09/01/2017 11:49 GMT+7

Bạn trẻ muốn trở thành 'công dân toàn cầu' cần làm gì?

QUỐC NGUYÊN thực hiện
QUỐC NGUYÊN thực hiện

TTO - Trở thành “công dân toàn cầu” là mục tiêu mà nhiều bạn trẻ hướng đến, nhất là trong thời điểm đất nước hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Phạm Thị Huyền Trân (bên trái) và Châu Trần Hoàng Uyên - Ảnh: Q.NG.
Phạm Thị Huyền Trân (bên trái) và Châu Trần Hoàng Uyên - Ảnh: Q.NG.

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với hai nữ “Sinh viên 5 tốt” là chủ tịch hội sinh viên trường: Châu Trần Hoàng Uyên (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) và Phạm Thị Huyền Trân (Học viện Hàng không VN). 

* Bạn nhận ra điều gì khi đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”?

- Phạm Thị Huyền Trân: Từ năm nhất đến giờ, trong vai trò sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu và ở vị trí ban tổ chức phong trào “Sinh viên 5 tốt” của trường, mình tìm được hướng học tập và rèn luyện phù hợp cho bản thân.

Điều khó nhất là cân bằng giữa thời gian học tập và hoạt động phong trào nên mình phải chủ động sắp xếp. Khi làm gì đều cần đầu tư nghiêm túc, tập trung tối đa và chỉ có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi có mục tiêu và đặt hết tâm huyết vào từng việc dù là nhỏ nhất.

- Châu Trần Hoàng Uyên: Bốn năm hoạt động Đoàn - Hội tại trường, tôi thấy mình được nhiều thứ: nhiều mối quan hệ mới, được bạn bè, thầy cô quan tâm giúp đỡ, sự động viên từ gia đình.

Chạm tay vào danh hiệu cao quý này ở thời điểm cuối của đời sinh viên, tôi muốn hết lòng cảm ơn thầy cô, bạn bè và gia đình đã luôn bên cạnh hỗ trợ để tôi có thể hoàn thành chặng đường không dễ dàng này.

* Một trong các tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt” là hội nhập tốt. Bạn nhìn về hội nhập thế nào và liệu sinh viên chúng ta có đủ bản lĩnh để hội nhập?

- Phạm Thị Huyền Trân: Hội nhập tốt là một trong những yếu tố đi đến thành công cả trong học tập lẫn sự nghiệp tương lai.

Chủ đề “Năm sinh viên hội nhập” của năm học vừa qua tại TP.HCM cộng với đề án nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên TP mà Hội Sinh viên VN TP.HCM triển khai là cơ hội để sinh viên các trường tìm hiểu, cọ xát và tham gia các hoạt động hội nhập một cách thiết thực hơn.

Những phương thức ấy giúp sinh viên tụi mình có môi trường mở rộng kiến thức, trang bị thêm các kỹ năng cần thiết để mỗi người chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng cùng đất nước hội nhập. Với nền tảng cùng nội lực của mỗi người, tôi tin việc bước vào sân chơi hội nhập ngày càng rộng lớn hơn của sinh viên VN là hoàn toàn có thể.

- Châu Trần Hoàng Uyên: Tôi thấy hiện nay đất nước chúng ta đẩy mạnh việc hội nhập theo nhiều cách khác nhau. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế VN và thế giới.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật bước đầu, song tôi cho rằng việc hội nhập sẽ còn phải khắc phục không ít khó khăn trong thời gian tới. Và điều mỗi sinh viên có thể làm là chuẩn bị hành trang cho mình với kiến thức chuyên môn, kỹ năng đi kèm thật vững, mới mong có thể tự tin hội nhập.

Bạn trẻ các nước tham gia tàu thanh niên Đông Nam Á mặc áo dài Việt Nam trên tàu - Ảnh: Mai Hương

 

* Người ta cũng nhắc đến “công dân toàn cầu”, bạn hình dung khái niệm này thế nào và đã sẵn sàng để trở thành “công dân toàn cầu”?

- Châu Trần Hoàng Uyên: Tôi nghĩ một “công dân toàn cầu” trước hết cần am hiểu một hoặc một số ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Họ cần biết những nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia khác càng nhiều càng tốt.

Nhất là các quốc gia lân cận, những quốc gia mà đất nước của một “công dân toàn cầu” đang có mối quan hệ hợp tác, gắn bó lâu dài. Tôi đang tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng trở thành “công dân toàn cầu” bằng nhiều cách. 

Bên cạnh trau dồi tiếng Anh hằng ngày, tôi đang học thêm tiếng Hàn, tham gia các buổi hội thảo, diễn đàn, trại hè giao lưu quốc tế khi có cơ hội, để làm quen nhiều bạn mới, hiểu thêm về nền văn hóa của họ. Thậm chí cố gắng tiết kiệm tiền để đi du lịch cũng là cách tôi chuẩn bị hành trang trở thành “công dân toàn cầu”.

- Phạm Thị Huyền Trân: Trở thành “công dân toàn cầu” là mục tiêu mà nhiều bạn trẻ hướng đến, nhất là trong thời điểm đất nước hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Nói đến “công dân toàn cầu”, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là ngoại ngữ.

Đó như tấm vé thông hành nhanh nhất giúp mỗi người tự tin trao đổi tri thức, chia sẻ kinh nghiệm, khám phá văn hóa. Ngoài ngoại ngữ tôi cũng tìm cách rèn luyện kỹ năng, vững kiến thức với mong muốn mình ngày càng đa năng, hoàn thiện và hội nhập tốt hơn. 

Bạn trẻ TP.HCM đón Tàu thanh niên ASEAN - Nhật Bản (SSEAYP) -Ảnh tư liệu

 

Không gian truyền thống phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM

Công trình vừa được khởi công sáng 8-1 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là công trình thứ hai trong sáu công trình đã được quyết định xây dựng tại những địa điểm ghi dấu ấn hào hùng của phong trào đấu tranh HSSV Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến.

Công trình dự kiến hoàn thành dịp 30-4 năm nay, với kinh phí trên 400 triệu đồng do Trường ĐH Khoa học tự nhiên và sinh viên TP đóng góp. Công trình đầu tiên đã được đưa vào sử dụng tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ tháng 5-2016.

>>Xem clip:

QUỐC NGUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên