18/08/2017 14:08 GMT+7

Bán đảo Triều Tiên, sau căng thẳng là chờ căng thẳng tiếp

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu hạ nhiệt và quay về quỹ đạo cũ: đe dọa đáp trả song hành với cam kết tăng cường an ninh.

Một bức tranh cổ động chương trình tên lửa của Triều Tiên có dòng chữ:
Một bức tranh cổ động chương trình tên lửa của Triều Tiên có dòng chữ: "Không ai có thể cản bước chúng ta" được truyền thông Triều Tiên công bố ngày 17-8 - Ảnh: REUTERS

Hôm qua (17-8), Triều Tiên tiếp tục chỉ trích cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Hàn Quốc mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi".

Bình Nhưỡng cho rằng cuộc tập trận, dự kiến bắt đầu vào tuần tới, sẽ dẫn tình hình bán đảo Triều Tiên tới "thảm họa".

Cùng ngày, thông cáo của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán về chương trình hạt nhân nếu Mỹ tiếp tục duy trì các chính sách thù địch.

Thông cáo cho biết hôm 15-8 Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Kim In Ryong đã trình bày với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres như trên.

Đáp trả, phía Mỹ khẳng định các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc không phải là thứ để đem ra bàn đàm phán. Washington khẳng định những cuộc tập trận và các lần động binh sẽ tiếp tục cho tới khi nào Triều Tiên chịu dừng de dọa các nước khác.

Như vậy sau nhiều ngày căng thẳng, câu chuyện Triều Tiên và những căng thẳng xung quanh nó đã hạ nhiệt và quay lại lối mòn cũ.

Cách mà Triều Tiên lẫn Mỹ đặt điều kiện cho các bên không có gì mới, nếu không muốn nói là hoàn toàn sáo rỗng và cho có lệ.

Triều Tiên sẽ không dừng các vụ bắn thử tên lửa, thực tế đã chứng minh điều đó. Mỹ cũng sẽ chẳng ngừng tập trận với Hàn Quốc hay rút vũ khí khỏi Đông Bắc Á, đó là điều hiển nhiên.

Vậy nên, chuyện hai bên cứ đem những cái khó nhất, cốt lõi nhất và khó thay đổi nhất ra làm điều kiện cho đàm phán chỉ được xem là mang tính lấy lệ hơn là thực sự mong muốn đối thoại.

Giới quan sát nhận định, trong khi Bình Nhưỡng ngày càng có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ tên lửa, nỗ lực giải quyết vấn đề của các bên vẫn chưa có gì khởi sắc.

Nhật Bản vẫn lựa chọn chính sách gắn chặt lợi ích an ninh với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Hôm 17-8, phát biểu sau cuộc đối thoại cấp cao 2+2 về an ninh và ngoại giao tại Mỹ, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật tiếp tục tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ, "tăng cường năng lực của liên minh nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên". 

Những tuyên bố kiểu này luôn lặp đi lặp lại sau mỗi lần Triều Tiên bắn tên lửa. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, hôm nay (18-8), Tổng thống Moon Jae In nhấn mạnh sẽ nỗ lực để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng kinh tế trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc kiến tạo chứ không phải chỉ là gìn giữ hòa bình.

Ông Moon trước đó một ngày cũng đã vạch ra "lằn ranh đỏ" cho các hoạt động của Triều Tiên và nhấn mạnh Hàn Quốc nên đi đầu trong các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên