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần và có thể tự bớt, nhưng nếu không điều trị những cơn đau này sẽ xuất hiện thường hơn và gây ra biến dạng, hủy khớp, gây tàn phế.

Làm sao để chẩn đoán bệnh gút?

Các bác sĩ sẽ cho bạn đi thử nồng độ acid uric trong máu và tùy theo thông số của mỗi loại máy thử mà cho các con số khác nhau, bình thường nhỏ hơn 7mg/dL. Tuy nhiên, các biểu hiện của cơn gút khá đặc trưng nên đôi khi có thể chẩn đoán được chỉ qua hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân vì nồng độ acid uric trong máu cao giúp chẩn đoán nhưng không chuyên biệt. Nếu lấy dịch khớp đem soi dưới kính hiển vi để thấy các tinh thể urate hình kim là chắc chắn nhất, nhưng ít được làm vì nhiều lí do khác nhau. Chụp X quang khớp cho thấy hình ảnh tổn thương xương dưới sụn.

Bệnh tiến triển ra sao và có thể chữa khỏi hay không?

Thường thì cơn gút có thể bị đẩy lui bằng các thuốc hiện có và nếu bệnh nhân kiên nhẫn điều trị và chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được bệnh. Nhưng nên nhớ rằng: đây là loại bệnh không thể chữa dứt, nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận chế độ ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời.

Nếu không điều trị hoặc để cơn gút xảy ra nhiều lần sẽ gây hủy khớp, gây tàn phế lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp. Khoảng 20 % bệnh nhân bị gút bị sỏi thận do chính tinh thể urate lắng tụ gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng tiểu… có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Một số bệnh nhân có các cục ở dưới da như vùng khuỷu, mắt cá... gọi là cục tophi là do lắng tụ tinh thể urate. Khi cục tophi bể ra làm chảy ra 1 chất bột trắng giống như phấn. Chính tinh thể urate sẽ làm hư da khi ăn ra ngoài da, khiến cho việc phẫu thuật trở nên khó khăn vì không đủ da khâu che xương (do cục tophi hay nằm ở vùng có nền xương cứng và da như mắt cá chân, khuỷu tay…).

Khi nào cần phải phẫu thuật?

Khi các cục tophi lớn và có nguy cơ “ăn” ra ngoài da là lúc có chỉ định phẫu thuật mổ lấy cục tophi đi để tránh biến chứng loét da.

Một chỉ định phẫu thuật khác nữa là khi các khớp bị sưng to nhiều lần do màng bao khớp bị viêm do tinh thể acid uric gây nên. Khớp sẽ bị viêm và tràn dịch nhiều lần, tinh thể acid uric lắng tụ đầy trên mặt sụn khớp khiến gây hư sụn khớp. Khi đó cần làm nội soi khớp để điều trị. Vai trò của nội soi khớp là làm sạch khớp, lấy bớt một phần tinh thể acid uric bám trên mặt sụn khớp, cắt bớt bao hoạt dịch của khớp bị dày lên do viêm nhiều lần. Một khi khớp bị hư hoàn toàn thì không còn có thể nội soi được nữa vì không có hiệu quả. Lúc này có thể phải thay bằng biện pháp phẫu thuật thay khớp nhân tạo để tránh cho bệnh nhân không bị tàn phế.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên