27/09/2016 08:07 GMT+7

Tranh luận trực tiếp, ông Trump yếu thế khi vào vấn đề chính

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN

TTO - Cuộc tranh luận trực tiếp truyền hình sẽ là thước đo cho tài năng của họ. Vào các chủ đề chính về kinh tế, an ninh, an ninh mạng, chống khủng bố, tỉ phú Trump cho thấy thiếu kinh nghiệm chính trường.

Ứng viên Donald Trump và ứng viên Hillary Clinton - Ảnh: AFP

Cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp này sẽ thu hút hơn 81 triệu người theo dõi bởi tính chất quan trọng của nó. Thêm vào đó, nó diễn ra vào “khung giờ vàng” truyền hình ở Mỹ lúc 21g ngày 26-9 theo giờ bờ Đông (tức 8g sáng 27-9, theo giờ Việt Nam).

Cuộc tranh luận diễn ra tại khán phòng của Đại học Hofstra thuộc ngoại ô thành phố New York. Trang trí cho khán phòng sẽ rất đơn giản với hai màu xanh và đỏ đại diện cho màu của hai đảng và nhiều sao đại diện cho cờ nước Mỹ

Cuộc tranh luận sẽ kéo dài 90 phút, chia nhỏ làm 6 phần mỗi phần khoảng 15 phút. Và không có quảng cáo xen ngang dù đây là một chương trình cực kỳ thu hút người xem.

Xem toàn bộ cuộc tranh luận giữa hai đối thủ - Nguồn: Youtube
Kết quả thăm dò mới nhất từ các trang mạng ngay trước giờ tranh luận trực tiếp cho thấy tỉ lệ chiến thắng của bà Hillary Clinton đã tăng lên 65,6% so với mức 63.1% trước đó.

Ba chủ đề của cuộc tranh luận trực tiếp này là: “Việc điều hành nước Mỹ”, “An ninh của nước Mỹ” và “Làm sao đạt phồn vinh”. Kể cả Ủy ban tranh luận lẫn bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều không được phép biết nhà báo Lester Holt - người điều hành cuộc tranh luận - sẽ đặt những câu hỏi gì xoay quanh ba chủ đề trên.

Cử tri trẻ của Mỹ chụp ảnh lưu niệm trước chân dung hai ứng viên tối 26-9 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters

Khai màn tranh luận về kinh tế

Hai ứng viên đã xuất hiện với màn bắt tay trước cử tọa. Bà Hillary Clinton mặc bộ đồ toàn đỏ, còn ông Donald Trump lịch lãm trong bộ đồ veste.

Bà Clinton phát pháo đầu tiên về vấn đề kinh tế. Bà đề cập đến quan điểm kinh tế công bằng như vẫn thường thể hiện trong các kỳ vận động tranh cử trước đây, với sự công bằng lương bổng cho phụ nữ, với những việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Bà cũng tỏ ra rất lịch lãm khi hướng đến Donald Trump. "Donald, thật tốt khi được tranh luận cùng ông".

Hai ứng viên xuất hiện trước cử tọa và bắt tay nhau - Ảnh chụp màn hình

Ông Trump cũng phát pháo với quan điểm trước nay trong quá trình tranh cử với việc sẽ giành lại công việc cho người dân Mỹ. Ông cho rằng “phải ngăn chặn những quốc gia đang đánh cắp công việc của chúng ta” là Trung Quốc và Mexico. Ông cũng tranh thủ nhắm đến thu phục các cử tri được cho là còn do dự của ông Bernie Sanders bên đảng Dân chủ khi nói đến các hiệp định thương mại bất lợi mà các chính phủ tiền nhiệm đã ký kết.

NAFTA là hiệp ước tồi tệ nhất trong lịch sử... và TPP cũng không khá khẩm gì hơn"
Ứng viên Donald Trump

Ông Trump đả kích mạnh vào hiệp định NAFTA ký kết thời Bill Clinton và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được chính quyền Barack Obama ủng hộ.

Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là hiệp định thương mại tự do giữa ba nước Canada, Mỹ và Mexico, ký kết ngày 12-8-1992 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1994. Nội dung của hiệp định này là giúp cho kinh tế của ba nước tham gia được dễ dàng, như việc Mỹ và Canada có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ sang Mexico và Mexico cũng dễ dàng chuyển giao nguồn nhân lực sang hai nước kia. Ngoài ra, hiệp định này còn giúp cho ba nước có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới về kinh tế với các khối cộng đồng kinh tế khác.

Ông Trump cũng hứa nếu thắng cử sẽ giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Clinton phản pháo và kết tội đối thủ muốn làm lợi nhiều hơn cho người giàu, dĩ nhiên đây là cách nhắm vào chính bản thân ông Trump vốn là một tỉ phú làm giàu nhờ kinh doanh bất động sản và có vấn đề với thuế thu nhập.

Ông Bill Clinton cùng con gái Chelsea Clinton (thứ ba và tư từ trái qua) theo dõi cuộc tranh luận tại khán phòng - Ảnh: Reuters

Hai ứng viên bắt đầu bảo vệ quan điểm về tạo phồn vinh cho nước Mỹ. Tỉ phú Trump chỉ trích kế hoạch tăng thuế đối với người giàu của bà Clinton sẽ làm Mỹ "mất lượng lớn đầu tư".

Bà Clinton phản đối, cho rằng chính sách của bà có lợi cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, vốn là "xương sống của nước Mỹ".

"Khi nào bà Clinton công bố những email mà bà ta đã xóa, tôi sẽ công bố số tiền hoàn thuế của mình"
Tỉ phú Donald Trump

Ông Trump có vẻ mất bình tĩnh

Về bê bối email thời làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton thừa nhận như bà đã thừa nhận trong thời gian gần đây sau khi các cơ quan chức năng công bố kết quả điều tra: "Tôi đã mắc sai lầm khi sử dung email cá nhân cho công việc. Tôi nhận lỗi về phần mình".

"Đó không chỉ đơn giản là một sai lầm. Đó là một điều đáng hổ thẹn", ông Trump lên án.

Trong cuộc tranh luận, bà Clinton có vẻ thoải mái hơn và cười rất nhiều, đôi khi tranh thủ trêu tức đối thủ.

Bước đầu có vẻ hiệu quả khi ông Trump có dấu hiệu tức giận, trợn tròn mắt và tỏ ra căng thẳng.

Quang cảnh sân khấu nơi hai ứng viên thể hiện tài năng của mình. Hàng chục đài truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp buổi tranh luận mặt đối mặt đầu tiên này giữa hai ứng viên - Ảnh: Reuters

Bà Clinton nhắc lại rằng tỉ phú Trump là người đặt cược vào sự sụp đổ của thị trường bất động sản để kiếm lợi. Ông Trump có vẻ đã hố khi đáp trả: “Đó gọi là kinh doanh đấy thưa bà”.

"Donald, ông chỉ sống trong thế giới riêng của ông mà thôi"
Ứng viên Hillary Clinton đả kích đối thủ về chuyện chỉ lo cho bản thân

Bà cáo buộc ông Trump đã không trả lương cho hàng ngàn nhân viên đã làm việc cho mình. "Tôi chỉ làm những gì luật pháp Mỹ cho phép", ông Trump biện hộ.

An ninh, bạo lực sắc tộc, chống khủng bố

Vấn đề phân biệt chủng tộc đang làm đau nhói nước Mỹ, bà Clinton nêu giải pháp: "Chúng ta phải gầy dựng lại lòng tin giữa cộng đồng và cảnh sát... Mọi người đều phải tôn trọng luật pháp và được pháp luật tôn trọng".

Tỉ phú Trump phản pháo: "Bà Clinton đã không nhắc đến một điểm quan trọng, đó là luật pháp và trật tự. Chúng ta phải lập lại luật pháp và trật tự".

Quan điểm này của ông Trump bị đánh giá là không có gì mới và giải pháp của ông đề cập chung chung chỉ là "bắt giữ và lục soát".

Bà Clinton đề cập sâu hơn với cốt lõi của những căng thẳng được bà cho là do "nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống của hệ thống tư pháp Mỹ". Bà đáp trả đối thủ: "Ông không thể nói chung chung về luật pháp và trật tự". 

Bà nhấn mạnh đến chính sách tăng cường kiểm tra nhân thân đối với người sở hữu súng để giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn - một chuyện nhức nhối của nước Mỹ khi liên tục có những vụ xả súng làm chết và bị thương nhiều người mấy ngày qua.

"Trump dường như đang chỉ trích tôi vì tôi đã chuẩn bị tốt cho cuộc tranh luận ngày hôm nay. Nhưng quí vị biết gì không, tôi cũng chuẩn bị tốt để trở thành Tổng thống Mỹ, và đó là một điều tốt"
Ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ

Chuyển sang vấn đề an ninh mạng, bà Clinton nhắc đến việc cần phải cẩn trọng với hacker Nga, và không quên chỉ trích ông Trump đã "mời gọi" Nga hack hệ thống của Mỹ.

Ai có kế hoạch chống IS?

Tỉ phú Trump có lúc cảm thấy tự tin khi phát pháo trước thách thức bà Clinton có kế hoạch chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay không.

Ông tiếp tục đổ lỗi cho những lãnh đạo tiền nhiệm về sai lầm trong chính sách ở Trung Đông. "IS đã chẳng hình thành được nếu chúng ta không rút hết quân ra khỏi đó", ông Trump nêu quan điểm như ông từng không ít lần đề cập trước đây, nhắm vào các chính quyền bên Dân chủ.

Bà Clinton đáp trả: "Chúng ta cần lấy những chứng cứ để kiểm chứng. Chính (tổng thống) George W. Bush đã ký lệnh rút quân khỏi Iraq, chứ đâu phải Obama".

Vấn đề lại là chuyện giải pháp - thứ mà cử tri Mỹ đang cần nhất. 

Bà Clinton khẳng định: "Chúng ta cần phải tiêu diệt al-Baghdadi (tức Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của lực lượng IS) và IS và ngăn chặn những lời rao giảng tuyên truyền của chúng trên mạng".

Bà cho rằng điều quan trọng bây giờ là "làm sao để ngăn chặn những cuộc tấn công và bảo vệ công dân của mình".

Bà không quên đá xoáy vào sự yếu kém ngoại giao của đối thủ: "Chúng ta phải làm hết sức để tập hợp tin tức tình báo từ các đồng minh của mình, trong khi ông Trump lại đang liên tục lăng mạ những đồng mình Hồi giáo của Mỹ".

Quả thực, ông Trump không chỉ làm mất tình bạn ở khối Hồi giáo mà ông vẫn tiếp tục thể hiện quan điểm "nước Mỹ trên hết" khi tuyên bố: "Mỹ chi trả 73% chi phí hoạt động của NATO trong khi hầu hết các nước còn lại không đóng góp phần tương xứng".

Tỉ phú Trump: "Tôi có khí chất (làm Tổng thống) tốt hơn bà Clinton" - Ảnh: Reuters

Vấn đề hạt nhân quan trọng

Trong bối cảnh Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ năm và Hội đồng Bảo an LHQ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới, hai ứng viên Tổng thống Mỹ cũng không thể bỏ qua vấn đề nóng bỏng này.

Ứng viên bên đảng Cộng hòa nêu vấn đề: "Tôi cho rằng vũ khí hạt nhân là mối họa lớn nhất mà nước Mỹ đang đối mặt". Ông chỉ trích chính quyền Obama về thỏa thuận hạt nhân với Iran: "Đáng lẽ họ phải thêm vào các điều khoản về kinh tế với Triều Tiên (vì Iran là đối tác kinh tế lớn của Triều Tiên)"

Bà Clinton chỉ trích ngay: "Trong khi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nỗ lực ngăn ngừa sự phổ biến hạt nhân, còn ông Trump cho rằng đó là chuyện cỏn con".

Bà đá xoáy vào kiểu cách ưu gây hấn kiểu nhỏ nhen của đối thủ: "Người thường gây bão dư luận bằng những câu viết trên Twitter thì không nên được phép đặt ngón tay lên nút bấm bom hạt nhân"

Ông Trump cứ nhắc mãi đến cái 'kế hoạch bí mật' của ông ta. Bí mật duy nhất của ông ấy là ông chẳng có kế hoạch nào cả"
Bà Hillary Clinton

Ai có thần thái làm Tổng thống?

Có vẻ thất thế về việc đào sâu các giải pháp cho những vấn đề lớn của đất nước, ứng viên bên đảng Cộng hòa "mở rộng vấn đề" khi xoáy vào chuyện sức khỏe. Ông nói thẳng: "Tôi nghĩ bà Clinton không đủ khả năng chịu đựng cho công việc áp lực này. Rõ ràng bà Clinton có kinh nghiệm trong việc đàm phán ngoại giao, nhưng đó không hề là những kinh nghiệm tốt".

Bà Clinton cũng không ngại đáp trả: "Ai đã công du 112 quốc gia để thương thảo các thỏa thuận hòa bình, để giải cứu con tin hoặc ai có đủ sức đứng 11 giờ điều trần trước Quốc hội. Vậy mà ông ấy dám nói chuyện năng lượng để làm việc với tôi".

Ứng viên Hillary Clinton tỏ ra tươi tắn và thoải mái trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên - Ảnh: Reuters

Ông Trump cũng mở hướng tấn công mới khi tố cáo bà Clinton đã chi hàng trăm triệu USD để "chạy các quảng cáo tuyên truyền những điều hoàn toàn sai trái về tôi".

Trong quá trình vận động tranh cử vừa qua, ứng viên Donald Trump vẫn tự hào là không cần dùng quá nhiều tiền (dù rằng ông còn thừa sức tiền túi cá nhân) để thu phục lá phiếu cử tri.

Hai ứng viên bắt tay nhau khi kết thúc cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp - Ảnh: Reuters

Để kết thúc cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp kéo dài 90 phút, nhà báo Lester Holt - người điều hành cuộc tranh luận - đặt câu hỏi: "Cả hai có chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử sắp tới không?".

Bà Hillary Clinton đáp lời: "Tôi ủng hộ nền dân chủ. Đã bầu cử thì có người thắng kẻ thua. Tôi muốn nhắn với các cử tri ngoài kia hãy đi bầu vì cuộc bầu cử này là dành cho các bạn".

Trong khi đó ứng viên Donald Trump tranh thủ vớt vát "tổng kết" quan điểm của mình: "Tôi muốn khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại. Nhưng chúng ta đang gặp phải những vấn đề trầm trọng. Công dân Mỹ đang mất việc, còn người nhập cư thì đang tràn vào đất nước chúng ta. Hôm nọ chúng ta đã phải trục xuất 800 người. Nhưng những người đáng lẽ phải bị trục xuất này lại bằng cách nào đó trở thành công dân Mỹ, và con số có thể còn hơn thế. Tôi nghĩ mình có thể khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại (nhắc lại lần nữa), còn bà Clinton thì không thể. Nhưng nếu bà Clinton thắng, tôi sẽ hoàn toản ủng hộ".

Cơ quan cảnh sát Hạt Nassau, địa phương diễn ra cuộc tranh luận, cho biết chính quyền dự kiến hơn 10.000 người biểu tình ủng hộ hai ứng cử viên sẽ có mặt tại thị trấn Hempstead trong dịp này. Chính quyền New York cũng đã triển khai hàng ngàn cảnh sát và nhân viên mật vụ để đảm bảo an ninh cho sự kiện này. 

Vào chiều 26-9, lực lượng thực thi pháp luật đã phải cho phong tỏa một phần khuôn viên trường đại học nói trên sau khi phát hiện một gói đồ khả nghi. Tuy nhiên, công tác điều tra sau đó cho thấy đây không phải là một mối đe dọa an ninh.

Kết quả thăm dò ý kiến cử tri của tờ The Washington Post cho thấy tỉ phú Donald Trump đang bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton liên quan tới vấn đề kinh tế và chống khủng bố, trong khi bà Hillary nhận được sự đánh giá cao hơn đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình là một nét đặc sắc của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Lịch sử nước Mỹ cho thấy chỉ cần một màn trình diễn tồi trong vòng tranh luận này cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng của mỗi ứng cử viên.

Trong 2 tuần qua, bà Clinton và ê-kíp cố vấn tranh cử đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu cách thức ông Trump vượt qua các chính khách sừng sỏ bên phía đảng Cộng hòa.

Về phần mình, sau khi chiến dịch bầu cử sơ bộ kết thúc hồi tháng 6 vừa qua, tỉ phú Trump cũng rất tích cực tham vấn các chuyên gia chính sách và những chính khách có uy tín của đảng Cộng hòa.

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên