26/11/2010 02:11 GMT+7

Bão lũ không cuốn nổi ước mơ

THÂN HOÀNG - VĂN ĐỊNH
THÂN HOÀNG - VĂN ĐỊNH

TT - Chúng tôi trở lại Hà Tĩnh sau hơn một tháng cơn lũ lịch sử đi qua, nhiều xóm làng nơi đây vẫn ngổn ngang hoang tàn...

QVzVY5hL.jpgPhóng to

Thái Thị Long chăm sóc mẹ - Ảnh: Thân Hoàng

Video clip "Đau thương và chia sẻ" - Nguồn: TVO

Khó khăn là vậy nhưng các em học sinh vẫn tiếp tục đến trường “nuôi” chữ...

JZLKDVRy.jpgPhóng to
Hằng ngày em Nguyễn Thị Sen phải đến trường với bữa đói bữa no - Ảnh: Thân Hoàng

Mất mẹ, thiếu cha nhưng vẫn học giỏi

Cái nghèo và cái đói đã cướp đi bố của Nguyễn Thị Sen từ khi em vẫn còn trong bụng mẹ. Kể từ đó mọi gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ Sen, vất vả ngược xuôi làm thuê đủ việc để có tiền cho Sen ăn học. Thương mẹ, Sen chỉ biết vùi đầu vào học...

Nhưng đến tháng 4-2010, mẹ Sen lại rời bỏ em vì căn bệnh tắc đường ruột. Sen kể trước lúc mất mẹ cứ day dứt vì không thực hiện được lời hứa nuôi em ăn học thành tài với người cha đã khuất. Sau đám tang mẹ, cô bé 14 tuổi phải bắt đầu cuộc sống tự lập với 15.000 đồng trong túi và món nợ 15 triệu đồng vay ngân hàng, làng xóm để chữa bệnh cho mẹ. Hiện tại số tiền trợ cấp hằng tháng 120.000 đồng của Sen cũng bị xã trừ mất hơn một nửa để đóng lãi ngân hàng.

Khi cơn lũ đến, một mình Sen phải chống chọi với cái đói, cái rét trong căn nhà không cánh cửa. “Em chỉ kịp cầm di ảnh mẹ và vài cuốn sách rồi chui lên chạn nằm khóc thôi. Có ít thóc, ít khoai em đi mót hằng ngày cất dưới gầm giường và đồ đạc đều bị nước cuốn sạch”, Sen sụt sùi nói. Những ngày này các đoàn cứu trợ đi qua hoặc người làng thương tình cho cái gì Sen ăn cái đó. Dẫu vậy Sen vẫn đến lớp với bữa đói bữa no...

Không biết bố mình là ai, mẹ mất sớm, từ nhỏ Đinh Văn Hùng, ở xóm 4, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, sống cùng anh chị con nhà bác họ. Cũng như Sen, nguy cơ không được tiếp tục đến trường đang đeo bám Hùng vì em phải mang món nợ gần 20 triệu đồng vay chữa bệnh cho mẹ trước lúc bà mất.

Anh Nguyễn Văn Hường, người đang cưu mang Hùng, cho biết: “Số hắn tội quá, khi mẹ mất đi bán một nửa vườn nhà mà vẫn không đủ tiền trả nợ. Hắn ngoan ngoãn, học giỏi nhưng lại phải thua kém bạn bè vì không đủ sách vở, quần áo đến trường. Vợ chồng tôi cũng cố lắm nhưng rất khó khăn vì còn đang nuôi hai đứa con ăn học”.

A7ZigKig.jpgPhóng to

Hằng ngày sau giờ học, Nguyễn Thị Diệu chăm sóc hai người cậu bị bệnh thần kinh - Ảnh: Thân Hoàng

SjKenLrP.jpgPhóng to

Đinh Văn Hùng thắp hương khoe với vong linh mẹ: “Mẹ ơi con lại được đi học rồi” - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Nhọc nhằn với ước mơ

Ở Trường THPT Lê Hữu Trác 2 (huyện Hương Sơn), em Nguyễn Thị Diệu, học sinh lớp 12 C1, nổi tiếng học giỏi. Thế nhưng ít ai biết cô bé ấy đã phải vượt qua nỗi buồn, khó khăn chồng chất và cả những “cơn ác mộng” trong ngôi nhà mình đang sống.

Bố mất năm Diệu 1 tuổi, mẹ gửi em cho ngoại để đi tìm hạnh phúc riêng. Hằng ngày Diệu luôn phải trong tư thế sẵn sàng chạy trốn khỏi nhà hoặc sang ngủ nhờ hàng xóm mỗi khi hai người cậu sống cùng nhà bị bệnh thần kinh lên cơn đập phá đồ đạc, đuổi đánh em. Đồng lương thương binh của ông ngoại chia ra nuôi mấy miệng ăn, thuốc thang cho hai cậu nhiều khi chẳng đủ. Đường đến trường của em vì thế cũng cứ mờ dần theo sức lực của ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. “Em chỉ mong được tiếp tục học để sau này làm giáo viên dạy chữ cho những học trò nghèo như em”, Diệu ao ước.

Thầy Nguyễn Văn Hoan, giáo viên chủ nhiệm của Diệu, băn khoăn: “Sức học của Diệu rất tốt. Năm nào em cũng là học sinh giỏi cấp tỉnh về môn địa lý. Thế nhưng hoàn cảnh của em khó khăn quá. Cơn lũ vừa rồi lại làm cho ông bà em thêm kiệt sức. Nếu phải dừng việc học thì thật là tiếc và tội cho em”.

Mặc dù có cha mẹ bên cạnh nhưng con đường đến trường của em Thái Thị Long (HS lớp 12B5 THPT Lê Hữu Trác 1) cũng gập ghềnh giống như Diệu. Mẹ Long bị tâm thần sau khi sinh đứa con thứ hai, bố em bị chấn thương sọ não cách đây hai năm khi đang đi làm ở mỏ đá Sơn Trà. Ngày cơn lũ lịch sử đầu tháng 10 ập đến, Long chỉ kịp đưa bố mẹ và em gái đi trốn, khi quay về thì nước đã ngập gần lút mái, đồ đạc, thóc gạo cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Hiện tại có người bà con ở TP.HCM biết em học giỏi có ý muốn đưa Long vào nuôi ăn học.

“Ở nhà thì sợ không được đi học nữa, nhưng vào trong đó thì bố mẹ và em gái không có người chăm sóc. Sang năm thi đại học rồi mà giờ em cũng không biết tiếp tục như thế nào...”, Long băn khoăn.

“Ngăn dòng bỏ học” học sinh vùng bão lũ

Sáng nay 26-11, tại Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh Hà Tĩnh, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức lễ trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học cho học sinh - sinh viên vùng lũ”. 342 suất học bổng (từ 200.000 đồng/tháng cho tới 3.000.000 đồng/suất cấp cho bảy tháng còn lại trong năm học này) được trao cho những học sinh sinh viên khá giỏi, gia đình bị thiệt hại nặng nề trong bão lũ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đến trường.

Ngoài ra ban tổ chức cũng hỗ trợ gia đình 20 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, nhà bị lũ cuốn trôi mỗi gia đình 3 triệu đồng. Tổng trị giá đợt trao học bổng lần này khoảng 700 triệu đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp và Quỹ Thiện Tâm tài trợ.

THÂN HOÀNG - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên