27/12/2016 11:15 GMT+7

Bạn trẻ mưu sinh trên phố đi bộ ở Sài Gòn

MINH PHƯỢNG - NGỌC LOAN
MINH PHƯỢNG - NGỌC LOAN

TTO - Hơn một năm nay, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) trở thành điểm đến vui chơi của người dân vào mỗi tối. Đây còn là nơi mưu sinh của nhiều bạn trẻ bán kẹo dưới bộ đồ thú bông, bán nhiều loại hàng rong khác nhau...

Các em bé tò mò, thích thú trước chú chuột điện Pikachu đáng yêu - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Hơn một năm nay, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) trở thành điểm đến vui chơi của người dân vào mỗi tối. Con phố lung linh còn vui nhộn hơn mỗi tối với những chú khỉ bông Milo, chuột Mickey, trâu vàng, thỏ trắng... đáng yêu xuất hiện.

Tầm 8g tối, trên con phố chưa đầy một cây số ấy có tới gần hai mươi chú thú bông nhí nhảnh đưa người đi dạo vào cảm giác như lạc vào thế giới trẻ thơ thần tiên.

Vừa tạo nên không khí vui nhộn để mọi người tạo dáng chụp hình, vừa khéo léo mời khách mua kẹo là nghề mưu sinh của những “chú thú bông” này.

Thế giới trẻ thơ thần tiên

Nhìn thấy các em nhỏ đang nô đùa, chú khỉ Milo bước nhanh lại, giơ tay vẫy các bé. Bé Phương Anh (5 tuổi) dạn dĩ lại gần, đưa tay sờ lên mặt chú khỉ. Khỉ bông chơi trò “ú òa”, rồi lại xoa đầu, bế bổng bé lên, khiến bé cười nắc nẻ. Cha mẹ bé hào hứng bảo con gái tạo dáng để chụp ảnh.

Thấy vậy, nhiều gia đình cũng dẫn con vào chơi chung với khỉ bông. Hồi sau, khỉ bông khéo léo rút từ trong ống tay ra cây kẹo cho bé cầm và mời phụ huynh mua kẹo cho bé. Lúc này, mọi người đều vui vẻ trả tiền kẹo.

Cùng với khỉ Milo thì chuột Mickey, chuột điện Pikachu, trâu vàng, ông già Noel... cũng ra sức làm trò, mua vui cho các bé. Nhiều thú bông còn lém lỉnh lôi kéo các bạn trẻ chụp hình, làm nũng để mời mua kẹo mà phần lớn đều vui vẻ.

Hôm nay, trong bộ đồ chú khỉ bông là bạn Ngô Hải Tùng (24 tuổi). Bộ đồ kín mít, chỉ chừa mỗi cặp mắt. Tùng nói tròng bộ đồ này vừa nặng vừa nóng, bên ngoài nhìn thấy tung tăng vậy chứ bên trong mướt mồ hôi.

Là con trai như Tùng mà mặc vào cũng ê ẩm hết đầu, hết cổ. Khi nào nóng và mệt quá thì lại “mở đầu” ra để thở và tu một chai nước suối mát lạnh.

Tùng làm nghề “đội lốt thú bông” bán kẹo ở đây được vài tháng nay. Cứ 6g tối, Tùng lại ra phố bắt đầu buổi làm việc. Chỉ bộ đồ khỉ bông đang mặc, Tùng cho hay:

“Bộ này giá tầm 3 triệu đồng. Mấy bộ to, nặng hơn như Doraemon, Pikachu thì mắc hơn, khoảng 5-6 triệu đồng. Bọn mình làm thuê cho công ty (ở gần phố đi bộ) nên được phát đồ và kẹo. Bán được một cây kẹo giá 20.000 đồng thì mình được 5.000 đồng. Một số người tự mua bộ đồ thú bông, tự bán kẹo, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”.

Đến khoảng 22g30, Tùng về lại công ty trả đồ, lặng lẽ lấy xe về phòng trọ tận Q.7. Tùng nói một buổi tối siêng năng thì kiếm được khoảng 100.000 đồng.

“Đây chỉ là việc buổi tối thôi, ban ngày mình làm thuê cho quán cà phê vì tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa xin được việc. Vừa đi làm, mình vừa nộp hồ sơ, hi vọng sớm tìm được công việc phù hợp” - Tùng chia sẻ.

Còn Nguyễn Hải Duy (28 tuổi), trong bộ đồ ông già Noel có bộ râu trắng muốt và túi quà sau lưng, bệ vệ bước đi và ưỡn bụng, tạo dáng mỗi khi ống kính chiếu vào. Gặp các em nhỏ, ông già Noel xoa đầu các bé, cất giọng ồm ồm: “Mau ăn chóng lớn nha bé”, khiến các bé thích thú.

Anh Duy là ảo thuật gia nghiệp dư nhưng chỉ lúc nào có sô thì mới đi diễn. Lúc rảnh thì ra đây bán kẹo.

Chỉ tay về cuối phố đi bộ, anh Duy tiếp lời: “Vợ mình cũng đang đóng gấu bông bán kẹo ở đây. Lấy nhau hai năm rồi nhưng vợ chồng bảo nhau ráng làm thêm kiếm ít tiền rồi mới sinh con”.

Hai vợ chồng cũng bán hàng cho công ty, mỗi cây kẹo 20.000 đồng được hưởng 5.000 đồng. So với đa số các bạn đóng vai thú bông đi bán kẹo, anh lớn tuổi hơn nhưng độ tạo dáng nhí nhảnh cũng không thua các bạn trẻ.

Ở đây còn có những bạn rất trẻ hành nghề. Như Hà My, đang là học sinh lớp bổ túc lớp 9 ở Bình Chánh. Hà My bắt cặp với chú mèo máy Doraemon, dắt Doreamon đi bán kẹo. My mới bán được một tháng, còn bẽn lẽn lắm.

“Em đến đây khoảng 5g chiều. Bán đến 11g đêm thì về. Ngày đông khách, có khi 1g sáng em mới về tới nhà. Về nhà, em còn phải học bài nữa rồi mới đi ngủ”.

Nuôi ước mơ khởi nghiệp

Ngoài bán kẹo dưới bộ đồ thú bông, nhiều bạn trẻ khác còn có cách hành nghề hàng rong khác.

Với cái khay gỗ trên tay, hai bạn trẻ Lê Thị Quỳnh (18 tuổi, quê Quảng Ngãi, sinh viên năm nhất) và Nguyễn Văn Hai (26 tuổi, quê Sóc Trăng, hiện đang đi làm công nhân) lịch sự giới thiệu những chiếc móc khóa nhỏ xinh xắn.

“Tụi mình lấy móc khóa này từ một cửa hàng khởi nghiệp của các anh chị lớn để đi bán. Trong các mẫu móc khóa, có nhiều mẫu do tụi mình thiết kế” - Quỳnh nói.

Mỗi chiếc móc khóa bán được, các bạn lãi khoảng 10.000 đồng. Quỳnh nói đi bán thế này giúp bạn tích lũy kinh nghiệm sống và dạn dĩ hơn.

Cứ chiều học xong, Quỳnh chạy lấy hàng rồi ra đây đi bán. Cùng với có thêm một khoản tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập thì Quỳnh nói còn được học về cách kinh doanh của các anh chị lớn.

Hay Minh và Thư - đều là sinh viên - cũng ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp từ những chiếc bánh phô mai bán dạo ở đây. Mở thùng xốp đậy kín, Minh lấy ra một chiếc bánh phô mai thơm lừng: “Bánh do tụi mình tự làm từ phô mai Úc, giá 16.000 đồng”.

Cứ mày mò làm rồi đi bán, mục tiêu hướng tới là ngon và bắt khách chứ không có khuôn mẫu nào. Ngoài bán ở phố đi bộ, nhóm còn bán ở trước các trường học, khu vực nhà thờ Đức Bà.

Minh cho biết nhóm chia nhau ra, người đi bán bánh, người chuyên làm bánh: “Giờ tụi mình chỉ mới có chỗ làm bánh nhưng chưa có cửa hàng, cho nên trước mắt tụi mình đi bán dạo để mọi người biết đến sản phẩm, từ từ tính tiếp”.

Nói là nói vậy, chứ Minh và nhóm của mình mong ước khởi nghiệp với một thương hiệu bánh mới lạ, hấp dẫn và sẽ là đối tác của các chuỗi tiệm bánh.

Con phố đi bộ nhộn nhịp đến tầm hơn 11g đêm thì vãn dần. Lúc đó những người mưu sinh trên con đường này lặng lẽ dọn đồ, trở về căn nhà trọ, cho mình một giấc thảnh thơi sau một ngày nhọc nhằn và mơ giấc mơ mai sau...

Bán hàng vui vẻ, văn minh

Chị Hồng - một khách đi bộ - cho biết khi được mời mua kẹo, các thú bông đều rất dễ thương, hài hước nên chị vui vẻ ủng hộ. Như chú khỉ Milo, khi chen ngang cuộc nói chuyện của khách đều lịch sự: “Anh, chị thông cảm cho khỉ nha...” khiến mọi người thấy dễ chịu.

Ở đây, cũng không có sự cạnh tranh giữa những “đồng nghiệp” với nhau. Những thú bông bán kẹo lúc đi ngang còn vỗ vai nhau, chào hỏi nhau, túm lại nói chuyện khá vui vẻ.

Cũng như chị Hồng, hầu hết các bạn trẻ đến đây dạo chơi đều cho biết những chú thú bông này làm họ vui mắt, không bị quấy rầy. “Thử nghĩ một ngày mấy chú thú bông này biến mất? Ôi chắc các em bé buồn lắm...” - chị Hồng nói.

MINH PHƯỢNG - NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên