30/10/2016 10:47 GMT+7

​Bê bối email sẽ theo bà Clinton vào tận… Nhà Trắng

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Dĩ nhiên trong điều kiện bà sẽ giành chiến thắng trong kỳ bầu cử sắp tới. Nhưng điều đó có nghĩa vụ sử dụng email không đúng chuẩn mực không phải là chuyện nhỏ.

Daytona Beach, Florida, U.S. October 29
Daytona Beach, Florida, U.S. October 29

Tờ The Atlantic cho rằng ảnh hưởng của vụ bê bối email đối với bà Clinton là có thật và bà sẽ phải trả giá lâu dài trong vấn đề niềm tin của công chúng. Tờ báo cho biết đến lúc này chưa có lý do gì để tin rằng cả ngàn email mới mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa có được sẽ không làm cơ quan điều tra của Mỹ thay đổi ý định không truy tố.

Nhưng “cho dù bà Clinton có chiến thắng trong kỳ bầu cử ngày 8-11 tới (như các số liệu thăm dò hiện nay cho thấy) thì vụ bê bối này có thể theo bà ấy vào tận Nhà Trắng. Việc xem xét điều tra tiếp vụ việc có thể sẽ cần có thời gian và như thế bên đảng Cộng hòa sẽ không dễ gì buông bỏ vụ việc”, tờ The Atlantic bình luận.

Báo chí Mỹ thận trọng

Sau lá thư của giám đốc FBI James Comey gửi cho Quốc hội Mỹ về việc mở lại cuộc điều tra email vào ngày 28-10, báo chí Mỹ tỏ ra thận trọng trước những hậu quả về chính trị và tư pháp của vụ bê bối này.

Nhật báo New York Times đã phải viết trong bài xã luận mới nhất: “Cứ mỗi lần người Mỹ nghĩ rằng không còn chuyện gì có thể gây ngạc nhiên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống lần này thì cứ y như rằng có chuyện gì đó phát sinh để chứng tỏ là họ đã lầm”.

“Cho đến lúc này, chưa có lý do gì để nghĩ rằng là thư của ông Comey có nghĩa FBI mở lại cuộc điều tra về bà Clinton như kiểu những người bên đảng Cộng hòa, gồm cả ông Trump, đang hào hứng hình dung”, tờ New York Times bình luận.

Cũng dễ hiểu cách nhìn nhận sự việc của tờ nhật báo Mỹ vốn đã tuyên bố công khai ủng hộ nữ ứng viên của đảng Dân chủ trên đường đua vào Nhà Trắng.

“Điều đó cũng không có nghĩa là FBI muốn tìm cách gây ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử như một số người của bên Dân chủ lo sợ nêu ra”, tờ nhật báo hàng đầu đánh giá.

Tuần báo Newsweek cũng nhận định: “Không có gì cho thấy những email được nêu ra đã bị bà Clinton giấu nhẹm trong quá trình điều tra trước đó. Phát hiện mới này cũng không có nghĩa rằng bà ấy đã làm điều gì đó bất hợp pháp”.

Tờ Newsweek tham gia vào cuộc dựa trên một nguồn tin từ cảnh sát Mỹ. “Thêm nữa, dù có những thông tin đã công bố trên truyền thông nhưng rõ ràng là FBI không mở lại cuộc điều tra bởi vì các cuộc điều tra trước đây chưa bao giờ chính thức khép lại. Trong quá trình điều tra đó thì cảnh sát vẫn thường phát hiện những thông tin mới cần xem xét thêm”.

Các nhà bình luận bực mình

Điều khiến nhiều nhà bình luận bất ngờ và… bực mình là vụ việc lại được nêu ra vào lúc sắp bầu cử quan trọng và kiểu phát ngôn mập mờ của Giám đốc Comey. Các nhà quan sát cho rằng kiểu “không rõ đúng sai” đó có thể gây bối rối cho cử tri khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là chính thức bỏ phiếu.

Nhật báo Los Angeles Times cho rằng ông Giám đốc FBI “có nghĩa vụ - nếu không là về luật pháp thì cũng về đạo đức – phải tiến hành công việc nhanh hết mức có thể để làm rõ việc liệu thông tin mới (mà ông ấy nêu) có mâu thuẫn với kết luận trước đó hay không (vào tháng 7, FBI đã khẳng định sẽ không truy tố bà Clinton vì chuyện sử dụng email không đúng qui cách)”.

A child is pictured in a Hillary Clinton outfit as Republican presidential nominee Donald Trump speaks at a campaign event in Golden, Colorado, U.S. October 29
Các ủng hộ viên của ông Donald Trump càng có lý do trưng hình nộm bà Hillary Clinton trong trang phục tù nhân như tại TP Golden, bang Colorado, ngày 29-10 - Ảnh: Reuters

Kiểu thông tin mập mờ của ông Comey đang bị nhiều cơ quan truyền thông cho là “gây nhiễu” và thậm chí quay sang tấn công trực diện và vị lãnh đạo cảnh sát hàng đầu của Mỹ.

Tờ New York Times bình luận: “Thất bại của ông Comey trong việc trưng ra nhiều chi tiết hơn trong quá trình điều tra đang gây hoang mang khi còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Hồi tháng 7 ông ấy nói ‘người dân Mỹ xứng đáng được biết chi tiết về vụ việc mang tính lưu tâm của cộng đồng’. Nên giờ đây người dân càng cần được biết các chi tiết một cách khẩn cấp hơn”.

Không có thông tin cung cấp thêm cho rõ thì cử tri không để đánh giá được tầm mức quan trọng của phát hiện mới (về số email) khi họ đi đến phòng phiếu”
Nhật báo New York Times của Mỹ

Tờ Newsweek cáo buộc mạnh mẽ hơn: “Ông Comey đã tạo ra cảm giác lừa dối là vụ việc này có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử. Đây là một hành vi mà, nếu không được điều chỉnh, có thể trở thành một trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử FBI”.

Tờ Washington Post thì xoáy vào “thời điểm công bố” lá thư của Giám đốc FBI, “xét theo việc nó có thể làm ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ của cuộc bầu cử do lẽ hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu (sớm)”.

Tờ nhật báo lớn của Mỹ cũng kêu gọi ông Giám đốc FBI phải công bố những thông tin mình biết trước ngày 8-11 nếu không muốn bị kết tội là che giấu thông tin vì động cơ chính trị.

Vụ bê bối email của bà Clinton không phải là không có tác động đến lá phiếu. Trang mạng chuyên về bầu cử Mỹ Five Thirty Eight cho biết vào tháng 7 vừa qua dù FBI công bố không truy tố ứng viên đảng Dân chủ trong vụ email thì bà cũng đã bị mất đến 2 điểm ủng hộ qua các kết quả thăm dò cấp quốc gia.

Khi đó ứng viên Donald Trump cũng không tăng thêm được điểm nào bởi lẽ những người được thăm dò đã thay đổi ý định ủng hộ bà Clinton chủ yếu thuộc trong nhóm cử tri “chưa quyết định chọn bên nào”.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên