24/12/2016 10:31 GMT+7

Bất ngờ với bảo vật quốc gia

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia lần thứ 5 cho 14 hiện vật/nhóm hiện vật đang được lưu giữ tại các địa chỉ văn hóa trên cả nước, nâng số lượng bảo vật quốc gia lên 118 hiện vật.

Bảo vật quốc gia tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, Hà Nội - Ảnh: T.LỘC
Bảo vật quốc gia tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, Hà Nội - Ảnh: T.LỘC

Đón nhận thông tin này, rất nhiều cơ sở văn hóa đang sở hữu hiện vật được công nhận tỏ rõ sự vui mừng xen lẫn tự hào, bởi đơn vị mình sở hữu hiện vật “có giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu của đất nước về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học”...

“Không ít bảo vật chưa nhận được sự tôn vinh và bảo vệ một cách xứng đáng!

TS Phan Thanh Hải (thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)

Bất ngờ!

Ông Nguyễn Thanh Tùng - trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL Quảng Trị - đón nhận tin vui này trong sự bất ngờ.

Ông kể năm 1992, khi còn là trưởng bộ phận nghiệp vụ của Bảo tàng Quảng Trị, có dịp về làm việc tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị), bất ngờ nhìn thấy hai tác phẩm điêu khắc dựng sơ sài ngoài sân phòng truyền thống của phòng văn hóa huyện này.

Hỏi ra mới biết trong lần về thực địa ở làng Trà Liên, thuộc xã Triệu Giang, cán bộ phòng văn hóa thấy mấy bức tượng nằm ngổn ngang ở phế tích tháp Champa và đưa về. Việc đưa về này cũng khá “tự nhiên”, hoàn toàn chưa ý thức được giá trị của các hiện vật vốn rất quý giá này.

Thấy có hình điêu khắc đẹp và lạ, ông Tùng đặt vấn đề đưa về bảo tàng và trưởng phòng văn hóa huyện đồng ý. Thế là ông thuê một chiếc xe công nông chở tượng về bảo tàng.

“Hồi đó chúng tôi cũng chưa hiểu sâu sắc giá trị, ý nghĩa của hiện vật Champa. Về sau khi GS Trần Quốc Vượng và một số nhà nghiên cứu đến và xác định là tác phẩm độc bản, giá trị quá lớn!” - ông Tùng nhớ lại.

Bất ngờ không kém phần là ông Nguyễn Đức Tố, giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh, khi bộ tượng sinh thực khí của bảo tàng này nằm trong danh sách được công nhận bảo vật quốc gia trong đợt này.

Ông Tố cho biết hiện vật nói trên khai quật được trong đợt khai quật phế tích tháp Lưu Cừ II, thuộc xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào năm 1986. Ngôi đền cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo có kỹ thuật xây dựng độc đáo, càng ngày càng làm bất ngờ cho giới chuyên môn. Nhưng bất ngờ hơn là hiện vật nhỏ nhắn trong lòng nó được công nhận bảo vật của quốc gia...

Chưa được bảo vệ xứng đáng

Theo quy định hiện nay của Luật di sản văn hóa, “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Luật cũng đồng thời quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị... bảo vật quốc gia”.

Tuy nhiên nhìn lại thực tế các hiện vật đã được công nhận bảo vật quốc gia kể từ đợt đầu (tháng 10-2012) đến nay, tại hầu hết những nơi chúng tôi đến, về mặt trưng bày lẫn phương án bảo vệ hầu như không có sự đổi khác so với trước đó. Đặc biệt, gần như chưa tìm thấy một đơn vị nào đang trưng bày hiện vật kèm chú thích đây là bảo vật quốc gia và những giá trị đặc biệt của nó.

TS Nguyễn Đình Chiến, thành viên hội đồng giám định bảo vật quốc gia thuộc Bộ VH-TT&DL, cho rằng Bộ VH-TT&DL nên lưu ý đến điều này đối với các đơn vị sở hữu bảo vật được công nhận. Trong khi đó, theo TS Chiến, Cục Di sản văn hóa cần nhanh chóng thực hiện tập sách về bảo vật quốc gia để tuyên truyền, quảng bá, phát huy và bảo vệ tốt hơn loại hiện vật đặc biệt này.

Theo một vị đại diện Cục Di sản văn hóa, năm nào cục cũng có văn bản đề nghị các đơn vị sở hữu bảo vật tăng cường công tác bảo vệ và đầu tư phát huy giá trị nhưng ít thấy biến chuyển. “Riêng về việc giới thiệu, vì luật không quy định cụ thể, trong khi nhiều đơn vị đề nghị có mẫu chung để giới thiệu, và điều này cục đang nghiên cứu!” - vị này cho biết.

14 bảo vật mới được công nhận

Các bảo vật hiện được trưng bày ở các bảo tàng, khu di tích: ngẫu tượng linga - yoni (thế kỷ 5-6, Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh); phù điêu Trà Liên 1 và phù điêu Trà Liên 2 (thế kỷ 9, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị); phù điêu Brahama (thế kỷ 12-13, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định); ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (năm Vĩnh Thịnh thứ 5 - 1709, Bảo tàng Lịch sử quốc gia); thống gốm hoa nâu (thế kỷ 13-14, Bảo tàng Lịch sử quốc gia); bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi” (thế kỷ 15, khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và tập Sắc lệnh của chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1945-1946 (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bộ Nội vụ).

Bên cạnh đó là các bảo vật hiện thuộc về các đình, chùa: đôi chuông chùa Đà Quận (năm 1611, khu di tích chùa Đà Quận - đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng); tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và tượng thiền sư Vũ Khắc Trường (thế kỷ 17, chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội); Cửu phẩm liên hoa (năm 1692, chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương); bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” (năm 1362, chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương); bia vua Lê Thái Tổ (năm 1431, đền thờ vua Lê Thái Tổ, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu); tượng Trấn Vũ (thế kỷ 17-18, đền Quán Thánh, TP Hà Nội).

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên