20/09/2017 18:09 GMT+7

Báo cáo tốt hết rồi thì cần gì kiểm tra nữa!

T.C.
T.C.

TTO - "Căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế thì tới đây chúng tôi chả biết báo cáo gì với Chính phủ vì tốt hết rồi. Cứ bao biện thế này, chúng tôi chả cần nghe nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói khi làm việc với Bộ Y tế hôm nay (20-9).

Báo cáo tốt hết rồi thì cần gì kiểm tra nữa! - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai tiến Dũng: Tôi có chứng cứ về những phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải - Ảnh: T.A

Ngay khi mở đầu cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh ông đã lắng nghe đầy đủ và có cả chứng cứ về những phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong đó có các thủ tục của Bộ Y tế.

"Trong số 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng mà doanh nghiệp phải tốn kém cho kiểm tra chuyên ngành thì riêng 5 nội dung kiểm tra của Bộ Y tế đã tốn 28 triệu ngày công và 12.208 tỉ đồng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra.

Ông lấy ví dụ rất cụ thể: Quản lý an toàn thực phẩm là việc rất quan trọng, vậy mà Bộ Y tế không kiểm tra mẫu sản phẩm mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp mang hồ sơ lên Núi Trúc (trụ sở Cục Y tế dự phòng - PV). Ông nói Bộ Y tế như thế là "nói một đằng làm một nẻo".

Một ví dụ khác ngay từ cuộc kiểm tra với hải quan Hải Phòng ngày 19/9: Trong khi cơ quan kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT làm xét nghiệm tại chỗ, thì của Bộ Y tế không có lavabo xét nghiệm tại chỗ, doanh nghiệp đều phải xếp hàng nộp hồ sơ như ở Núi Trúc.

"Ở cảng thì chỉ làm thủ tục, còn xét nghiệm thì thậm chí xét nghiệm không có sản phẩm mà vẫn có kết quả? Kiểm tra tại cảng chỉ bằng cảm quan, trong khi không công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiền thu một bộ hồ sơ là 1,05 triệu đồng", Bộ trưởng thẳng thắn nêu vấn đề.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không ngại nhắc lại việc Bộ Y tế là bộ đầu tiên xung phong với Chính phủ giảm mặt hàng, thủ tục phải kiểm tra, thay đổi phương thức kiểm tra.

Trao đổi lại sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết những thủ tục, giấy phép nào có thể bỏ thì Bộ Y tế sẽ bỏ ngay.

"Còn những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo, đặc biệt là những quy định áp dụng theo pháp luật quốc tế và không thể bỏ được việc kiểm tra chuyên ngành vì phải bảo vệ sức khỏe người dân", bà Tiến nói.

Báo cáo tốt hết rồi thì cần gì kiểm tra nữa! - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nên lắng nghe cả cơ quan quản lý để có cái nhìn đa chiều - Ảnh: T.A

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chưa hài lòng, tiếp tục đặt vấn đề: Bao nhiêu mặt hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể chuyển từ tiền kiểm hay hậu kiểm?

Ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết tới đây sẽ cắt giảm thủ tục theo hướng lấy mẫu sản phẩm thực phẩm, kiểm tra 3 lần mà không phát hiện thì đến lần thứ 4 sẽ chỉ kiểm tra trên hồ sơ, giúp giảm hơn 90% hồ sơ phải kiểm tra.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nếu tỉ lệ vi phạm chỉ 0,03% thì có thể giảm tiếp còn 1 lần tiền kiểm, còn lại để hậu kiểm.

"Trước cuộc họp này chúng tôi đã nói có thể bỏ tất để doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm, nhưng một số siêu thị, người sử dụng thì phản ánh dứt khoát phải chặt chẽ, nên phải hài hòa, cái nào quan trọng hơn thì để", bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ bà phải chịu áp lực lớn khi là người gác cổng bảo vệ sức khoẻ người dân.

Bà Tiến cũng nhân tiện lưu ý lại với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Ngoài việc lắng nghe doanh nghiệp thì báo chí cũng như Tổ công tác của Thủ tướng nên lắng nghe cả cơ quan quản lý để có cái nhìn đa chiều hơn".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đồng tình: "Tất cả các vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co".

Hủy ngay văn bản lạm quyền

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc Bộ Y tế việc ban hành công văn 1216 "không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng".

Cụ thể, trước đây, sau nhiều cuộc họp, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung iốt.

Thế nhưng công văn của Bộ Y tế lại đòi hỏi: "Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối tăng cường iốt trong chế biến thực phẩm theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP".

Công văn do vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế ký, thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công văn 1216 ngày 14/3 hoàn toàn trái ý kiến kết luận của phó thủ tướng, và thẩm quyền ký cũng sai.

"Bộ trưởng Bộ Y tế lập tức phải ra thông báo hủy bỏ công văn 1216. Việc ký văn bản đó là lạm quyền, tạo ra giấy phép con", ông Mai Tiến Dũng yêu cầu.

T.C.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên